Sinh cảnh ở Côn Đảo đang thật sự là nơi làm tổ an toàn nhất Việt Nam hiện nay đối với loài rùa biển và cũng là nơi rất thích hợp cho nghiên cứu, bảo tồn rùa biển.
Rùa biển là loài động vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng trên phạm vi toàn cầu và đang được sự quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có các nước Đông Nam Á. Các loài rùa biển đều được đưa vào sách đỏ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) về các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng. Quần thể rùa Xanh về các bãi biển ở Côn Đảo để làm tổ hàng năm có số lượng lớn nhất Việt Nam. Theo số liệu nghiên cứu, ở Côn Đảo, khoảng 350 rùa mẹ đã về làm tổ. Nơi đây còn là vùng tìm thức ăn quan trọng của một quần thể rùa Xanh khác có kích thước nhỏ hơn. Vườn Quốc gia Côn Đảo được xác lập kỷ lục quốc gia “Vườn Quốc gia thả rùa con về biển nhiều nhất Việt Nam” được trao chứng nhận vào ngày 31/1/2009.
Vườn Quốc gia Côn Đảo là nơi đầu tiên (từ năm 1994) thực hiện thành công và có hệ thống chương trình bảo tồn rùa biển, là nơi nghiên cứu các đặc tính sinh học và mô hình - phương pháp bảo tồn rùa biển hiệu quả không những cho Côn Đảo mà còn chia sẻ các mô hình - phương pháp bảo tồn rùa biển trên các bãi biển toàn quốc.
Mùa làm tổ của rùa biển năm 2018 diễn ra từ ngày 26/1 đến ngày 15/11, mùa đẻ trứng chỉ tập trung trong 6 tháng (từ tháng 5 – tháng 11). Hiện tại, các đảo trong khu vực Vườn Quốc gia Côn Đảo có 6 Trạm bảo tồn rùa biển tại Hòn Tre Lớn, Hòn Tài, Hòn Bảy Cạnh, Hòn Cau, Trạm Kiểm lâm Đầm Tre với 16 bãi làm tổ rùa biển, với 1.174 tổ đẻ, 1.074 tổ nở. 81.137 cá thể rùa con nở ra ở các trạm bảo tồn được thả xuống biển. Đây là số rùa con được quản lý (nở thả có kiểm soát) nhằm hạn chế tỉ lệ bị địch hại tấn công trong vùng triều và trên bãi cát. Trong năm 2018, từ bãi số 3 đến bãi số 10, lực lượng chức năng đã cứu hộ 17 tổ, di dời về hồ ấp trứng Đất Dốc 10 tổ trong đó: Trạm Kiểm lâm Ông Đụng di dời 2 tổ, Trạm Kiểm lâm Bến Đầm di dời 4 tổ, Trạm Kiểm lâm Đầm Tre di dời 4 tổ.
Ông Nguyễn Văn Vững, Phòng Bảo tồn biển và đất ngập nước, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo cho biết, năm 2018, Ban Quản lý Vườn đã làm tốt công tác cứu hộ, bảo tồn rùa biển tại Côn Đảo; biết được phần lớn các tập tính và đặc tính sinh thái của loài rùa biển ở giai đoạn rùa mẹ lên bãi làm tổ, quá trình ấp trứng; từ đó đưa ra các giải pháp bảo tồn rùa biển phù hợp với điều kiện Côn Đảo và các vùng khác của Việt Nam. Côn Đảo thực sự trở thành trung tâm nghiên cứu và bảo tồn rùa biển, là nơi có số lượng rùa biển về làm tổ, số tổ trứng và số rùa con được thả về biển cao nhất Việt Nam. Công tác quản lý, kiểm tra, giám sát các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ rùa biển được Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Côn Đảo thực hiện chặt chẽ, tình trạng trộm trứng và săn bắt rùa biển mẹ đã giảm đáng kể so với những năm trước.
Năm 2018, Vườn Quốc gia Côn Đảo phối hợp hỗ trợ và bàn giao 500 trứng rùa biển cho Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam về quản lý, ấp nở tại Cù Lao Chàm - Hội An theo giấy phép cho, tặng loài động vật quý, hiếm ưu tiên bảo vệ của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Cùng với đó, Ban Quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo phối hợp với Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc Tế (IUCN) tổ chức Chương trình Tình nguyện viên bảo tồn rùa biển hè năm 2018. Chương trình đã tổ chức thành công 3 đợt, mỗi đợt 10 ngày cho 32 tình nguyện viên tham gia di dời, cứu hộ, bảo tồn rùa biển tại các đảo nhỏ. Đây là chương trình mang ý nghĩa và nội dung thiết thực, giúp cho các Trạm Kiểm lâm thực hiện di dời cứu hộ, vệ sinh san lấp bãi đẻ, tuần tra bảo vệ, hướng dẫn khách du lịch vào mùa cao điểm. Những tình nguyện viên tuyên truyền viên giúp cho mọi người hiểu biết thêm về công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên nói chung và bảo tồn Rùa biển tại Vườn Quốc gia Côn Đảo nói riêng, góp phần thực hiện tốt trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại Côn Đảo.
Được sự đồng ý của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Ban Quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo đã phối hợp phối hợp với Công ty trách nhiệm hữu hạn Côn Đảo Resort triển khai phương án "Phục hồi và bảo tồn bãi đẻ rùa biển tại Đất Dốc, huyện Côn Đảo giai đoạn 2018 – 2020"; tập huấn về thực hành công tác quản lý, bảo tồn và cứu hộ rùa biển cho 23 nhân viên của Công ty trách nhiệm hữu hạn Côn Đảo Resort; di dời và bàn giao 41 tổ rùa biển và phục hồi bãi rùa đẻ Đất Dốc. Khu vực phục hồi đã có 6 cá thể rùa mẹ lên làm tổ. Công ty trách nhiệm hữu hạn Côn Đảo Resort đã ấp nở 35 tổ với tổng số trứng 2.950 trứng, thả về biển 2.489 cá thể rùa con.
Theo ông Nguyễn Khắc Pho, Giám đốc Vườn Quốc gia Côn Đảo cho biết, trong năm 2019, đơn vị sẽ tiếp tục thực hiện Kế hoạch các nội dung đã được phê duyệt trong dự án “Di dời, cứu hộ trứng và rùa con để phục hồi quần thể rùa biển tại Côn Đảo trước tác động của nhiệt độ tăng, triều cường, nước biển dâng do biến đổi khí hậu”.
Vườn Quốc gia tăng cường công tác quản lý, giám sát chặt chẽ để kịp thời phát hiện những Trạm Kiểm lâm buông lỏng quản lý bảo vệ, móc nối bên ngoài và xử lý nghiêm những sai phạm khi bị phát hiện. Vườn tiếp tục hợp tác với Công ty trách nhiệm hữu hạn Côn Đảo Resort thực hiện Phương án phục hồi và bảo tồn bãi đẻ rùa biển tại Đất Dốc.
Vườn Quốc gia tiếp tục phối hợp với IUCN tổ chức Chương trình tình nguyện viên bảo tồn rùa biển hè năm 2019; bảo vệ tốt nguồn tài nguyên rùa biển, tập trung nghiên cứu các đặc tính sinh học của rùa biển nhằm đề xuất các biện pháp bảo tồn hiệu quả. Vườn Quốc gia cũng có giải pháp nâng cao tỉ lệ trứng nở, đảm bảo chất lượng sức khỏe và tỉ lệ giới tính rùa con tương tự tỉ lệ giới tính rùa con trong tự nhiên; sử dụng nguồn tài nguyên rùa biển một cách hợp lý, giảm thiểu các hoạt động của con người ảnh hưởng đến hoạt động sinh sản của rùa biển trên các bãi làm tổ… Hoạt động cứu hộ và nghiên cứu rùa biển được thực hiện liên tục, nhằm hạn chế sự suy giảm về số lượng cá thể trong quần thể rùa biển Côn Đảo.
Nguồn bài viết : Chuyển nhượng bóng đá