Ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển địa phương

2025-01-17 20:15:20
Từ kinh nghiệm của ngoại giao vaccine, thúc đẩy ngoại giao kinh tế
Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước

Đứng trước sự phục hồi mạnh mẽ của các hoạt động đối ngoại sau dịch Covid-19, tỉnh Hà Giang đã kịp thời nối lại các hoạt động ngoại giao với các đối tác nước ngoài; đẩy mạnh triển khai các nội dung, thỏa thuận hợp tác đã ký kết với đối tác, tăng cường thu hút đầu tư, vận động các nguồn vốn từ các tổ chức quốc tế... đảm bảo theo đúng lộ trình chiến lược hội nhập quốc tế.

Tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 15/4/2010 của Ban Bí thư khóa X về tăng cường công tác ngoại giao kinh tế trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư. UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình số 37-Ctr/TU, ngày 21/3/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế đối ngoại tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nhờ có đường lối đối ngoại đúng đắn, trong 6 tháng đầu năm nay, tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động ngoại giao kinh tế có ý nghĩa như ký mới 11 thỏa thuận với các cơ quan, đơn vị nước ngoài. Nổi bật như đã ký kết với chính quyền quận Boeun, Hàn Quốc và đưa 49 lao động của tỉnh sang Boeun làm việc thời vụ từ tháng 8 năm nay; ký kết thỏa thuận hợp tác lao động thời vụ giữa huyện Hadong, Hàn Quốc với UBND huyện Bắc Quang.

Tỉnh đoàn Hà Giang khảo sát tại Công ty Hữu hạn Công nghệ Addictive manufacturing (In 3D) Giai Duy, thành phố Côn Minh, Trung Quốc (Ảnh: CTV).

Tỉnh đã chủ động tham gia các hoạt động giao ban, làm việc với các Thương vụ của Việt Nam, các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước nhằm nắm bắt nhu cầu và tìm hiểu thị trường để xuất, khẩu hàng hóa, qua đó kịp thời cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu của địa phương. Các cơ quan chuyên môn cũng chủ động tham gia, cung cấp thông tin, tài liệu, ấn phẩm phục vụ công tác xúc tiến đầu tư nước ngoài tại các hội nghị quảng bá, xúc tiến đầu tư như: Hội thảo kết nối doanh nghiệp Việt Nam và Hồng Kông; Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp lần thứ 12; cung cấp thông tin xúc tiến đầu tư cho Cơ quan xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc; Hội chợ thương mại du lịch quốc tế Việt - Trung và Lễ kỷ niệm 30 năm khôi phục mở cửa khẩu Thanh Thủy (Việt Nam) - Thiên Bảo (Trung Quốc) tại huyện Malypho... Đồng thời đẩy mạnh công tác phối hợp với chính quyền, các cơ quan đối đẳng phía Trung Quốc duy trì sự ổn định, an toàn, trật tự trong hoạt động xuất, nhập khẩu, thương mại dịch vụ, vận tải hành khách, du lịch tại khu vực biên giới và trao đổi hàng hóa giữa cư dân hai bên biên giới. Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh đang dần phục hồi, với sự hoạt động trở lại của cặp cửa khẩu Xín Mần - Đô Long. Tổng giá trị kim ngạch xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh tính đến tháng 5 đạt 102,6 triệu USD. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là quả tươi các loại, tinh bột sắn khô, hạt lạc khô, ván bóc, antimon, quần áo, chè, bao bì, sản phẩm từ gỗ...

Thực hiện các chương trình, dự án ODA, tỉnh đã thường xuyên quan tâm theo dõi, kịp thời tháo gỡ vướng mắc. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 5 chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài được thực hiện. Trong năm nay, tỉnh tiếp tục vận động 3 dự án sử dụng vốn vay ODA mới gồm: Dự án “Phát triển nông thôn thích ứng với thiên tai” sử dụng vốn vay JICA; Dự án “Phát triển cơ sở hạ tầng xanh thích ứng với biến đổi khí hậu cho đồng bào dân tộc thiểu số - Tiểu dự án tỉnh Hà Giang” sử dụng vốn vay ADB; Dự án “Quản lý tài sản đường địa phương giai đoạn 2” sử dụng vốn vay WB. Bên cạnh đó, tỉnh đang thu hút, quản lý vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 4 dự án, với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 3,69 triệu USD. Công tác vận động và quản lý viện trợ phi chính phủ nước ngoài đang được thực hiện tốt với 49 chương trình, dự án đang được triển khai. Trong đó, có 18 chương trình, dự án, khoản viện trợ mới ký cam kết trong năm nay đạt trên 3 triệu USD. Từ các chương trình, dự án này đã góp phần tích cực, quan trọng vào sự phát triển bền vững của địa phương.

Với tinh thần ngoại giao kinh tế phải đảm bảo tính chủ động, tích cực, bài bản, toàn diện, thu hút các nguồn lực từ bên ngoài trên cơ sở phát huy hiệu quả các nguồn lực bên trong, đóng góp tích cực vào thành tựu đối ngoại và phát triển KT-XH của tỉnh. Tỉnh ta đang nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế một cách toàn diện, thực chất trong giai đoạn phát triển mới của đất nước nói chung và của tỉnh nói riêng. Góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, định hướng phát triển KT-XH và đường lối đối ngoại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

Đối ngoại nhân dân thu hút viện trợ quốc tế, quảng bá hình ảnh địa phương
50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Malaysia: Thúc đẩy mô hình hợp tác địa phương

Nguồn bài viết : ON Trực Tuyến

Top