Về vấn đề này, Bộ Luật Lao động năm 2012 quy định: Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, Tết sau đây: Tết Dương lịch 1 ngày (ngày 1/1 dương lịch); Tết Nguyên đán (Tết Âm lịch) là 5 ngày; Ngày Chiến thắng 1 ngày (ngày 30/4 dương lịch); Ngày Quốc tế lao động 1 ngày (ngày 1.5 dương lịch); Ngày Quốc khánh 1 ngày (ngày 2/9 dương lịch); Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 1 ngày (ngày 10/3 âm lịch).
Theo quy định của Bộ luật Lao động, dịp tết, người lao động được nghỉ làm việc. Trường hợp người sử dụng lao động muốn người lao động đi làm ngày Tết thì phải có sự đồng ý của người lao động.
Còn tại Điều 117 Luật Lao động quy định thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người làm công việc có tính chất đặc biệt: Đối với các công việc có tính chất đặc biệt trong lĩnh vực vận tải đường bộ, đường sắt, đường thuỷ, đường hàng không, thăm dò khai thác dầu khí trên biển; làm việc trên biển; trong lĩnh vực nghệ thuật; sử dụng kỹ thuật bức xạ và hạt nhân; ứng dụng kỹ thuật sóng cao tần; công việc của thợ lặn, công việc trong hầm lò; công việc sản xuất có tính thời vụ và công việc gia công hàng theo đơn đặt hàng; công việc phải thường trực 24/24 giờ thì các bộ, ngành quản lý quy định cụ thể thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi sau khi thống nhất với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và phải tuân thủ quy định tại Điều 108 của Bộ luật này.
Nếu người sử dụng lao động buộc người lao động đi làm vào ngày Tết và không có sự đồng ý của người lao động thì sẽ bị xử phạt theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể, điều 14 Nghị định 95/2013/NĐ-CP chỉ rõ, người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định về nghỉ hàng tuần, nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, Tết thì bị phạt tiền theo các mức sau đây:
- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng với vi phạm từ 1 - 10 người lao động
- Phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng với vi phạm từ 11 - 50 người lao động
- Phạt tiền từ 3 - 7 triệu đồng với vi phạm từ 51 - 100 người lao động
- Phạt tiền từ 7 - 10 triệu đồng với vi phạm từ 101 - 300 người lao động
- Phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Do vậy, người sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền lên tới 15 triệu đồng nếu cố tình bắt ép người lao động đi làm vào dịp lễ tết.
Trường hợp đi làm thêm vào dịp Tết theo thỏa thuận giữa hai bên, theo khoản c, Điều 97, Bộ Luật Lao động 2012 quy định về tiền lương làm thêm giờ và làm việc vào ban đêm, nếu người lao động đi làm vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương thì được hưởng ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
Như vậy, ngoài khoản lương đi làm nhận được vào ngày Tết, người lao động còn được nhận thêm 300%, nghĩa là cao gấp 4 lần ngày thường.
Nguồn bài viết : Casino GMC Mui Ne