Nhiều lao động Việt Nam góp phần vào sự tăng trưởng của Malaysia |
Straight Outta Kuala Lumpur: Tinh hoa ẩm thực Malaysia tại thành phố Hồ Chí Minh |
Chương trình “Gặp mặt doanh nhân cùng Đại sứ Malaysia” do Hội hữu nghị Việt Nam - Malaysia phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển doanh nhân Việt Nam - ASEAN tổ chức. Chương trình thu hút khoảng 30 đại diện doanh nghiệp Việt Nam thuộc nhiều ngành nghề tham dự.
Tại sự kiện này, đại diện một số doanh nghiệp đã chia sẻ với phóng viên tạp chí Thời Đại về những kỳ vọng của họ về thị trường thực phẩm Halal tại Malaysia và mong muốn đối với Đại sứ quán Malaysia tại Việt Nam, Hội hữu nghị Việt Nam - Malaysia và Viện Nghiên cứu phát triển doanh nhân Việt Nam - ASEAN.
Bà Trần Thị Mai, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên):
Lần đầu tiên tham dự chương trình gặp gỡ, chúng tôi mang theo 11 sản phẩm là đặc sản của Điện Biên trong đó có: nếp nương, gạo séng cù, gạo lứt đỏ, gạo lứt đen, bún gạo lứt đỏ, chè shan tuyết, đông trùng hạ thảo, miến dong... Đây là những sản phẩm tốt cho sức khỏe, phù hợp với người tiêu dùng Hồi giáo.
Chúng tôi mong muốn thông qua sự kiện này có thể tìm hiểu thị trường Malaysia, đặc biệt là ngành công nghiệp Halal tại quốc gia này. Thông qua các kênh kết nối, chúng tôi hy vọng nông sản của Điện Biên có thể tìm đường sang nước bạn.
Các sản phẩm được giới thiệu tại sự kiện đã được chứng nhận OCOP, trong khi tiêu chuẩn của thị trường quốc tế khắt khe hơn rất nhiều. Chúng tôi sẽ sàng lọc kỹ càng hơn và nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Khách mời tại chương trình gặp gỡ tìm hiểu các sản phẩm tinh chất hòa tan của Công ty VGM (Ảnh: Thành Luân). |
Bà Nguyễn Dương Hoa - Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ VietGourMand (VGM):
Xuất phát từ mong muốn nâng cao giá trị nông sản Việt, ổn định đầu ra cho người nông dân, chúng tôi cho ra đời các sản phẩm tinh chất hòa tan như: tinh chất rau má, mía, dứa & cốt dừa, thanh long đỏ & dứa, cần tây, diếp cá, mãng cầu xiêm, chanh dây... Vùng nguyên liệu của VGM đạt chuẩn VietGAP, các sản phẩm đạt chuẩn HACCP, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất phụ gia, phẩm màu và hóa chất độc hại. Nhờ công nghệ sấy phun hiện đại kết hợp bí quyết phối trộn riêng, chất dinh dưỡng, hương vị gốc và màu sắc tự nhiên của nông sản gần như được giữ nguyên vẹn.
Hiện các sản phẩm của doanh nghiệp được xuất khẩu sang Trung Quốc, Australia, Đức. Để tiếp tục mở rộng thị trường cho sản phẩm, chúng tôi mong muốn Đại sứ quán Malaysia, Hội hữu nghị Việt Nam - Malaysia, Viện Nghiên cứu phát triển doanh nhân Việt Nam - ASEAN tăng cường chia sẻ thông tin về thị trường Malaysia, điều kiện để có chứng nhận Halal và hướng dẫn doanh nghiệp để sản phẩm có thể tiếp cận người tiêu dùng Malaysia.
Ông Lê Hồng Quân giới thiệu sản phẩm bia thủ công mang tên biển đảo Việt Nam tại sự kiện (Ảnh: Thành Luân) |
Ông Lê Hồng Quân, Phó chủ nhiệm Quỹ Trường Sa “Hành trình Của trái tim”, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ kết nối doanh nhân Việt Nam - Quốc tế (VIENC):
Chúng tôi rất tự hào khi sản phẩm bia tươi mang tên quần đảo Trường Sa của Công ty Cổ phần Revolution Brewin được chọn làm đồ uống chính thức tại sự kiện ngoại giao đầy ý nghĩa, kết nối văn hóa và thương mại giữa Việt Nam và Malaysia. Lựa chọn thương hiệu Trường Sa cho sản phẩm bia thủ công (craft beer), chúng tôi muốn kể những câu chuyện lịch sử theo một cách khác. Trên thế giới, Nhật Bản có bia Sapporo và Kirin gắn với tên hai hòn đảo nổi tiếng, Trung Quốc cũng có bia Shingtao - Thanh Đảo. Vậy tại sao Việt Nam không có loại bia mang tên Trường Sa và Hoàng Sa?
Thời gian qua, bia Trường Sa chủ yếu tiêu thụ tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số trung tâm lớn. Sắp tới, chúng tôi sẽ hợp tác với một số đơn vị logistics để đưa sản phẩm tới các tỉnh, thành phố trong cả nước và có thể là thị trường quốc tế. Thông qua chương trình, chúng tôi mong muốn mọi người có thể thưởng thức, cảm nhận hương vị đậm đà, thanh dịu của loại bia thủ công này.
Ông Đinh Vĩnh Cường, Chủ tịch VIENC:
Thực phẩm Halal là thị trường lớn và tiềm năng mà doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chưa quan tâm nhiều. Để vào được các thị trường Hồi giáo, sản phẩm phải đạt chứng nhận Halal. Mỗi thị trường lại có tiêu chuẩn khác nhau để cấp chứng nhận Halal, do đó doanh nghiệp quan tâm thị trường nào thì tìm hiểu điều kiện cấp chứng nhận Halal của thị trường đó. Bên cạnh việc tìm hiểu nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp cần xem sản phẩm mình ở đâu, có phù hợp với thị trường Halal không và làm thế nào để tiếp thị, nâng cấp giá trị sản phẩm.
Viện Nghiên cứu phát triển doanh nhân Việt Nam - ASEAN và VIENC hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp quốc tế. Sự kiện hôm nay là cơ hội để các doanh nghiệp tìm hiểu rõ hơn về thị trường và cách thức đưa sản phẩm, nhất là nông sản Việt Nam thâm nhập Malaysia.
Phát biểu tại sự kiện, ông Ngô Sách Thực, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Malaysia cho biết, chương trình gặp gỡ là bước khởi đầu cho hành trình hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp Malaysia trong thời gian tới. Với chủ trương ngoại giao nhân dân đi trước một bước, Đại sứ Malaysia tại Việt Nam Dato' Tan Yang Thai, Hội hữu nghị Malaysia - Việt Nam và Hội hữu nghị Việt Nam - Malaysia đã chú trọng nhiều hoạt động kết nối. Năm 2023, hai bên sẽ có nhiều hoạt động hữu nghị, hợp tác, trong đó tổ chức các chuyến thăm lẫn nhau với sự tham gia của các doanh nghiệp. Qua các chuyến thăm, doanh nghiệp hai nước sẽ kết nối với nhau, giới thiệu sản phẩm, tổ chức hội thảo, tìm ra giải pháp thúc đẩy tiếp cận thị trường.
Theo Đại sứ Malaysia tại Việt Nam Dato' Tan Yang Thai, thời gian qua hợp tác Malaysia - Việt Nam đã được triển khai trên nhiều lĩnh vực: thương mại, đầu tư, phát triển nhân lực, trao đổi khoa học công nghệ, phát triển ngành công nghiệp Halal, giáo dục, du lịch, giao lưu nhân dân giữa hai nước... Những hợp tác này là biểu hiện rõ ràng nhất cho quyết tâm làm sâu rộng hơn quan hệ song phương, qua đó giúp Malaysia và Việt Nam ngày càng gắn kết bền chặt hơn. |
Nhà đầu tư Malaysia quan tâm 4 lĩnh vực tại Việt Nam |
Xúc tiến hợp tác, kết nghĩa giữa thành phố Melaka (Malaysia) và Hội An |
Nguồn bài viết : PT Trực Tuyến