Trong khuôn khổ chương trình tham dự Phiên họp Cấp cao Khóa 55 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, ngày 26/2, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tiến hành các cuộc gặp với lãnh đạo Liên hợp quốc và trưởng đoàn các nước.
Gặp Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và ủng hộ vai trò trung tâm của Liên hợp quốc trong hệ thống quản trị toàn cầu và giải quyết các thách thức chung, đề nghị Liên hợp quốc tiếp tục ủng hộ và đồng hành với Việt Nam để phát triển đất nước, cũng như ủng hộ các nỗ lực xây dựng cộng đồng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hòa bình, ổn định và tự cường.
Bộ trưởng hoan nghênh các sáng kiến của Tổng Thư ký Guterres như “Chương trình nghị sự chung của chúng ta," Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai vào tháng 9/2024, đồng thời chia sẻ những nỗ lực gần đây của Việt Nam như thông qua Lộ trình hiện thực hóa các Mục tiêu Phát triển Bền vững đến năm 2030, thực hiện các cam kết về Biến đổi Khí hậu tại Hội nghị Các bên tham gia Công ước khung Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP), trong đó có việc triển khai Quan hệ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP).
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng thông báo Việt Nam sẽ tiếp tục cử các cán bộ, chiến sỹ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc trong thời gian tới, trong đó có lực lượng cảnh sát.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Guterres bày tỏ sự khâm phục trước các thành tựu của Việt Nam, cảm ơn sự hợp tác và ủng hộ tuyệt vời của Việt Nam dành cho các ưu tiên của Liên hợp quốc, nhất là về tham gia gìn giữ hòa bình, thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững, ủng hộ cải tổ Hội đồng Bảo an và các định chế tài chính quốc tế, đặc biệt là đi tiên phong thực hiện các cam kết về ứng phó với Biến đổi Khí hậu và hứa sẽ thuyết phục các bên đối tác cần thực hiện đúng các cam kết của mình.
Tại cuộc gặp với Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Dennis Francis, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đánh giá cao vai trò của Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khẳng định dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Dennis Francis, Liên hợp quốc đã có nhiều đóng góp rất tích cực vào đề cao luật pháp quốc tế, duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển giữa các quốc gia, cũng như ủng hộ nỗ lực của các nước, trong đó có Việt Nam, về xử lý các thách thức cấp bách liên quan đến Biến đổi Khí hậu và nước biển dâng.
Nhân dịp này, Bộ trưởng mời Chủ tịch Đại hội đồng thăm Việt Nam trong năm 2024. Bày tỏ cảm ơn sự ủng hộ của Việt Nam đối với Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc trong nhiều năm qua, ông Dennis Francis khẳng định Việt Nam đã có những đóng góp thiết thực cho công việc của Liên hợp quốc nói chung cũng như cho văn phòng của ông nói riêng, trong đó có việc cử cán bộ làm việc tại văn phòng.
Chủ tịch Đại hội đồng Francis chia sẻ các quan tâm của Việt Nam về hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, ứng phó Biến đổi Khí hậu và nhấn mạnh trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, Liên hợp quốc và các quốc gia thành viên cần chung tay xử lý các vấn đề quốc tế phát sinh, đồng thời cũng cần tập trung thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững.
Với tinh thần đó, Liên hợp quốc dự kiến sẽ tổ chức sự kiện Tuần lễ Bền vững vào tháng 4/2024 với 5 chủ đề chính là du lịch, cơ sở hạ tầng, năng lượng, xử lý nợ bền vững và giao thông, góp phần hưởng ứng Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai dự kiến tổ chức trong tháng 9/2024 và mong có sự tham gia tích cực của Việt Nam.
Vui mừng gặp lại Bộ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amir Abdollahian, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đánh giá cao sự phát triển quan hệ Việt Nam-Iran trong thời gian qua, đặc biệt là các hoạt động tiếp xúc cấp cao giữa hai nước.
Bộ trưởng mong muốn hai Bộ Ngoại giao tiếp tục phối hợp chặt chẽ, cùng các cơ quan liên quan triển khai đầy đủ, hiệu quả các thỏa thuận cụ thể đạt được trong chuyến thăm Iran của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vào tháng 8/2023, cũng như tại cuộc gặp giữa Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân với Phó Tổng thống thứ nhất Iran Mohammad Mokhber vào tháng 1/2024.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị hai bên tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp hai nước, đề nghị Iran hỗ trợ phát triển và mở cửa thị trường cho các sản phẩm Halal của Việt Nam, đồng thời tăng cường hợp tác tại các diễn đàn đa phương, trong đó có Liên hợp quốc.
Bộ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amir Abdollahian khẳng định Việt Nam là một đối tác quan trọng của Iran ở Đông Nam Á và mong muốn hai nước tiếp tục phấn đấu nâng kim ngạch thương mại hai chiều tương xứng với tầm vóc quan hệ song phương; nâng cao hơn nữa hợp tác trên các lĩnh vực giáo dục-đào tạo.
Hai bên đã trao đổi về các vấn đề quốc tế cùng quan tâm, trong đó có tình hình tại khu vực Trung Đông, nhất trí tăng cường hợp tác, đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và trên thế giới. Bộ trưởng Hossein Amir Abdollahian cũng mời Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn sang thăm Iran trong thời gian sớm nhất.
Tại cuộc gặp với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Kazakhstan Murat Abugaliuly Nurtleu, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định Việt Nam rất coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với Kazakhstan, đối tác quan trọng của Việt Nam ở khu vực Trung Á.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn hoan nghênh kết quả chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev vào tháng 8/2023 và mong muốn hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ để triển khai các thỏa thuận đạt được trong chuyến thăm.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Kazakhstan Murat Abugaliuly Nurtelu khẳng định Kazakhstan đặc biệt coi trọng quan hệ với Việt Nam và nhất trí hai bên cần thúc đẩy những biện pháp toàn diện, hiệu quả nhằm tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực cũng như hỗ trợ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế.
Hai bên nhất trí cần tăng cường trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là cấp cao; thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực kinh tế-thương mại-đầu tư, vốn còn nhiều tiềm năng để phát triển; tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các hoạt động giao thông, du lịch và giao lưu nhân dân giữa hai nước.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cũng có nhiều cuộc tiếp xúc ngắn với Bộ trưởng Tư pháp Maroc Abdellatif Ouahbi, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi...
Tại các hoạt động, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã khẳng định lập trường chung của ASEAN và Việt Nam về giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải và hàng không ở Biển Đông./.
Đến nay, mọi công tác chuẩn bị triển khai cho các sỹ quan cơ bản đã hoàn tất, cả 4 sỹ quan đã có Thư chấp thuận của Liên hợp quốc, xác định tốt nhiệm vụ và an tâm công tác, sẵn sàng lên đường.
Nguồn bài viết : Về nhiều (MB)