|
Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang phát biểu chỉ đạo cuộc họp. Ảnh: Duy Khương – TTXVN |
Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang yêu cầu các thành viên Ban chỉ đạo dự án VnSAT tỉnh và chính quyền địa phương trong vùng dự án cần đẩy mạnh các hoạt động thực hiện dự án đạt kế hoạch đề ra. Trong đó, quan tâm tuyên truyền để thay đổi nhận thức cho người dân về mô hình sản xuất lúa theo hướng an toàn, tiết kiệm, giảm chi phí. Đồng thời, chính quyền địa phương rà soát lại những hộ có đất nằm trong vùng dự án và có giải pháp vận động người ngoài địa phương tham gia để mở rộng quy mô dự án, từ đó có thể xem xét đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy định.
Theo bà Nguyễn Thị Giang, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án VnSAT tỉnh Hậu Giang, đến nay, Ban chỉ đạo VnSAT tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương trong vùng dự án mở 317 lớp tập huấn về mô hình canh tác lúa theo hướng “3 giảm, 3 tăng”, với gần 13.000 hộ tham gia, đạt 46% kế hoạch dự án; mô hình “1 phải, 5 giảm” được 91 lớp cho gần 4.000 hộ, đạt 25% kế hoạch dự án.
Bên cạnh đó, ban chỉ đạo VnSAT tỉnh còn đào tạo 233 nông dân về nhân giống cấp xác nhận, hình thành 70 tổ hợp tác, 1 hợp tác xã, đào tạo 147 giảng viên cho dự án là cán bộ kỹ thuật trực thuộc các đơn vị hỗ trợ kỹ thuật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, đào tạo nâng cao cho 40 giảng viên về truyền thông. Ngoài ra, Ban chỉ đạo VnSAT tỉnh còn thực hiện một số gói thầu tư vấn, hàng hóa thiết bị, xây lắp, hoạt động giải ngân – tài chính kịp thời…
Bên cạnh những mặt làm được, theo báo cáo của Ban chỉ đạo VnSAT tỉnh và một số địa phương nằm trong vùng dự án, việc triển khai dự án VnSAT vẫn còn một số khó khăn. Như nông dân có ruộng trong vùng dự án nhưng không ở tại địa phương nên khó vận động tham gia các khóa tập huấn; nông dân còn e ngại về việc giảm lúa giống trong gieo sạ; việc ghi chép sổ sách chưa đạt yêu cầu; nhiều hợp tác xã không đủ 500 hộ nên việc hỗ trợ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị chưa thực hiện được; việc liên kết với các doanh nghiệp về cung ứng vật tư nông nghiệp và bao tiêu sản phẩm còn co cụm quy mô từ 50 – 100ha. Từ những khó khăn trên nên phần nào làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại tỉnh Hậu Giang.
Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có tổng vốn hơn 14 triệu USD, tương đương hơn 300 tỷ đồng; trong đó, vốn vay ưu đãi gần 9 triệu USD, tương đương gần 190 tỷ đồng; vốn đối ứng hơn 2 triệu USD, tương đương hơn 51 tỷ đồng; vốn tư nhân gần 3 triệu USD, tương đương gần 63 tỷ đồng.
Dự án được triển khai giai đoạn 2015-2020, thực hiện trên 40.000 ha đất lúa của 32 xã thuộc Hậu Giang, với tổng số người hưởng lợi trực tiếp từ dự án là gần 37.000 người.