Hành trình ươm mầm xanh hữu nghị

2025-01-17 20:15:21
Nơi ươm những mầm xanh hữu nghị
“Đỡ đầu lưu học sinh Campuchia như một lẽ tự nhiên”

Nhân dịp này, tạp chí Thời Đại có cuộc trao đổi với ông Vũ Vương Việt – nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội hữu nghị Việt Nam – Campuchia, người đã gắn bó với chương trình “Ươm mầm hữu nghị” từ những ngày đầu thai nghén.

Thưa ông, năm 2022 đánh dấu 10 năm chương trình “Ươm mầm hữu nghị” ra đời. Là người gắn bó với chương trình từ những ngày đầu, ông có thể cho biết quá trình thai nghén chương trình này như thế nào?

- Tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam – Campuchia năm 2011, đồng chí Vũ Xuân Hồng, khi đó là Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã gợi ý Hội nên giúp đỡ các lưu học sinh Campuchia tại Việt Nam, giống như một số nước Cuba, Đông Âu trước kia đã làm với lưu học sinh Việt Nam.

Sau đó, cố Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia Vũ Mão về trao đổi với Ban Thường trực và chúng tôi cho rằng Hội sẽ làm được việc này. Việt Nam còn nhiều khó khăn, đời sống của lưu học sinh Campuchia không tránh khỏi ảnh hưởng. Mặc dù vậy, Đảng, Nhà nước, các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân Việt Nam luôn cố gắng dành tình cảm, điều kiện tốt nhất cho lưu sinh Campuchia.

Tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện phong trào “Ươm mầm hữu nghị” giai đoạn 2012-2017, cố Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia Vũ Mão đã trao quà cho các lưu học sinh Campuchia có thành tích trong học tập tại trường Đại học Y Dược Thái Bình (Ảnh: Trường Đại học Y Dược Thái Bình).

Nhằm mục đích tạo cơ hội cho các sinh viên Campuchia thực tập tiếng Việt, có điều kiện tiếp xúc, tìm hiểu đời sống, con người và văn hóa Việt Nam, từ đó tự tin hơn trong cuộc sống và học tập tại Việt Nam; qua đó góp phần vun đắp và tăng cường mối quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam – Campuchia, Hội đã đề xuất việc đỡ đầu lưu học sinh Campuchia tại Việt Nam và được Đại sứ quán Vương quốc Campuchia tại Việt Nam tích cực ủng hộ.

Tháng 2/2012, mở đầu cho đợt hoạt động kỷ niệm Năm Hữu nghị Việt Nam - Campuchia 2012 và kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước Việt Nam - Campuchia (24/6/1967-24/6/2012), phiên họp Ban Chấp hành Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia, dưới sự chủ trì của cố Chủ tịch Vũ Mão, đã nhất trí triển khai thí điểm mô hình “Gia đình Việt Nam” nhận đỡ đầu, giúp đỡ lưu học sinh Campuchia đang học tập ở Việt Nam.

Đến cuối năm 2012, khi tổng kết thì Hội quyết định đổi tên thành chương trình "Ươm mầm hữu nghị" với ý nghĩa các lưu học sinh Campuchia chính là những hạt giống hữu nghị. Các cháu sang Việt Nam học tập, Hội góp phần cùng với Đảng, Nhà nước chăm lo bồi dưỡng, giúp đỡ các cháu có điều kiện học tập tốt nhất trong khả năng có thể để sau khi tốt nghiệp về nước các cháu sẽ là nguồn nhân lực quan trọng, có chất lượng và tích cực tham gia vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước Campuchia và là nhịp cầu hữu nghị giữa hai dân tộc và nhân dân Việt Nam - Campuchia.

Hội đã triển khai việc đỡ đầu lưu học sinh Campuchia như thế nào, thưa ông?

- Để triển khai chương trình "Ươm mầm hữu nghị", trước tiên Hội lập kế hoạch về số lượng và thành phần lưu học sinh Campuchia tham gia chương trình, đề nghị Đại sứ quán và Tổng Lãnh sự quán Campuchia cung cấp danh sách. Sau đó, Đại sứ quán và Tổng Lãnh sự quán Campuchia gửi hồ sơ lưu học sinh Campuchia (kèm sơ yếu lí lịch) cho Hội. Hội lựa chọn dựa trên các tiêu chí: ưu tiên lưu học sinh năm thứ 1, thứ 2 còn chưa thông thạo tiếng Việt; ưu tiên sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, lưu ý đa dạng số lượng trường học… Hội đề nghị các gia đình, tổ chức đăng ký nhận đỡ đầu và ra quyết định phân bổ, tổ chức gặp mặt.

Tại đợt đầu tiên có 14 gia đình các cựu quân tình nguyện, cựu chuyên gia hoặc những cán bộ từng có thời gian công tác ở Campuchia và một số cán bộ Trung ương Hội nhận đỡ đầu 49 em sinh viên Campuchia. Trong đợt này, gia đình nguyên Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Chiến Thắng nhận đỡ đầu 5 cháu, gia đình tôi nhận đỡ đầu 4 lưu học sinh Campuchia, ...

Nhận đỡ đầu rồi chúng tôi tự thấy mình phải yêu thương, có trách nhiệm với các cháu. Cuối tuần các cháu thường đến nhà tôi ăn cơm, chúng tôi hướng dẫn nhau nấu món ăn truyền thống của hai đất nước. Có giỗ chạp, cưới xin gì tôi cũng gọi các cháu đến để các cháu biết phong tục tập quán, văn hóa của Việt Nam. Ban đầu các cháu nói tiếng Việt chưa sõi, chỗ nào không hiểu thì mọi người trong nhà giải thích, hướng dẫn. Khi các cháu ốm đau hay học hành, thi cử căng thẳng, tôi đến thăm, khi thì có chút quà để các cháu ăn sáng, khi thì thùng mỳ.

Ngoài hình thức gia đình nhận đỡ đầu trực tiếp, các tập thể cũng tham gia chương trình này; nhiều doanh nghiệp hỗ trợ về vật chất. Ngoài ra, Hội cũng theo dõi, nắm bắt tình hình và đề xuất, kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền các địa phương quan tâm giải quyết kịp thời các kiến nghị của sinh viên liên quan đến chế độ, chính sách; hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các cơ sở giáo dục - đào tạo có sinh viên Campuchia đang theo học.

Ông Vũ Vương Việt chụp ảnh bên bốn lưu học sinh Campuchia được ông đỡ đầu (Ảnh: NVCC).

Tôi nhớ năm 2014, Hội nhận được thư đề nghị của đoàn lưu học sinh Campuchia tại trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Các cháu cho biết, theo quyết định mới của trường, nhà trường không tổ chức thi lại, chỉ tổ chức thi một lần và sinh viên sẽ phải học lại nếu điểm thi không đạt yêu cầu hoặc để nâng cao điểm. Số tiền học lại đối với một tín chỉ là 260.000 đồng; một môn học có từ 1 đến 4 tín chỉ. Quy định này áp dụng với cả các lưu học sinh Campuchia đang theo học tại nhà trường. Vấn đề này ảnh hưởng rđến tâm lý học tập của các cháu vì với vốn tiếng Việt hạn chế, các cháu gặp khó khăn trong việc học tập và rèn luyện dẫn tới kết quả học tập không được tốt. Hơn nữa, các cháu đã tìm hiểu và được biết, lưu học sinh Campuchia đang học tại các trường đại học khác đều không phải đóng tiền học lại. Ngay sau đó, Hội hữu nghị Việt Nam – Campuchia đã có công văn đề nghị Ban Giám hiệu trường Đại học Kiến trúc Hà Nội tạo điều kiện xem xét nguyện vọng của các em. Kết quả, lãnh đạo Nhà trường đã đồng ý với kiến nghị của Hội.

Hay khi nhận được thông tin lưu học sinh Campuchia ở Đại học Y Dược Thái Bình phải mua nước sôi vào mùa đông để lau người cho đỡ rét, cố Chủ tịch Vũ Mão đã trực tiếp vận động anh Nguyễn Văn Hùng - Công ty TNHH Tập đoàn Quốc tế Phượng Hoàng ủng hộ 10.000 USD, trang bị đầy đủ bình nóng lạnh cho các cháu. Khi trường không có xe đưa đón sinh viên đi thực tập, đích thân cố Chủ tịch Vũ Mão đã viết thư gửi Bộ trưởng GD-ĐT và sau đó việc thiếu xe được giải quyết. Thậm chí, khi lưu học sinh Campuchia gặp vấn đề gì khó khăn lập tức có thể trực tiếp đến nhà bác Mão.

Ông có kiến nghị gì để chương trình giàu tính nhân văn, mang đậm truyền thống văn hoá của hai dân tộc tiếp tục lan toả sâu rộng?

- Tôi cho rằng cần đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực để đảm bảo nguồn kinh phí tiếp tục các hoạt động đỡ đầu. Bên cạnh đó, giữa Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia và Hội hữu nghị Campuchia - Việt Nam cần có sự liên kết chặt chẽ để những mầm xanh hữu nghị đã được ươm ở Việt Nam tiếp tục được chăm sóc, nuôi dưỡng khi về nước, trở thành những cái cây khỏe mạnh, đơm hoa kết trái.

Nên thường xuyên tổ chức cho các lưu học sinh Campuchia đi giao lưu với cựu chuyên gia, cựu quân tình nguyện ở các tỉnh, thành của Việt Nam để các cháu hiểu được sự hy sinh của quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam trong cuộc chiến giúp Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, sự hỗ trợ, sát cánh của nhân dân Campuchia với bộ đội Việt Nam... từ đó ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ, vun đắp mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Campuchia ngày càng bền chặt.

Ươm mầm hữu nghị Việt Nam - Campuchia
Bình Phước và Đắk Nông tổ chức Chương trình gặp gỡ hữu nghị và hợp tác nhân dân Việt Nam - Campuchia lần thứ 5

Nguồn bài viết : Điện toán 123

Top