Nhân dịp Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 3-7/12, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Tokyo đã có cuộc phỏng vấn với Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu về ý nghĩa chuyến thăm, thế mạnh trong quan hệ hai nước và cách thức thúc đẩy quan hệ song phương.
- Xin Đại sứ cho biết ý nghĩa chuyến thăm đối với quan hệ hai nước.
Đại sứ Phạm Quang Hiệu: Nhận lời mời của Thượng viện Nhật Bản, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn sẽ lần đầu tiên thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 3-7/12. Đây cũng là chuyến thăm Nhật Bản đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam sau 12 năm kể từ năm 2012.
Trong chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội sẽ yết kiến Nhà Vua; hội đàm với Chủ tịch Thượng viện, có các cuộc gặp với Thủ tướng, Chủ tịch Hạ viện, lãnh đạo một số đảng lớn, lãnh đạo tổ chức kinh tế lớn của Nhật Bản; gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt tại Nhật Bản; đồng thời Chủ tịch Quốc hội cũng sẽ thăm Nagasaki.
Chuyến thăm diễn ra đúng vào dịp hai nước vừa kỷ niệm một năm nâng cấp quan hệ lên “Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới;” quan hệ Việt Nam-Nhật Bản tiếp tục phát triển mạnh mẽ và toàn diện trên các lĩnh vực với sự tin cậy chính trị cao, giao lưu cấp cao và các cấp diễn ra mật thiết.
Trên nền tảng mối quan hệ hết sức tốt đẹp như vậy, chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn sẽ làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Việt Nam-Nhật Bản trong khuôn khổ quan hệ hợp tác mới, nhất là giữa cơ quan lập pháp của hai nước, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển trên lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, lao động, đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.
Trong bối cảnh đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, sự đồng hành hỗ trợ của bạn bè quốc tế, nhất là Nhật Bản, đóng vai trò hết sức quan trọng.
- Xin Đại sứ cho biết đâu là thế mạnh trong quan hệ hai nước?
Đại sứ Phạm Quang Hiệu: Trong hơn 50 năm qua, với dấu mốc lịch sử là hai nước nâng cấp quan hệ lên “Đối tác Chiến lược toàn diện vì hoà bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới” vào tháng 11/2023, quan hệ hai nước đã có nhiều bước phát triển mạnh mẽ, vượt bậc, toàn diện với sự tin cậy chính trị cao.
Lãnh đạo hai nước thường xuyên gặp gỡ, trao đổi và đề ra những định hướng lớn cho sự phát triển hiệu quả trong quan hệ trên tất cả các lĩnh vực là một thế mạnh vô cùng lớn trong quan hệ hai nước.
Thêm vào đó, kinh tế Việt Nam và Nhật Bản có tính bổ sung cho nhau rất cao. Việt Nam có dân số hơn 100 triệu người, nền kinh tế năng động, tăng trưởng nhanh, lực lượng lao động trẻ có kỹ năng, trình độ chuyên môn tốt, dồi dào; môi trường kinh tế, chính trị ổn định, điều kiện thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh, người dân thân thiện, được các nhà đầu tư Nhật Bản đánh giá cao và muốn gắn bó lâu dài.
Ngoài ra, hai dân tộc Việt Nam và Nhật Bản có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, tập quán và giao lưu từ lâu đời. Mối quan hệ này được các thế hệ vun đắp trở nên gắn bó chặt chẽ, thân thiết như ngày hôm nay.
- Theo Đại sứ, trong thời gian tới, Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Nhật Bản nên làm gì để cùng nhau thúc đẩy cụ thể hóa khuôn khổ quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện mới được thiết lập?
Đại sứ Phạm Quang Hiệu: Hợp tác giữa cơ quan lập pháp hai nước đóng vai trò quan trọng trong tổng thể quan hệ Việt Nam-Nhật Bản. Do đó, việc duy trì các chuyến thăm, trao đổi cấp cao và các cấp; tăng cường quan hệ hợp tác giữa các cơ quan chuyên môn của Quốc hội hai nước có ý nghĩa thiết thực và lâu dài.
Thời gian qua, hai nước đã có quyết tâm chính trị cao nhằm tăng cường kết nối nền kinh tế hai nước. Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Nhật Bản sẽ tăng cường các cơ chế trao đổi kinh nghiệm trong công tác lập pháp, nhất là trong việc xây dựng thể chế tạo điều kiện cho kinh tế-xã hội đất nước phát triển mạnh mẽ, nhất là khi đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Là nước có nhiều kinh nghiệm trong công tác xây dựng luật và đào tạo chuyên gia pháp lý, Nhật Bản có thể hỗ trợ Việt Nam một cách hiệu quả trong việc nâng cao năng lực xây dựng pháp luật.
Hai bên cũng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả tại các diễn đàn nghị viện đa phương khu vực và thế giới như Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Hội đồng Liên Nghị viện ASEAN (AIPA), Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF)…
- Xin Đại sứ cho biết cần làm gì để quan hệ hai nước ngày càng đi vào chiều sâu?
Đại sứ Phạm Quang Hiệu: Tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn bởi hai nước có sự tin cậy rất cao và những thế mạnh có thể bổ sung cho nhau để cùng phát triển. Trong thời gian tới, chúng ta cần tập trung thúc đẩy triển khai thực hiện các thỏa thuận cấp cao, tập trung vào một số lĩnh vực sau:
Thứ nhất, tiếp tục tăng cường quan hệ chính trị tin cậy thông qua thúc đẩy các chuyến thăm, tiếp xúc các cấp nhất là cấp cao.
Thứ hai, khai thác thế mạnh bổ sung lẫn nhau của hai nền kinh tế, tăng cường liên kết kinh tế giữa hai nước, duy trì Nhật Bản là đối tác hàng đầu của Việt Nam về ODA, đầu tư, thương mại, lao động...
Thứ ba, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng như chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số, chuyển đổi xanh...
- Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ./.
Đại sứ Ito Naoki nhấn mạnh Nhật Bản mong muốn đồng hành và tích cực hỗ trợ Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới cũng như mong muốn cụ thể hóa quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện sâu rộng hơn nữa.
Nguồn bài viết : Lịch thi đấu