Tại nghị trường, đại biểu Tráng A Dương (Hà Giang) đánh giá cao công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ trong năm 2023, song cho rằng “vẫn còn tồn tại, bất cập, lãng phí trong thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia”.
Theo đại biểu Đoàn Hà Giang, qua giám sát và kiến nghị của cử tri, đại biểu nhận thấy còn nhiều tồn tại lãng phí nguồn nhân lực trong 3 Chương trình. Trong đó, có tình trạng ban hành chậm hoặc sửa đổi bổ sung hướng dẫn chi tiết đã diễn ra ngay từ đầu năm thực hiện chính sách nhưng đến nay “vẫn còn lúng túng chưa được khắc phục, nhất là những vướng mắc trong lồng ghép vốn các chương trình”. Công tác phân bổ ngân sách Trung ương cho Chương trình chậm; tỉ lệ giải ngân vốn ngân sách trung ương của các Chương trình thấp, chỉ đạt tỷ lệ 46% kế hoạch, bao gồm cả vốn năm 2022 được kéo dài thời gian thực hiện giải ngân sang năm 2023.
Riêng ngân sách Trung ương thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới đến ngày 31/6/2023 mới đạt 9,17% kế hoạch. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững chỉ đạt 6,53%. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chỉ đạt 12,3%.
Đã gần 3 năm thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Đây cũng là thời điểm thích hợp để đánh giá kết quả bước đầu của Chương trình. Chính phủ đánh giá sơ kết thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia trên cơ sở chỉ ra những nguyên nhân khách quan, chủ quan, kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, có giải pháp phù hợp - đại biểu Tráng A Dương đề nghị.
Cần mạnh dạn đưa ra khỏi Chương trình những dự án triển khai không hiệu quả để dành nguồn vốn cho những dự án, chương trình có nhu cầu vốn. Chính phủ cũng cần chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành tăng cường công tác hướng dẫn tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, có cơ sở để các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp triển khai thực hiện.
Về việc thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Trịnh Minh Bình (Vĩnh Long) cũng cho rằng, việc triển khai thực hiện 3 Chương trình còn chậm. Văn bản hướng dẫn chậm được sửa đổi, bổ sung; một số địa phương bố trí nguồn vốn đối ứng thấp. Tỷ lệ giải ngân vốn Ngân sách Trung ương của các Chương trình thấp, nhất là giải ngân kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách Trung ương…
Đại biểu Trịnh Minh Bình cũng bày tỏ quan tâm đến công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí và đánh giá cao kết quả đạt được đã nêu trong báo cáo của Chính phủ. Tuy nhiên, theo đại biểu, vẫn còn nhiều hạn chế “cần phải nhìn nhận một cách thấu đáo, đề ra giải pháp xác thực, cụ thể để khắc phục”.
Thảo luận tại nghị trường, đại biểu Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng) đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, công trình trọng điểm quốc gia; đồng thời, rà soát và có giải pháp hiệu quả để thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng theo phương thức đối tác công tư; giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc trong các dự án trọng điểm quốc gia.
Đặc biệt, xuất phát từ thực tiễn công tác tại cơ sở và tiếp thu các kiến nghị của cử tri tại địa bàn ứng cử, đại biểu Đoàn Thị Lê An đề nghị, cần quan tâm đến vấn đề đầu tư nguồn lực cho chương trình phát triển điện lưới khu vực nông thôn, hải đảo, đặc biệt là khu vực miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
“Tôi tha thiết đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục quan tâm, huy động tối đa các nguồn lực, bố trí, cân đối các nguồn vốn từ đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia để tiếp tục đầu tư thực hiện việc cấp điện cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”, đại biểu Đoàn Thị Lê An nêu ý kiến.
Nguồn bài viết : TK đuôi