Sáng 9/5, tại thủ đô Vientiane, Bộ Quốc phòng Lào đã tổ chức buổi nói chuyện về Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Đây là một trong nhiều hoạt động được Đảng, Nhà nước và Quân đội Lào tổ chức nhằm kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, đồng thời là dịp để cán bộ, chiến sỹ Quân đội nhân dân Lào hiểu sâu thêm về ý nghĩa quan trọng của Chiến thắng Điện Biên Phủ đối với tình đoàn kết của Liên minh chiến đấu đặc biệt Việt Nam-Lào.
Theo phóng viên TTXVN tại Vientiane, tham dự buổi nói chuyện có Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng; Thượng tướng Thongloi Silivong, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lào, Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị Quân đội Nhân dân Lào; Tùy viên Quốc phòng Việt Nam tại Lào, Đại tá Võ Văn Thống; cùng đông đảo các tướng lĩnh, sỹ quan, chiến sỹ đại diện cho các quân, binh chủng của Quân đội Nhân dân Lào…
Đại sứ Nguyễn Bá Hùng chân thành cảm ơn Bộ Quốc phòng Lào đã tổ chức buổi nói chuyện về Chiến thắng Điện Biên Phủ, khẳng định đây là minh chứng cho quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước nói chung và giữa lực lượng vũ trang hai nước Việt Nam-Lào nói riêng.
Khẳng định Điện Biên Phủ không chỉ là chiến thắng vĩ đại của nhân dân Việt Nam mà còn là chiến thắng chung của 3 nước Đông Dương, đặc biệt là chiến thắng của liên minh chiến đấu Lào-Việt Nam, Đại sứ Nguyễn Bá Hùng đã tập trung làm rõ hai vấn đề “Ý nghĩa, tầm quan trọng và tác động hết sức quan trọng của Chiến thắng Điện Biên Phủ đối với Lào” và “Tình đoàn kết và liên minh chiến đấu đặc biệt Việt-Lào.”
Để làm rõ hai vấn đề trên, Đại sứ đã tập trung phân tích, làm rõ nguyên nhân tại sao Chiến thắng Điện Biên Phủ diễn ra tại Việt Nam nhưng lại gọi là chiến thắng chung của Việt-Lào và của 3 nước Đông Dương.
Nhấn mạnh Điện Biên Phủ là chiến thắng quyết định nhất, quan trọng nhất của cả một chiến dịch quân sự rộng lớn và kéo dài của liên minh chiến đấu Việt-Lào-Campuchia, Đại sứ Nguyễn Bá Hùng đã điểm lại sự phối hợp chặt chẽ giữa quân tình nguyện Việt Nam cùng quân và dân Lào trong các chiến dịch Thượng, Trung và Hạ Lào.
Khẳng định thắng lợi của các chiến dịch trên chiến trường Lào và Campuchia đã góp phần quan trọng làm phá sản kết hoạch tập trung quân của Nava, buộc địch phải phân tán, căng kéo lực lượng để đối phó trên nhiều chiến trường, đẩy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ vào thế hoàn toàn bị cô lập, Đại sứ nhấn mạnh, nếu không có chiến thắng của liên minh chiến đấu 3 nước Đông Dương, đặc biệt là chiến thắng tại các mặt trận Thượng, Trung và Hạ Lào thì trận chiến ở Điện Biên Phủ sẽ khó khăn gian khổ gấp bội phần, sự hy sinh mất mát của hai nước sẽ còn lớn hơn và Lào cũng khó có thể nhanh chóng giải phóng được những vùng đất rộng lớn trên khắp cả nước; khẳng định đây là lý do để nói Chiến thắng Điện Biên Phủ trước hết là chiến thắng vĩ đại của nhân dân Việt Nam, nhưng cũng là chiến thắng vĩ đại chung của 3 nước Đông Dương.
Đại sứ Nguyễn Bá Hùng nhấn mạnh chiến thắng Điện Biên Phủ đã buộc chính quyền thực dân Pháp phải ký Hiệp định Geneva 1954 về đình chỉ chiến tranh, khôi phục hòa bình ở Đông Dương, công nhận nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia, mở ra giai đoạn lịch sử mới trong sự hợp tác và liên minh chiến đấu giữa hai nước chống đế quốc Mỹ xâm lược; đồng thời khẳng định giá trị to lớn của tình đoàn kết, liên minh chiến đấu Việt Nam-Lào và đã từng bước làm cho cả thế giới biết đến mối quan hệ và tình đoàn kết đặc biệt Lào- Việt Nam.
Trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều biến đổi khó lường, Đại sứ Nguyễn Bá Hùng tin tưởng những bài học lịch sử từ Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị, mang tính thời sự sâu sắc và cổ vũ nhân dân hai nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước của mỗi nước hiện nay và là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt trong tiến trình phát triển của quan hệ hai nước Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam./.
Để có lực lượng tiếp viện cho chiến trường Điện Biên Phủ đang bị nguy cấp, ngày 25/4/1954, địch cho binh đoàn cơ động, tiểu đoàn pháo rút về thị xã Thakhet (Lào), nhưng bị quân ta và Lào chặn đánh.
Nguồn bài viết : Bóng đá Italia