2025-01-17 20:17:24

Tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, sáng 26/3, các đại biểu cho ý kiến vào dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Phân quyền mạnh mẽ cho thành phố Hà Nội

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 7 chương và 54 điều (giảm 5 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, trong đó, đã tiếp thu, chỉnh lý trong toàn bộ 54 điều, bỏ 7 điều, bổ sung mới 2 điều).

Về tổ chức chính quyền đô thị (Chương II), Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan đã thống nhất tiếp thu, chỉnh lý các quy định về mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội; cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố và Ủy ban Nhân dân phường.

Nội dung tiếp thu, chỉnh lý các quy định về tổ chức bộ máy thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ cho thành phố Hà Nội, giúp chính quyền thành phố chủ động hơn về tổ chức bộ máy, biên chế để có thể đảm đương một cách hiệu quả vai trò, nhiệm vụ hết sức đặc thù là Thủ đô của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Riêng đối với nội dung phân quyền về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc chính quyền thành phố Hà Nội (Điều 9), Thường trực Ủy ban Pháp luật và thành phố Hà Nội đề nghị chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng giao Hội đồng Nhân dân thành phố quy định tiêu chí thành lập và quyết định việc thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban Nhân dân thành phố; quy định tổ chức, khung số lượng, tiêu chí thành lập cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban Nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố (khoản 4 Điều 9) để bảo đảm tính chủ động, kịp thời đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trên địa bàn theo từng thời kỳ nhằm xây dựng, kiện toàn được bộ máy đủ khả năng thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp, phân quyền bổ sung.

Về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Điều 25), ông Hoàng Thanh Tùng nêu rõ Dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng xác định nội dung, lĩnh vực được phép thực hiện thử nghiệm có kiểm soát, xác định khung pháp lý cần thiết để thành phố Hà Nội có thể cho phép thực hiện thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới có phạm vi triển khai áp dụng trên địa bàn thành phố, phù hợp với năng lực kiểm soát của chính quyền thành phố, trong đó cho phép miễn trừ áp dụng một số quy định trong luật, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định… phù hợp với phạm vi, yêu cầu, mục đích thử nghiệm.

Quy định như vậy là phù hợp với yêu cầu tại Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo cơ sở để thành phố Hà Nội có thể thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai trên thực tế các giải pháp công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới, khuyến khích tinh thần đổi mới sáng tạo, đưa Thủ đô Hà Nội thực sự trở thành một trong các trung tâm đi đầu về đổi mới sáng tạo của cả nước và khu vực.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

Do cơ chế thử nghiệm có kiểm soát là mô hình mới, chưa có thực tiễn kiểm nghiệm, vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến các bộ, ngành để hoàn thiện quy định này.

Khắc phục tình trạng xâm hại môi trường

Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đánh giá cao dự thảo Luật đã nghiêm túc tiếp thu, chỉnh sửa nhiều nội dung theo tinh thần quy định mang tính khái quát, không đi vào chi tiết từng chính sách nhỏ, đồng thời đã thể hiện được tinh thần phân cấp, trao quyền cho Thủ đô tự quyết định các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức mang tính chất tiên tiến cho quá trình phát triển.

Liên quan đến phạm trù thành phố thuộc thành phố, đối với Hà Nội là thành phố thuộc Thủ đô, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng đây là một thể chế đặc thù, ở đó có cả đô thị và nông thôn.

Mặc dù thành phố thuộc Thủ đô là đơn vị hành chính cấp 2 như quận, huyện nhưng chức năng và vai trò quản lý hoàn toàn khác so với cấp quận, huyện. Vì vậy, đại biểu cho rằng cần có khái niệm riêng về thành phố thuộc Thủ đô và có nhiều quy định về quyền, chính sách đặc thù, vượt trội của thành phố thuộc Thủ đô so với các quy định chung với các quận, huyện.

Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Hoàng Văn Cường đóng góp ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, nội dung quy định trong các điều khoản của Luật phải cụ thể, không quy định chung chung. Nhiều vấn đề cần quy định vào Luật để khi quy hoạch không vi phạm như các quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng trong quy hoạch Thủ đô phải yêu cầu tương đương thủ đô các nước tiên tiến, cao hơn quy định chung cả nước; không được tăng thêm dân số thường trú vào khu vực nội đô lịch sử cần bảo vệ; quy định bảo vệ, cấm san lấp các sông hồ tự nhiên để bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên là nét đặc trưng riêng của Hà Nội…

Đánh giá cao quy định tại Điều 25 dự thảo Luật về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) đánh giá đây là quy định đầu tiên ở cấp độ Luật điều chỉnh vấn đề quan trọng này, phúc đáp yêu cầu phát triển khoa học công nghệ.

Dự thảo Luật đã mở rộng hơn nhiều so với cơ chế thử nghiệm áp dụng cho Thành phố Hồ Chí Minh trong Nghị quyết số 98 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo dự thảo Luật, cơ chế thử nghiệm được áp dụng ở tất cả các lĩnh vực. Đại biểu đề nghị tiếp cận theo hướng thận trọng, bảo đảm kiểm soát tốt; nên giới hạn cụ thể một số lĩnh vực được phép thử nghiệm có kiểm soát mà không nên giao Ủy ban Nhân dân thành phố quyết định.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Trần Văn Lâm đóng góp ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

Theo kinh nghiệm quốc tế, các lĩnh vực được áp dụng cơ chế thử nghiệm sẽ do thị trường quyết định nhưng thường là Tài chính, Ngân hàng (Fintech); Giáo dục (Edtech); Y tế (Medtech).

Bên cạnh đó, theo đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, dự thảo Luật hiện chủ yếu tập trung quy định đầu vào của cơ chế thử nghiệm mà chưa có quy định về đầu ra như việc rút khỏi cơ chế thử nghiệm thế nào? Hậu quả pháp lý khi kết thúc cơ chế thử nghiệm ra sao? Đại biểu đề nghị xem xét bổ sung các nội dung này trong dự thảo Luật.

Đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam), Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhận định một vấn đề nổi cộm trong chính sách đặc thù hiện nay là chưa có chế tài đủ mạnh, xử phạt nghiêm khắc hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường và những vi phạm từ đạo luật khác tác động đến môi trường như quy hoạch, giao thông, chất thải, phát triển khu dân cư, cơ sở sản xuất... gây ô nhiễm môi trường sống hay vấn đề vệ sinh môi trường kém, ý thức tuân thủ quy định bảo vệ môi trường, môi sinh còn thấp, nhiều nơi tình trạng ô nhiễm nặng, nhếch nhác...

Vì vậy, đại biểu đề nghị cần bổ sung quy định cho phép Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội có thể quy định về chế tài đủ mạnh để khắc phục tình trạng xâm hại môi trường mọi nơi, mọi lúc, kéo dài và thiếu ý thức, xem nhẹ vấn đề môi trường nhất là ở Thủ đô.

"Nếu không có chế tài nghiêm khắc, kịp thời, khó thực hiện được những việc khó như: dịch chuyển cơ sơ sản xuất lớn, nhỏ gây ô nhiễm môi trường ra ngoại vi trung tâm thành phố," đại biểu Trần Văn Khải nhấn mạnh./.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Chỉnh lý và bổ sung nhiều nội dung mới

Các đại biểu thống nhất tiếp thu, chỉnh lý quy định về vị trí, vai trò của Thủ đô theo hướng bổ sung quy định Thủ đô Hà Nội “là thành phố trực thuộc TW, đô thị loại đặc biệt” vào Điều 2 của dự thảo.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn bài viết : Vietlott

Top