Với người nông dân trồng hoa, cây cảnh ở xã Hợp Lý, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa, Tết là thời điểm cung cấp số lượng cây cảnh lớn nhất ra thị trường, mang lại khoản thu nhập cao nhất trong năm.
Tuy nhiên, vụ hoa Tết năm nay, thời tiết diễn biến bất thường, lũ lụt xảy ra thường xuyên khiến người trồng hoa gặp không ít khó khăn.
Dẫn chúng tôi đến cánh đồng trồng quất, cây cảnh của nhân dân trong xã, ông Nguyễn Văn Tuyến, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hợp Lý cho biết xã Hợp Lý, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa được xem là thủ phủ quất cảnh lớn nhất xứ Thanh.
Theo thống kê, toàn xã có hơn 500 hộ trồng hoa, cây cảnh với diện tích khoảng 60 ha, tập trung ở các xóm 2, 3, 6, 7. Nghề trồng hoa, cây cảnh ở xã trong những năm qua mang lại giá trị kinh tế cao với doanh thu hàng năm khoảng 30 tỷ đồng.
Tuy nhiên, năm nay, do ảnh hưởng của thời tiết, khoảng 60% diện tích quất toàn xã bị mất mùa, không thể bán được dịp Tết Nguyên đán tới hoặc bán với giá rất thấp.
Thời điểm này, như mọi năm, trên các cánh đồng trồng hoa, cây cảnh tại xã Hợp Lý nhộn nhịp không khí lao động, sản xuất, ai cũng tất bật chăm sóc, cắt lá, tỉa cành… để cho ra sản phẩm đẹp nhất. Nhiều gia đình phải thuê thêm từ 5 đến 6 nhân công để hoàn thành những khâu cuối cùng trong quy trình chăm sóc hoa, cây cảnh...
Năm nay, không khí trên những cánh đồng đìu hiu. Thay vì những ruộng quất vàng óng, sai trĩu quả là những ruộng quất úa lá, quả rụng rải rác, thân cây còi cọc nằm chơ chọi giữa cánh đồng. Nhiều gốc bị chết được người dân nhổ bỏ nằm ngổn ngang trên các bờ mương, thửa ruộng.
[Photo] Làng hoa các địa phương đang hối hả vào vụ Tết
Theo kinh nghiệm của người trồng cây nơi đây, chưa có năm nào thời tiết bất thường và khó lường như năm nay. Đầu vụ gặp nhiều đợt sương muối, mưa axít; khi cây bắt đầu quá trình đơm hoa, kết trái thì mưa lũ kéo dài; đất thừa độ ẩm gây ngập úng, một số diện tích quất bị chết, số còn lại phát triển không đồng đều.
Mặc dù người dân đã áp dụng nhiều phương pháp kỹ thuật, tốn kém kinh phí, nhưng kết quả mang lại không như mong muốn.
Năm nay, gia đình ông Nguyễn Bá Hùng (60 tuổi, ngụ tại thôn Đông Thành, xã Hợp Lý) trồng 4 sào quất (2.000m2), như mọi năm gia đình thu về khoảng 120 triệu đồng, nhưng năm nay thu nhập giảm chỉ còn 1/3 so với mọi năm.
Ông Hùng cho biết với kinh nghiệm 20 năm trồng hoa, cây cảnh chưa năm nào thời tiết khó lường như năm nay. Bình thường như mọi năm thời điểm này toàn bộ diện tích quất đã có thương lái đặt mua tại vườn, gia đình chỉ chăm sóc, tỉa cây cho đẹp chờ ngày xuất bán.
"Năm nay, hơn 300 gốc quất của gia đình chưa bán được cho ai, cứ đà này, chắc gần Tết, gia đình đưa đến các chợ bán lẻ, vớt vát được đồng nào hay đồng đó," ông Hùng nói.
Cùng chung hoàn cảnh, ông Cù Văn Sơn (thôn 3, xã Hợp Lý) cho biết cùng thời điểm này năm năm ngoái, gia đình ông phải thuê từ 3 đến 4 nhân công đến chăm sóc, tỉa cây để chuẩn bị xuất bán. Như năm ngoái, trên diện tích này gia đình thu nhập khoảng 100 triệu đồng nhưng năm nay dự đoán chỉ thu được 25 triệu đồng.
Mặc dù vụ hoa Tết năm nay, người làm nghề tại Hợp Lý gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, không thể phủ nhận giá trị kinh tế mang lại từ nghề trồng hoa, cây cảnh đối với người dân nơi đây.
Với việc phát triển kinh tế từ cây đào, quất nhiều hộ dân tại xã Hợp Lý đã trở thành triệu phú đào chỉ trong một vài năm trúng vụ. Trong kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2019, Ủy ban Nhân dân xã Hợp Lý tiếp tục đề ra phương châm phát triển làng nghề trồng hoa cây cảnh, coi đây là thế mạnh và nguồn thu nhập chính của địa phương.
Thời gian tới, địa phương khắc phục và hoàn thiện hệ thống kênh mương nội đồng; có cơ chế chính sách khuyến khích, động viên người trồng hoa; hướng dẫn người dân chuẩn bị tốt các điều kiện về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đất đai… để chuẩn bị cho vụ mới.
Bên cạnh đó, địa phương có kế hoạch chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả để chuyển sang trồng hoa, cây cảnh, qua đó mở rộng diện tích trồng và đưa nghề trồng hoa, cây cảnh ngày càng phát triển./.
Nguồn bài viết : Xóc Đĩa