Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 766/QĐ-TTg.
Đây là công cụ hữu hiệu phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương trong việc quản lý chất lượng thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công hoàn toàn dựa trên dữ liệu theo thời gian thực.
Qua đó, giúp kiểm soát thực thi ("điểm nghẽn" lớn nhất hiện nay), tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, trách nhiệm giải trình trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, dựa trên cơ sở đổi mới việc kiểm soát quy trình và kết quả đầu ra theo thời gian thực, cá thể hóa trách nhiệm đến từng cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Đồng thời, kịp thời phát hiện các khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quy định, cũng như thực hiện thủ tục hành chính, xác định nguyên nhân, giải pháp khắc phục, nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
Bộ Chỉ số được triển khai chính thức từ tháng 8/2022 với 5 nhóm chỉ số: công khai, minh bạch; tiến độ, kết quả giải quyết; số hóa hồ sơ; cung cấp dịch vụ trực tuyến; mức độ hài lòng.
Công khai kết quả đánh giá
Văn phòng Chính phủ cho biết trên cơ sở Bộ chỉ số, hiện nay, có 10 bộ, 47 địa phương đã thường xuyên công khai kết quả đánh giá, nhất là danh sách cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan, đơn vị để xảy ra chậm trễ, nhũng nhiễu, tiêu cực trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, từ đó tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, trách nhiệm giải trình, cải thiện rõ rệt chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
Số liệu đánh giá năm 2023 cho thấy tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hoặc sớm hạn của địa phương đạt 90%, của bộ, ngành chỉ đạt 52%, chưa đạt mục tiêu đề ra của Chính phủ là tối thiểu 90% hồ sơ thủ tục hành chính trở lên giải quyết đúng hoặc sớm hạn.
Mức độ hài lòng trong xử lý phản ánh, kiến nghị của các bộ, ngành cũng thấp hơn so với các địa phương.
Một số bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt như Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bình Định, Tây Ninh, Bắc Giang, Bình Phước, Hòa Bình, Hậu Giang, Kon Tum, Lâm Đồng, Lào Cai, Quảng Bình, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Sóc Trăng, Thái Nguyên, Yên Bái...
Vươn lên là một điển hình trong công tác cải cách hành chính, tỉnh Cà Mau đã về đích sớm trong nhiệm vụ này nhờ Chiến dịch cao điểm 69 ngày đêm "Nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh Cà Mau."
Theo Giám đốc Trung tâm Giải quyết Thủ tục Hành chính tỉnh Hồ Chí Linh, sau Chiến dịch, tỷ lệ hồ sơ được giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến đạt 82,81%; tỷ lệ thanh toán trực tuyến đạt 75,42%; tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh đạt 78,07%, cấp huyện đạt 76,84%, cấp xã đạt 69,29%.
Cà Mau đang đứng thứ hai cả nước trong vị trí xếp hạng theo Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử với 89,29 điểm. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng và trước hạn của toàn tỉnh đạt 96,77%.
Với kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ghi nhận đạt trên 92%.
Luôn nằm trong top dẫn đầu các tỉnh, thành phố có điểm chỉ số cao nhất cả nước từ đầu năm 2023 đến nay, quý 1/2023, Bắc Giang xếp thứ 2, quý 2 xếp thứ 4, quý 3 xếp thứ 3.
Tổng điểm địa phương này đang đạt được ở thời điểm ngày 26/12 là 88,94 điểm, đứng thứ 3 cả nước, sau Bình Định và Cà Mau.
Các nhóm chỉ số đều đạt kết quả cao và cao hơn bình quân cả nước. Nổi bật là nhóm chỉ số dịch vụ công trực tuyến đạt 20,9 điểm (tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến xử lý đúng hạn đạt 91,81%); chỉ số công khai, minh bạch đạt 13/18 điểm; tiến độ giải quyết đạt 18,1/20 điểm; mức độ hài lòng đạt 17,8/18 điểm; số hóa hồ sơ đạt 19,1/22 điểm.
Còn tại Bắc Ninh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Trung Hiền cho biết Hệ thống Thông tin Giải quyết Thủ tục Hành chính của tỉnh được xây dựng đáp ứng yêu cầu đến năm 2025 toàn bộ thủ tục hành chính được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến, 100% dịch vụ công trực tuyến được thiết kế, thiết kế lại nhằm tối ưu hóa trải nghiệm người dùng, khi sử dụng được điền sẵn dữ liệu mà người dùng đã cung cấp trước đó; 100% người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp chính quyền; tối thiểu 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến (hiện đạt hơn 50%).
Với hơn 18.000 tài khoản người dùng, toàn bộ công chức trên địa bàn tỉnh được gắn định danh số trong xử lý công việc.
100% hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan nhà nước được thực hiện trên phần mềm quản lý văn bản và điều hành.
Toàn bộ văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước được thực hiện dưới dạng điện tử, được ký số (trừ văn bản mật).
Hiện hồ sơ công việc cấp tỉnh đạt 95,85%; hồ sơ công việc cấp huyện đạt 96,52%; hồ sơ công việc cấp xã đạt 98,02%, vượt mức yêu cầu của tỉnh và Trung ương, toàn bộ hồ sơ được tạo, lưu giữ và chia sẻ dữ liệu điện tử theo quy định.
Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp được cải thiện chưa đáng kể
Tuy nhiên, theo đánh giá của Văn phòng Chính phủ, chất lượng thực hiện thủ tục hành chính, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp có được cải thiện nhưng chưa đáng kể, nhất là trong các lĩnh vực như đất đai, xây dựng, đầu tư...
Vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, phát sinh thêm thủ tục hành chính, hồ sơ, giấy tờ ngoài quy định trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.
Hiện nay có 8 bộ và 29 địa phương đã triển khai việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính đối với các hồ sơ tiếp nhận trực tiếp.
Còn nhiều bộ, ngành, địa phương chưa thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc thường xuyên đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp theo Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp và công khai kết quả đánh giá trên phương tiện thông tin đại chúng.
Theo ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ), việc nâng cấp Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tại một số bộ, ngành, địa phương còn chậm dẫn đến tình trạng không cập nhật, đồng bộ đầy đủ dữ liệu hồ sơ thủ tục hành chính tại bộ, ngành, địa phương phục vụ đánh giá, giám sát.
Việc công khai, minh bạch, nhất là công khai, minh bạch quá trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ ở một số cơ quan, đơn vị còn yếu, còn có tình trạng tiếp nhận hồ sơ "ngoài luồng," không được cập nhật trên Hệ thống, không thể theo dõi, giám sát, đánh giá chất lượng.
Kỷ luật, kỷ cương hành chính của một số cơ quan, đơn vị chưa nghiêm; chưa thực hiện việc báo cáo giải trình và xin lỗi người dân, doanh nghiệp trường hợp để xảy ra chậm muộn, tiêu cực trong giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính của cơ quan, đơn vị.
Chưa kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, hồ sơ, giấy tờ, yêu cầu điều kiện không đúng quy định hoặc nhiều lần để xảy ra tình trạng chậm trễ trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính theo đúng quy định pháp luật về đánh giá, xếp loại chất lượng và xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức./.
Nguồn bài viết : XSMB hôm qua