Hiến kế đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

2025-01-17 20:15:20
Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Bình Định: Nhiều hoạt động hiệu quả, thiết thực
Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Chiều 19/7, trong chương trình Hội nghị toàn quốc công tác đối ngoại nhân dân năm 2023 đã diễn ra phiên thảo luận thứ hai về đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Liên hiệp).

Các đại biểu tham dự phiên thảo luận thứ hai của Hội nghị toàn quốc công tác đối ngoại nhân dân năm 2023. (Ảnh: Thu Hà)

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Phan Anh Sơn đã trình bày kế hoạch công tác năm 2024 và định hướng phát triển hệ thống Liên hiệp đến năm 2030.

Theo đó, trọng tâm công tác năm 2024 tập trung vào các mảng: hòa bình, đoàn kết, hữu nghị; công tác phi chính phủ nước ngoài; tham mưu, nghiên cứu; thông tin tuyên truyền; công tác cán bộ và phát triển hệ thống.

Liên hiệp sẽ tiếp tục triển khai hoạt động đối ngoại theo kế hoạch, trọng tâm là kỷ niệm quan hệ ngoại giao với các nước; tích cực tham gia các cơ chế đa phương; phát triển mở rộng mạng lưới các đối tác trên thế giới. Về hoạt động phi chính phủ nước ngoài, Liên hiệp sẽ tổ chức hội nghị quốc tế lần thứ V về phi chính phủ nước ngoài; cải cách thủ tục hành chính; đa dạng nguồn viện trợ; đổi mới phương thức vận động các nguồn viện trợ…

Định hướng đến năm 2030, Liên hiệp xác định 9 mục tiêu chiến lược gồm:

Nâng cao chất lượng tham mưu xây dựng và triển khai đường lối chính sách về đối ngoại nhân dân; Nâng cao hiệu quả kết nối các tổ chức đối tác trong và ngoài nước trong các hoạt động hợp tác phát triển, huy động hiệu quả các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam;

Tăng cường sự hiểu biết của bạn bè quốc tế và người Việt Nam ở nước ngoài về đường lối, chính sách, đất nước, con người, lịch sử, văn hóa, dân tộc Việt Nam, qua đó tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ, hợp tác đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc;

Phát triển mạng lưới đối tác rộng rãi trên thế giới, đặc biệt ở các quốc gia Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, các nước láng giềng, bạn bè truyền thống, tham gia vào tất cả các cơ chế đa phương quan trọng và các tổ chức/mạng lưới hòa bình và phát triển khác;

Mở rộng mức độ nhận biết và tin tưởng của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đối với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.

Cùng với đó, hoàn thiện hệ thống tổ chức từ Trung ương đến địa phương, có Liên hiệp các tổ chức hữu nghị hoặc các hội hữu nghị ở tất cả 63 tỉnh thành phố trên toàn quốc, thống nhất mô hình bộ máy, nhiệm kỳ, cơ chế, chính sách đối với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị địa phương.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong điều hành, quản lý và tổ chức công việc trên toàn hệ thống; Đa dạng hóa nguồn tài chính phục vụ cho hoạt động của cơ quan; xây dựng các năng lực chiến lược nhằm hiện thực hóa tầm nhìn.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Phan Anh Sơn trình bày báo cáo tại Hội nghị (Ảnh: Thu Hà).

“Với tầm nhìn như vậy, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam sẽ trở thành một tổ chức vững mạnh, có uy tín cao trong nước và quốc tế, có khả năng dẫn dắt, đoàn kết các lực lượng tham gia hoạt động đối ngoại nhân dân và tham mưu chiến lược, chính sách về đối ngoại nhân dân cho Đảng và Nhà nước”, ông Phan Anh Sơn cho biết.

Tại phiên thảo luận, đại diện các tổ chức thành viên ở Trung ương, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị địa phương đã chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất các biện pháp nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Liên hiệp.

Theo ông Nguyễn Đức Hùng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội hữu nghị Việt Nam - Singapore, để triển khai hoạt động đối ngoại trong tình hình mới đòi hỏi phải có một tư duy mới và hiệu quả cần phải được "cân đong, đo đếm" bởi những tiêu chí, chuẩn mực phù hợp với những ưu tiên mới như: thúc đẩy thực hiện các chương trình phát triển chính trị - kinh tế - xã hội của đất nước; tích cực, chủ động tham gia xây dựng và phát huy “sức mạnh mềm” góp phần bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa; tiếp tục đi tiên phong trong nhiệm vụ tăng cường hiểu biết, xây dựng, củng cố tình cảm thân thiện của bạn bè quốc tế với Việt Nam. Bên cạnh đó, góp phần nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế sâu rộng và thực chất, góp phần tạo động lực trong hợp tác quốc tế cũng như thực hiện các nhiệm vụ trong lĩnh vực ngoại giao; chủ động và tỉnh táo xử lý các nguồn thông tin góp phần cùng với các phương tiện truyền thông của Đảng, Nhà nước đảm bảo cung cấp bức tranh trung thực về những biến động của xã hội, đáp ứng yêu cầu về thông tin nhanh, kịp thời của công chúng.

Ông Nguyễn Đức Hùng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội hữu nghị Việt Nam - Singapore (Ảnh: Thu Hà).

Nhấn mạnh tính chủ động, năng động, linh hoạt, tự chủ trong hoạt động của Hội hữu nghị, ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Nepal cho rằng: cần quán triệt mỗi Hội hữu nghị là một tổ chức thành viên của Liên hiệp nhưng là tổ chức có con dấu, có tài khoản, có tư cách pháp nhân, có điều lệ riêng, hoạt động theo nguyên tắc “tự nguyện, tự quản, tự bảo đảm kinh phí hoạt động”, hoạt động dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch, tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và điều lệ Hội.

Ông Đỗ Quốc Hương, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Hà Giang kiến nghị tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm, đổi mới và nâng cao chất lượng tuyên truyền của các cấp, các ngành về công tác đối ngoại nhân dân. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại nhân dân theo phương châm “chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả”; tăng cường công tác phối hợp cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể trong hoạt động đối ngoại nhân dân để tạo sự liên kết, thống nhất, đồng bộ và hỗ trợ lẫn nhau trong triển khai các hoạt động. Cùng với đó, triển khai thực hiện các biên bản ghi nhớ, thoả thuận hợp tác của địa phương đã ký kết, tiếp tục mở rộng hợp tác với đối tác mới; tăng cường các hoạt động giao lưu, kết nghĩa giữa địa phương với các đối tác truyền thống, cũng như các đối tác mới, ưu tiên theo tiến trình hội nhập quốc tế của tỉnh.

Cũng theo ông Hương, các Liên hiệp địa phương cần làm tốt công tác tổng kết, nhân rộng các mô hình kết nghĩa, giao lưu hữu nghị và các mô hình đối ngoại hoạt động có hiệu quả; Nghiên cứu tham gia các cơ chế đa phương phù hợp; tăng cường vai trò của địa phương, cơ sở trong củng cố tình đoàn kết hữu nghị với nhân dân các nước láng giềng, xây dựng đường biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Đặc biệt, tiếp tục kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác đối ngoại nhân dân tại địa phương; tăng cường các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới.

Nhấn mạnh vai trò của nhận thức trong công tác đối ngoại nhân dân, ông Nguyễn Thành Trí, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Đồng Nai đề nghị Ban Đối ngoại Trung ương thường xuyên có định hướng cho cấp uỷ địa phương về nâng cao chất lượng công tác đối ngoại nhân dân. Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam thường xuyên mở lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại nhân dân bằng nhiều hình thức (trực tiếp, trực tuyến, kết hợp...); duy trì tài liệu thông tin tình hình thế giới và khu vực. Cùng với đó, hỗ trợ trang bị phòng đọc sách, tủ sách đối ngoại cho Liên hiệp các tổ chức hữu nghị các tỉnh, thành phố; tổ chức nhiều chương trình giao lưu văn hoá, hữu nghị cấp khu vực, toàn quốc và quốc tế.

Ông Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Uỷ ban Việt Nam đoàn kết và hợp tác Á- Phi- Mỹ Latinh (Ảnh: Thu Hà).

Ông Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, Chủ tịch Uỷ ban Việt Nam đoàn kết và hợp tác Á - Phi - Mỹ Latinh cho rằng, đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân quan trọng ngang nhau, cùng thực hiện nhiệm vụ chung là đối ngoại của đất nước, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển trên toàn thế giới.

Trong nhiệm kỳ qua và nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng giai đoạn 2021-2023, đối ngoại nhân dân đã đóng góp vai trò to lớn trong việc nâng cao hình ảnh, vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy nhiên, điều kiện hoạt động của các tổ chức, những người làm công tác đối ngoại nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Theo ông Nguyễn Thế Kỷ, đối ngoại nhân cần phải được đầu tư kinh phí đủ để hoạt động trong nước và nước ngoài.

Phát biểu tổng kết, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga cho biết, Hội nghị đã hoàn thành chương trình đề ra với kết quả tích cực, thực chất. Qua các báo cáo, tham luận, ý kiến trao đổi, Liên hiệp có thêm nhiều kinh nghiệm tốt, mô hình tốt, nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động trên các mảng; góp phần xây dựng định hướng của Liên hiệp đến năm 2030. Đây cũng là cơ sở để xây dựng nội dung văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam nhiệm kỳ 2024-2029.

Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga phát biểu tổng kết Hội nghị (Ảnh: Thu Hà).

Cơ quan thường trực Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam sẽ tổng hợp, tiếp thu các ý kiến và kết luận tại Hội nghị, hoàn thiện định hướng phát triển Liên hiệp và tiếp tục chuẩn bị nội dung cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, trước mắt là tổ chức triển khai tốt chương trình kế hoạch công tác 6 tháng cuối năm 2023 và xây dựng chương trình công tác khả thi năm 2024.

“Tôi tin tưởng Hội nghị ghi một dấu mốc mới trong hoạt động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, tăng cường thêm sự gắn kết chặt chẽ, tạo xung lực mới cho toàn hệ thống Liên hiệp”, Chủ tịch Nguyễn Phương Nga nói.

Nhân dịp này, Chủ tịch Nguyễn Phương Nga kêu gọi toàn hệ thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và từng tổ chức thành viên thống nhất cao trong nhận thức, quyết tâm cao trong hành động, bám sát phương châm "Chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả", nhanh chóng cụ thể hóa kết quả Hội nghị, tích cực triển khai công tác đối ngoại nhân dân theo tinh thần Chỉ thị số 12 ngày 5/1/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Thực hiện tốt các nhiệm vụ của năm 2023 và Nghị quyết Đại hội VI của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, thiết thực phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, văn hoá của đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Trung tâm ICISE là cầu nối đưa các nhà khoa học quốc tế đến Việt Nam
Hội nghị toàn quốc công tác đối ngoại nhân dân năm 2023 diễn ra tại Bình Định

Nguồn bài viết : tin nhanh bóng đá

Top