Tổng thống Mỹ Bill Clinton (áo đen) thăm hiện trường khai quật máy bay Mỹ bị bắn rơi vào năm 1967 ở huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc năm 2000. (Ảnh: AFP)
Tháng 11/2000, khi Tổng thống Clinton sắp sang thăm Việt Nam, ông Ron Ward đang là một quân nhân phụ trách phiên dịch và phân tích, điều tra tại Văn phòng Đặc trách vấn đề MIA (quân nhân Mỹ mất tích) ở Hà Nội.
Đây là lần đầu tiên một tổng thống Mỹ tới Việt Nam, 25 năm sau khi chiến tranh kết thúc. Theo kế hoạch, ông Clinton sẽ đến thăm hiện trường khai quật máy bay Mỹ bị bắn rơi vào năm 1967 ở huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc, cách Hà Nội khoảng hơn một tiếng đi xe.
"Trong vòng một tháng trước chuyến thăm, tôi và các đồng nghiệp phải đi tiền trạm đến hiện trường cùng các nhân viên của Nhà Trắng để chuẩn bị về an ninh và hậu cần. Qua đó, họ biết rằng có một người Mỹ có khả năng nói tiếng Việt và ghi nhớ điều đó", ông Ron kể.
Khi đến Việt Nam, Tổng thống Clinton mang theo một phiên dịch viên là người gốc Việt đã lớn tuổi. Trong quá trình Clinton đang phát biểu tại trường Đại học Quốc gia Hà Nội, người phiên dịch này gặp trục trặc và dừng công việc, khiến các sinh viên phải nghe hoàn toàn bằng tiếng Anh. Tối hôm đó, Tổng thống Mỹ còn có một cuộc họp về công tác tháo gỡ bom mìn sau chiến tranh ở Trung tâm Hội nghị Quốc tế tại Hà Nội.
Mệnh lệnh bất ngờ
Đang ngồi ăn cùng các cấp trên là hai quan chức quân đội Mỹ thì ông Ron nhận được điện thoại từ đại diện của Nhà Trắng, thông báo rằng ông được cử làm phiên dịch cho ông Clinton tại cuộc họp trên.
"Ông tướng là sếp lớn của tôi nói rằng: 'OK, ông mặc complet đi'", Ron kể. "Khoảng 45 phút sau đó tôi phải có mặt ở đó mà không có sự chuẩn bị gì. Có hai người đã thử phiên dịch nhưng không được, và Nhà Trắng biết rằng có một người Mỹ biết tiếng Việt là tôi".
Ron Ward (trái) và một nhân chứng chiến tranh của Việt Nam. (Ảnh: NVCC)
Ron lập tức đến trung tâm hội nghị. Ông được giao nhiệm vụ "Tổng thống nói gì thì dịch lại". Ông Clinton phát biểu về việc Mỹ và Việt Nam hợp tác để giải quyết hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở các địa phương.
"May mắn là tôi vốn đã, đang làm việc trong quân đội nên tất cả những từ ông ấy nói đều quen thuộc với tôi. Tôi phiên dịch trong khoảng 20 phút. Mọi thứ hoàn toàn suôn sẻ. Tổng thống đã cảm ơn tôi", Ron kể.
Khi Tổng thống Bill Clinton ra sân bay Nội Bài để trở về Mỹ, ông Ron mặc lại bộ quân phục và tiếp tục làm phiên dịch cho Tổng thống, phu nhân Hillary Clinton cùng con gái của họ, Chelsea.
"Sau khi chia tay với các quan chức Việt Nam, ông ấy gặp tôi và nói: "A! ông là phiên dịch. Ông là phiên dịch viên đã giúp tôi' ", Ron kể lại khoảnh khắc trò chuyện với Tổng thống Mỹ.
Tôi trả lời: "Vâng, thưa ông, tôi là người lúc nãy làm phiên dịch cho ông".
Ông ấy hỏi: "Ông học tiếng Việt ở đâu?"
Tôi đáp: "Tôi học tiếng Việt trong Viện Ngôn ngữ học của Bộ Quốc phòng".
Bà Hillary cũng nói: "Ồ, cảm ơn. Ông rất có kỹ năng".
Ron Ward học tiếng Việt từ những năm 1980 và khi được cử sang làm việc tại Việt Nam vào năm 1992, ông đã có 10 năm học ngôn ngữ này. Ông là chuyên gia Xử lý Thương vong, phân đội 2 (DET 2), thuộc Bộ chỉ huy Hỗn hợp Tìm kiếm Tù binh và Người mất tích trong chiến tranh của Mỹ (JPAC). Ron là một trong những người đóng vai trò kiến tạo chương trình tìm kiếm tù binh và người Mỹ mất tích trong chiến tranh (POW/MIA) ở Việt Nam.
Đến nay, Ron Ward đã có 23 năm gắn bó với công việc nhân đạo này. Mối nhân duyên của ông với Việt Nam càng trở nên trọn vẹn hơn khi ông kết hôn với một phụ nữ Việt và có hai con.
Theo VnExpress
Nguồn bài viết : VIA Trực Tuyến