2025-01-17 20:17:21

Theo Thông cáo của Bộ Ngoại giao, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Mông Cổ, theo lời mời của Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh.

Đây là chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 70 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (1954-2024). Việt Nam và Mông Cổ có quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời. Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 17/11/1954, đánh dấu mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ hai nước.

Mông Cổ là một trong những nước sớm thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam và Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á mà Mông Cổ thiết lập quan hệ ngoại giao.

Chuyến thăm chính thức Mông Cổ, tháng 7/1955, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ Việt Nam; chuyến thăm Việt Nam của Bí thư thứ nhất Đảng Nhân dân Cách mạng, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Mông Cổ (9/1959) Yumjaagiin Tsedenbal đã mở đầu, đặt nền móng cho việc phát triển quan hệ hữu nghị giữa hai nước.

Trải qua 70 năm, quan hệ hợp tác và hữu nghị hai nước được tôi luyện trong khó khăn, thử thách. Hai nước luôn giữ vững nền tảng hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, Nhà nước và nhân dân hai nước luôn dành cho nhau sự giúp đỡ vô tư, trong sáng trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước cũng như trong thời kỳ đổi mới và hội nhập hiện nay.

Trong thời gian qua, quan hệ hợp tác hai nước đã đạt được những bước phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực. Các hoạt động trao đổi đoàn, trong đó có trao đổi đoàn cấp cao và các cấp được diễn ra và đẩy mạnh. Gần đây nhất là chuyến thăm Mông Cổ của Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang (tháng 10/2023) và chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh (tháng 11/2023); chuyến thăm của Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao Mông Cổ B.Jargalsaikhan (tháng 3/2024).

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Về hợp tác kinh tế, trước năm 1990, kim ngạch thương mại hàng năm đạt khoảng 2 triệu rúp (chuyển đổi); năm 1996, hai bên đã ký Hiệp định hợp tác thương mại song phương và đến năm 2008 đạt hơn 6 triệu USD, năm 2023 đạt hơn 120 triệu USD, 7 tháng của năm 2024 đạt 65,5 triệu USD trong và còn nhiều dư địa để hai bên cùng thúc đẩy.

Hai nước thường xuyên duy trì cơ chế họp Ủy ban liên chính phủ về thương mại, kinh tế và khoa học kỹ thuật, theo đó đã tổ chức được 18 kỳ họp. Hợp tác song phương về văn hóa, du lịch, giáo dục và giao lưu nhân dân đều có bước tiến, nổi bật là việc hai bên ký Hiệp định miễn thị thực cho công dân mỗi nước mang hộ chiếu phổ thông (tháng 11/2023), qua đó góp phần tăng cường hoạt giao lưu nhân dân giữa hai nước.

Theo ông Galbaa Davkharbayar, Bí thư thứ hai Đại sứ quán Mông Cổ tại Việt Nam, năm 2002, có 1.500 du khách Việt Nam thăm Mông Cổ và đến năm 2023, con số này tăng lên trên 2.000 người; đồng thời ở chiều ngược lại, năm 2022, có hơn 2.000 du khách Mông Cổ đến Việt Nam và tăng lên trên 15.000 người vào năm 2023.

Nhận định về mối quan hệ hợp tác-hữu nghị giữa Việt Nam-Mông Cổ trong 70 năm qua, tại Hội thảo khoa học quốc tế “70 năm quan hệ Việt Nam-Mông Cổ: Thành tựu và triển vọng” vào ngày 12/9 vừa qua, ông Jigiee Sereejav, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Mông Cổ tại Việt Nam nhấn mạnh: “Di sản của sự tôn trọng lẫn nhau trong quan hệ và hợp tác là giá trị quý giá của nhân dân hai nước chúng ta.”

Trên cơ sở phân tích các giai đoạn lịch sử trong quan hệ hai nước, Đại sứ bày tỏ niềm tin sâu sắc vào triển vọng của mối quan hệ đang trên đà phát triển đỉnh cao và thuận lợi. Theo đó, Việt Nam là đối tác quan trọng trong khu vực ASEAN và “hàng xóm thứ ba” của Mông Cổ, quan hệ hợp tác giữa hai nước sẽ còn tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong những năm tới.

Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Phạm Hồng Thái, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, điều làm nên mối quan hệ hữu nghị, truyền thống lâu dài từ rất sớm giữa hai quốc gia đó là sự hợp tác mang tính hỗ trợ lẫn nhau, không chỉ giúp hai nước khai thác lợi thế về tự nhiên và xã hội mà còn tăng cường an ninh quốc gia và ổn định khu vực.

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Phạm Hồng Thái nhận định triển vọng phát triển quan hệ song phương hai nước rất tích cực nhờ vào những lợi ích và sự tương đồng về văn hóa giữa hai quốc gia. Chính sách “láng giềng thứ ba” của Mông Cổ với mục tiêu đa dạng hóa quan hệ đối ngoại cũng mở ra cơ hội để quan hệ Việt Nam-Mông Cổ phát triển hơn nữa.

Với mối quan hệ hợp tác hữu nghị và không ngừng phát triển trên, chuyến thăm cấp Nhà nước đến Mông Cổ của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm được kỳ vọng sẽ thúc đẩy quan hệ song phương đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả, phù hợp với tình hình mới.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết dự kiến trong chuyến thăm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ cùng lãnh đạo cấp cao Mông Cổ trao đổi các định hướng lớn, biện pháp quan trọng để thắt chặt hơn nữa sự tin cậy chính trị cũng như tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực hai bên ưu tiên, nhất là chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, du lịch và giao lưu nhân dân.

Mối quan hệ truyền thống giữa hai nước Việt Nam-Mông Cổ trong 70 năm qua đã và đang được xây đắp trên cơ sở hiểu biết, tin cậy, ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau. Mối quan hệ đặc biệt đó đã được thử thách qua từng giai đoạn của lịch sử.

Với chuyến thăm có ý nghĩa rất quan trọng sắp tới của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, có thể tin tưởng rằng, quan hệ hai nước sẽ tiếp tục được củng cố và phát triển với nhiều thành quả tốt đẹp./.

Góp phần củng cố vững chắc quan hệ giữa Việt Nam với Mông Cổ, Ireland và Pháp

Chuyến công tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam với Mông Cổ, Ireland, Pháp và cộng đồng Pháp ngữ tiếp tục phát triển tích cực và đạt được nhiều kết quả tốt đẹp.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn bài viết : Thống kê 2 số cuối giải đặc biệt theo năm

Top