Hành trình Tàu 561 đón Đoàn công tác số 11 xuất phát từ Cảng Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân. Sau 47 giờ lênh đênh trên biển, tàu thả neo để đến với đảo Sinh Tồn Đông. Trước mắt chúng tôi, một hòn đảo xanh tươi hiện ra giữa một vùng biển sâu thăm thẳm dưới cái nắng thủy tinh trong vắt. Mặt trời đỏ rực như quả cầu lửa chiếu những tia sáng dát vàng chói lấp lánh, đổ tràn trên mặt nước. Cảnh sắc vô cùng tuyệt mỹ cùng với trải nghiệm sức nóng “đổ” lên thịt da.
Tôi chợt nhớ đến lời bài hát “Sức sống Trường Sa” (nhạc Nguyễn Hồng Sơn, thơ Đoàn Vũ Vinh) - “Nắng, gió thiêu thịt da, những ngày mưa khát; Muối đắng môi cười, thèm cọng lá rau xanh.”
Đảo Sinh Tồn Đông thuộc Lữ đoàn 146, vùng 4 Hải quân, nằm cách bán đảo Cam Ranh 326 hải lý và cách đảo Sinh Tồn khoảng 15 hải lý về phía Đông. Đảo chạy dài theo hướng Bắc Tây Bắc và Đông Đông Nam, bề mặt đảo chỉ toàn cát san hô vụn.
Cách đây 49 năm, ngày 29/4/1975, các chiến sỹ Quân chủng Hải quân Việt Nam đã thần tốc, táo bạo, bất ngờ, tranh thủ thời cơ tấn công giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.
Điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu khu vực Đảo Sinh Tồn Đông thật sự khắc nghiệt và chỉ phù hợp với một số loại cây như bàng quả vuông, mù u, muống biển. Hơn nữa, trên đảo không có giếng nước ngọt, do đó cây cối không nhiều. Song, đảo Sinh Tồn Đông có vị trí quan trọng trong hệ thống phòng thủ trên quần đảo Trường Sa. Đảo nằm gần các đảo do Trung Quốc chiếm đóng trái phép xen kẽ. Do đó, cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn Đông luôn quán triệt sâu sắc tình hình, nhiệm vụ, nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu cao.
Khẳng định quyết tâm quyết tâm giữ yên vùng biển ở đảo Sinh Tồn Đông, theo Chính trị viên của đảo, Trung tá Nguyệt Kỳ Hợp, các chiến sĩ trên đảo luôn triển khai các bài huấn luyện thuần thục, sẵn sàng chiến đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ của Lữ đoàn 146, Vùng 4 và Quân chủng Hải quân giao.
Năm 2024, tình hình trên vùng biển quần đảo Trường Sa tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nhân tố khó lường. Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, xây dựng Lữ đoàn chính quy, hiện đại đang đặt ra những yêu cầu cao hơn.
Trung tá Nguyệt Kỳ Hợp cho biết các cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn Đông quán triệt sâu sắc các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Đảng các cấp, nhất là Nghị quyết Trung ương 8, khóa 13 về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tiếp tục phát huy kết quả và những thành tích đã đạt được, cán bộ, chiến sỹ luôn bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thực hiện có hiệu quả các khâu đột phá, tăng cường đoàn kết nội bộ, chủ động, sáng tạo, phát huy nội lực, khắc phục khó khăn đồng thời tích cực giúp đỡ ngư dân cứu hộ, cứu nạn. Đặc biệt là đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ, người chiến sĩ Hải quân thời kỳ mới.”
Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, nhiều công trình trên đảo đã được cải thiện, đầu tư xây dựng nhà ở, nơi làm việc, các công trình phục vụ sinh hoạt đã và được củng cố, khang trang, vững chắc. Hệ thống năng lượng gió và năng lượng mặt trời đã được đưa vào sử dụng hiệu quả trên đảo. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn Đông từng bước được cải thiện.
Tháng 3/2017, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã triển khai lắp đặt trạm thu phát sóng FM và trước đó cũng đã lắp đặt các trạm thu phát tín hiệu vệ tinh của Đài truyền hình Việt Nam, giúp cho quân và dân trên đảo cập nhật kịp thời những thông tin trong nước và thế giới.
Trung tá Nguyệt Kỳ Hợp chia sẻ trên đảo có phòng đọc sách, báo với gần 2.300 đầu sách và trên 30 đầu báo các loại. Đặc biệt, phòng đọc được trang bị một tủ sách pháp luật. Bên cạnh đó, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao luôn được tổ chức, nhằm kịp thời động viên, cổ vũ tinh thần cho những người chiến sỹ giữ đảo yên tâm với nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo trong mọi tình huống.
Bên cạnh đó, nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển cũng được các cán bộ, chiến sĩ trên Đảo Sinh Tồn Đông quán triệt sâu sắc là một trong các nhiệm vụ chiến đấu.
Thiếu tá Nguyễn Văn Nam, Bệnh xá trưởng của đảo Sinh Tồn Đông cho biết công tác khám chữa bệnh cho chiến sỹ và dân thường xuyên tổ chức với các phương án. Những ngư dân đánh bắt cá quanh đảo được khám, chữa bệnh và được cung cấp nước ngọt, rau xanh. Đảo thường xuyên quán triệt, tổ chức triển cấp phát thuốc cho người dân. Trong năm 2023 và các tháng đầu năm 2024, bệnh xá đã khám và chữa bệnh cho 64 lượt ngư dân trên tàu cá. Các bệnh phổ biến là về tiêu hóa và da liễu.
“Điều kiện cơ sở vật chất trên đảo đủ đáp ứng đủ các yêu cầu cơ bản về hoạt động trung phẫu thuật. Tháng 10/2023, bệnh xá đã phẫu thuật cho một chiến sỹ bị viêm ruột thừa. Ở đây, có hệ thống hệ thống chẩn đoán bệnh từ xa (Telemedicine) kết nối chỉ đạo chuyên môn từ trong đất liền. Nhờ đó, hai bên đã phối hợp với nhau và thực hiện ca mổ rất thành công. Trên đảo, cơ bản là khám và chữa các bệnh lý nội khoa, cấp phát thuốc. Song, về y tế cũng gặp những khó khăn chung, mặc dù cơ sở vật chất được trang bị nhiều và đầy đủ, nhưng điều kiện khí hậu khắc nghiệt khiến cho việc bảo quản thiết bị gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, hệ thống trang thiết bị, vật tư được bệnh xá bảo quản thường xuyên theo từng tuần đồng thời có kiểm tra hệ thống kết nối vào bờ,” Thiếu tá Nguyễn Văn Nam chia sẻ.
Theo Đoàn công tác đặt chân lên đảo, anh Nguyễn Văn Giáp - người đang làm việc cho Công ty dược của Nhật Bản, không khỏi xúc động và chia sẻ cho dù ở đâu trên thế giới, những người con Việt Nam luôn hướng về tổ quốc và biển, đảo quê hương.
“Sau chuyến đi này, tôi sẽ có những bài viết chuyển tải tới những người Việt đang sống tại Nhật Bản. Tôi mong muốn họ sẽ có thêm sự hiểu biết về biển, đảo của Việt Nam. Khi bước chân lên hòn đảo, giữa mênh mông biển trời, tôi cảm thấy rất ý nghĩa và thiêng liêng. Nơi biển xanh rộng lớn, tôi nhận thấy người lính trang nghiêm bên mốc chủ quyền, dưới ngọn cờ Tổ quốc - Hình ảnh đó chan chứa xúc động. Tôi rất khâm phục những người lính đang ngày đêm nắm chắc cây súng bảo vệ biên cương nơi đảo xa. Trước khi tham quan quần đảo Trường Sa, tôi đã đọc rất nhiều tài liệu pháp luật xác lập chủ quyền biển, đảo của Việt Nam, như Luật Biển 1982. Tôi thật sự tự hào khi được đến với Trường Sa và xác định trách nhiệm truyền tải những thông điệp ý nghĩa về tinh thần bảo vệ biển, đảo đến với cộng đồng hơn 600.000 người Việt đang sinh sống, làm việc và học tập tại Nhật Bản. Đây là cộng đồng người Việt lớn thứ hai trên thế giới,” anh Nguyễn Văn Giáp nói.
“... Màn đêm chớm buông, Trường Sa sáng lung linh giữa đại dương
Màu xanh quê hương chen giữa phong ba, bàng vuông
Đảo vẫn hiên ngang giữa muôn trùng sóng dữ
Có sức người, đảo bắt sóng vẽ hoa….” (Trích lời bài hát “Sức sống Trường Sa”-Nhạc Nguyễn Hồng Sơn, thơ Đoàn Vũ Vinh)
Bài 1:
Tình hình trên Biển Đông và các vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Quan điểm xuyên suốt của Việt Nam là phải giữ vững môi trường hòa bình và ổn định.
Bài 2:
Đảo Sinh Tồn Đông có vị trí quan trọng trong hệ thống phòng thủ trên quần đảo Trường Sa. Các cán bộ, chiến sĩ luôn quán triệt sâu sắc tình hình, nhiệm vụ, tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu cao.
Bài 3:
Mỗi cán bộ, chiến sĩ đóng quân trên đảo Len Đao luôn khẳng định quyết tâm vững vàng, không nao núng tinh thần, kiên quyết, kiên trì giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong mọi tình huống.
Bài 4:
Nếu đảo Đá Đông hiên ngang giữa biển trời mênh mông, thì đảo Đá Tây lại vững vàng trở thành “căn cứ” an toàn của ngư dân ra khơi suốt dọc vùng duyên hải miền Trung, đến cực Nam của Tổ quốc.
Bài cuối:
Sau những chuyến công tác đến với Trường Sa, mỗi đại biểu ở một vị trí và có những cách riêng lan tỏa về tinh thần yêu thương và trách nhiệm bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc.
Nguồn bài viết : Trực tiếp kết quả xổ số miền Bắc