Giáo dân Nguyễn Văn Hữu (sinh năm 1966) trong một gia đình với 7 anh chị em, hoàn cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, chủ yếu sống bằng làm ruộng. Năm 1986 ông Hữu đi bộ đội, biên chế tại Đại đội 10, Trung đoàn 234 thuộc Quân đoàn 3, đến năm 1989 trở về địa phương lập gia đình và làm ăn kinh tế tại địa phương.
Xã Hưng Yên Bắc nơi ông Hữu sinh sống là một vùng đất bán sơn địa, điều kiện phát triển sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, mùa màng bấp bênh. Không chịu lùi bước trước khó khăn, ông Hữu quyết tâm vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương mình. Năm 1992 với chủ trương chuyển đổi đất thửa, khuyến khích phát triển kinh tế trang trại vườn đồi tại địa phương, ông đã chuyển đổi lấy 1.400m2 đất vườn đồi để phát triển kinh tế trang trại. Từ số vốn tích góp cộng với vay mượn của anh em, bạn bè thêm 150 triệu đồng, ông Hữu đã đào ao thả cá, làm chuồng trại chăn nuôi gia cầm, gia súc.
Ông Nguyễn Văn Hữu chia sẻ: “Không được đào tạo bài bản về kỹ thuật chăn nuôi, những ngày đầu phát triển trang trại tôi gặp rất nhiều khó khăn. Cùng với việc tìm hiểu qua sách báo, tôi đã tới tham quan nhiều mô hình trang trại ở các tỉnh phía Bắc và phía Nam để học tập kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi. Từ các mô hình tham quan, tôi lại tiến hành thí điểm tại trang trại mình, không ít lần đã thất bại do điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng mỗi nơi khác nhau. Không nản chí, sau những lần thất bại, tôi lại đúc rút ra nhiều kinh nghiệm cho lần sau và tôi đã thành công”.
Hiện nay, trung bình hàng năm trang trại của ông Hữu xuất ra thị trường khoảng gần 10 tấn cá trắm, mè, rô phi thương phẩm; trên 2.000 con gà, vịt. Cá, gia súc, gia cầm của ông được tiêu thụ rộng rãi tại các địa phương trong tỉnh Nghệ An và một số tỉnh phía Bắc. Ngoài ra, ông Hữu còn ươm cá giống bán cho người dân địa phương và các chủ trang trại các địa bàn lân cận.
Chưa dừng lại ở việc phát triển trang trại chăn nuôi tổng hợp, nhận thấy vùng đất vườn đồi nơi ông đang phát triển kinh tế trang trại ít bị ngập úng về mùa mưa, Hồ chứa nước Khe Ngang cung cấp nước tưới quanh năm, ông Hữu quyết định phát triển nghề ươm cây cảnh và cây ăn quả.
Phát triển và mở rộng diện tích theo từng năm, hiện ông Hữu có 7 vườn ươm cây cảnh và cây ăn quả, cây bóng mát trên diện tích hơn 11.000m2 với 19.000 cây, tổng giá trị 3,5 - 4 tỷ đồng. Các loại cây cảnh và cây ăn quả của gia đình ông Hữu được bán rộng rãi cho các vùng cây cảnh Nghi Ân và Nghi Liên (thành phố Vinh), các huyện miền Tây tỉnh Nghệ An và một số vùng trồng cây cảnh ở các tỉnh phía Bắc.
“Đất bán sơn địa tại xã Hưng Yên Bắc rất phù hợp để trồng cây ăn quả, nên tôi luôn khuyến khích người dân địa phương mở rộng diện tích trồng cây ăn quả tại vườn, nhằm nâng cao đời sống kinh tế cho người dân địa phương. Nhiều gia đình trồng quy mô lớn, tôi đều tới hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cho người dân. Bên cạnh đó, nhiều người dân địa phương, chủ các trang trại khác đến tham quan, học tập kinh nghiệm từ mô hình trang trại chăn nuôi và ươm cây giống đều được tôi hướng dẫn tận tình, chia sẻ kinh nghiệm một cách cởi mở, để mong sao họ đều thành công như tôi”, ông Nguyễn Văn Hữu cho biết.
Hiện ông Hữu là một trong những điển hình trong phát triển kinh tế, cho thu nhập cao tại xã Hưng Yên Bắc. Trung bình hàng năm, trừ chi phí, trang trại chăn nuôi tổng hợp và các vườn ươm cây cảnh, cây giống của ông Hữu cho thu nhập 2,5 – 3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ông Hữu còn giải quyết việc làm quanh năm cho 4 lao động và 15 lao động làm việc thời vụ tại địa phương với mức thu nhập ổn định 7,5 triệu đồng/người/tháng.
Ông Hoàng Đức Chuyên, Chủ tịch Hội nông dân xã Hưng Yên Bắc cho biết: “Giáo dân Nguyễn Văn Hữu không chỉ làm kinh tế giỏi mà ông còn tích cực tham gia các hoạt động nhận đạo từ thiện, phong trào văn hóa, xã hội của địa phương và đặc biệt là trong xây dựng nông thôn mới. Ông là một tấm gương sáng về nghị lực, quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương đáng để thế hệ trẻ tại địa phương học tập làm theo. Hiện nay, với việc cung cấp giống cây ươm các loại cũng như sự hướng dẫn kỹ thuật, chăm sóc cây trồng tận tình của ông Hữu, chính quyền địa phương đang khuyến khích người dân phát triển kinh tế theo hướng vườn đồi, trong đó mũi nhọn là trồng cây ăn quả nhằm nâng cao đời sống kinh tế cho người dân địa phương”.
Với những kết quả đã đạt được, ông Nguyễn Văn Hữu đã được UBND tỉnh Nghệ An, UBND huyện Hưng Nguyên tặng nhiều Bằng khen, giấy khen. Đặc biệt, năm 2017, tại Hội nghị điển hình nông dân tiêu biểu toàn quốc tổ chức tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Hữu vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba vì có thành tích sản xuất kinh doanh giỏi.
Nguồn bài viết : Điện toán 6x36 Thứ Bảy