Sáng 7/11, thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia, đại biểu Quốc hội cho rằng, cần thiết phải sửa đổi 7 luật để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, mâu thuẫn, chồng chéo, các điểm nghẽn, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Cho ý kiến cụ thể vào nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán độc lập, nhiều ý kiến đại biểu đồng tình với việc sửa đổi Điều 60 về xử lý vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập theo hướng, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chịu các biện pháp quản lý nhà nước theo quy định của luật này, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, vì đã bao quát được việc xử lý đối với vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập và phù hợp với nguyên tắc xử lý vi phạm.
Tuy nhiên, với khoản 2 Điều 60 quy định mức phạt tiền vi phạm hành chính tối đa là 1 tỷ đồng đối với cá nhân, 2 tỷ đồng đối với tổ chức và thời hiệu xử phạt là 5 năm, đại biểu cho rằng có nhiều điểm chưa phù hợp.
Đại biểu Thái Thị An Chung (Nghệ An) phân tích mức phạt tiền tối đa dự thảo đưa ra so với mức phạt tối đa mà Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành quy định đối với vi phạm trong lĩnh vực kiểm toán độc lập tăng gấp 20 lần.
Trong khi đó, mức phạt tối đa 1 tỷ đồng theo Luật Xử lý vi phạm hành chính chỉ được áp dụng đối với vi phạm trong lĩnh vực quản lý các vùng biển, đảo và thềm lục địa, quản lý hạt nhân và chất phóng xạ, năng lượng nguyên tử; tiền tệ, kim loại quý, đá quý, ngân hàng, tín dụng; hoạt động dầu khí và hoạt động khoáng sản khác, bảo vệ môi trường, thủy sản.
Thời hiệu xử phạt dự thảo đưa ra là 5 năm, trong khi quy định của Luật Xử phạt vi phạm hành chính thời hiệu xử phạt tối đa là 2 năm. Hiện nay, việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực về kiểm toán và kế toán được điều chỉnh chung bằng Nghị định 41/2018/NĐ-CP bởi hai lĩnh vực này có tính chất khá tương đồng.
"Nếu điều chỉnh tăng mức phạt vi phạm hành chính đối với kiểm toán thì có đặt ra vấn đề điều chỉnh tăng trong lĩnh vực kế toán hay không? Việc nâng mức phạt trong lĩnh vực kiểm toán lên gần với lĩnh vực có mức phạt cao nhất là chứng khoán liệu đã là hợp lý chưa nếu so sánh với tính chất, mức độ và hậu quả vi phạm?," đặt câu hỏi này, đại biểu đánh giá vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán ảnh hưởng trực tiếp, ngay lập tức và tới hàng trăm, hàng ngàn, thậm chí là hàng triệu giao dịch cũng như nhà đầu tư. Trong khi đó, vi phạm trong lĩnh vực kiểm toán ảnh hưởng gián tiếp, có độ trễ và phạm vi ảnh hưởng hẹp hơn rất nhiều.
Đại biểu An Chung cũng bày tỏ băn khoăn với dự thảo nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán độc lập kèm theo hồ sơ dự thảo Luật.
Đại biểu đơn cử mức phạt tiền tối đa 1 tỷ đồng dự kiến được áp dụng cho hành vi vi phạm quy định về hồ sơ dự thi chứng chỉ kiểm toán viên (cụ thể là hành vi sửa chữa, giả mạo, khai man về bằng cấp, chứng chỉ và các tài liệu khác trong hồ sơ để đủ điều kiện dự thi lấy chứng chỉ kiểm toán viên).
Hành vi này nếu đủ điều kiện cấu thành tội phạm hình sự thì sẽ bị xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự. Nếu chưa đến mức xử lý hình sự thì bị xử lý hành chính và mức phạt tiền hiện nay đang áp dụng tối đa là 30 triệu đồng theo Nghị định 41, mức phạt tương đương như đối với hành vi vi phạm quy định về hồ sơ dự thi chứng chỉ kế toán viên.
Cũng hành vi này, Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định mức phạt tiền tối đa là 40 triệu đồng (làm giả giấy chứng nhận đảm bảo điều kiện về an ninh trật tự), Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định mức phạt tối đa là 7 triệu đồng (tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ, văn bản trong hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề luật sư, công chứng, đấu giá)…
Bên cạnh đó, nhiều vi phạm nhỏ cũng sẽ bị xử lý rất khắt khe, ví dụ hành vi nộp trả lại giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán/giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán chậm dưới 15 ngày so với thời hạn quy định chỉ bị phạt cảnh cáo thì nay dự thảo đưa ra mức phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với cá nhân và từ 20-40 triệu đồng đối với tổ chức; hành vi vi phạm quy định về mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho kiểm toán viên hành nghề hoặc trích lập quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp không đúng quy định của Bộ Tài chính hiện nay là từ 5-10 triệu đồng nay dự kiến tăng lên 20-40 triệu đồng (gấp 4 lần).
Thời gian qua, khi điều tra, xử lý một số vụ án lớn xảy ra tại SCB, Vạn Thịnh Phát, FLC cho thấy có trách nhiệm của một số cơ quan, đơn vị, trong đó có công ty kiểm toán, kiểm toán viên với các báo cáo kiểm toán thiếu trung thực. Đại biểu đồng tình cần tăng mức xử phạt và tăng thời hiệu xử phạt để đảm bảo tính răn đe đối với doanh nghiệp kiểm toán, kiểm toán viên vi phạm. Tuy nhiên, việc tăng như thế nào cần phải cân nhắc để đảm bảo phù hợp với tính chất, mức độ và hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm.
"Nếu quy định như dự thảo thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới việc phát triển ngành kiểm toán độc lập Việt Nam, một ngành đang cần số nhân sự gấp 3-4 lần con số hiện nay so với quy mô của thị trường," đại biểu Thái Thị An Chung nhấn mạnh và cho rằng, chỉ nên tăng mức xử phạt tối đa gấp 2 lần so với hiện nay và thời hiệu xử phạt là 2 năm.
Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Hà Nội) đề nghị xem xét bổ sung đối tượng, đối tượng thực hiện kiểm toán độc lập, đó là kiểm toán báo cáo tài chính năm như đối với các đơn vị sự nghiệp công lập loại I, loại II để kịp thời giúp các đơn vị này cung cấp thông tin tài chính cho các cơ quan, các bên liên quan trung thực, hợp lý, tránh các sai sót, nhầm lẫn.
Ngoài ra, việc kiểm toán độc lập thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính hằng năm sẽ đảm bảo tính thường xuyên, kịp thời tư vấn, hỗ trợ các đơn vị hoàn thiện quy trình, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Bà cũng đề nghị xem xét không nên quy định trong luật các trường hợp kiểm toán viên hành nghề không được thực hiện kiểm toán các quy định để đảm bảo đến tính độc lập, đạo đức nghề nghiệp, luân chuyển kiểm toán viên; nên quy định tại các văn bản dưới luật để linh hoạt./.
Việc mở rộng đối tượng cần kiểm toán bắt buộc theo hướng bổ sung khoản 5 Điều 37 là doanh nghiệp, tổ chức có quy mô lớn là cần thiết, nhưng cần xác định rõ phạm vi các đối tượng kiểm toán bắt buộc.
Nguồn bài viết : Bảng đặc biệt năm 2025