Mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam từng nhiều lần được lãnh đạo cấp cao hai nước khẳng định là mối quan hệ trong sáng, thủy chung và “có một không hai trên thế giới."
Mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào được xây dựng và phát triển trên cơ sở vì lợi ích của nhân dân hai nước. Hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam-Lào luôn kiên định gìn giữ, vun đắp và phát triển quan hệ Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam ngày càng đi vào chiều sâu, mãi vững bền và mang lại lợi ích thực tế nhiều hơn cho nhân dân hai nước; đồng thời tăng cường giáo dục để thế hệ trẻ hai nước hiểu đúng bản chất của mối quan hệ đặc biệt này, để họ tiếp tục kế thừa và phát triển.
Trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới đang có những thay đổi nhanh chóng, phức tạp và khó lường, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith cùng Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Đảng-Nhà nước Lào cũng vừa kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam từ ngày 10-13/9 theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân.
Phóng viên TTXVN tại Lào đã có cuộc trao đổi nhanh với Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào Thongsavanh Phomvihane về kết quả cũng như ý nghĩa và tầm quan trọng của chuyến thăm.
Khi được hỏi kết quả chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith có ý nghĩa và tầm quan trọng như thế nào đối với mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào khẳng định kết quả của chuyến thăm là lời cam kết hai nước sẽ tiếp tục dành ưu tiên cho nhau, tiếp tục “kề vai sát cánh” bên nhau và luôn ủng hộ nhau trong sự nghiệp đổi mới, bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay cũng như trong tương lai.
Ông Thongsavanh Phomvihane cho rằng hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Lào-Việt Nam cần phải cùng nhau bảo vệ và vun đắp, xây dựng mối quan hệ hữu nghị vĩ đại và đoàn kết đặc biệt Lào-Việt Nam ngày càng phát triển, bước vào giai đoạn mới, tiến sâu và phù hợp với thực tế, đem lại hiệu quả trong tất cả các lĩnh vực.
Ông Thongsavanh Phomvihane nhấn mạnh trên cơ sở phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, tự cường, hợp tác bình đẳng và hài hòa lợi ích, phù hợp với đặc điểm của mối quan hệ Lào-Việt Nam theo thông lệ quốc tế, hai nước luôn ưu tiên, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho nhau, hợp tác phát triển thịnh vượng, góp phần xây dựng hòa bình và hợp tác cùng phát triển ở Đông Nam Á cũng như trên thế giới.
Theo Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, mối quan hệ về chính trị giữa hai nước Lào-Việt Nam giúp định hướng đường lối tổng thể hợp tác giữa hai nước; Lào và Việt Nam luôn quan tâm hợp tác chặt chẽ trong các vấn đề chiến lược, đường lối và chính sách liên quan đến ổn định và phát triển của mỗi quốc gia; hai nước luôn duy trì các chuyến thăm và tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước bằng nhiều hình thức.
Về kinh tế, hai bên nhất trí nỗ lực thúc đẩy và tạo bước đột phá trong tiến trình nâng cấp hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ cho tương xứng với quan hệ chính trị, trên cơ sở duy trì khả năng và thế mạnh của mỗi nước.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, ông Thongsavanh Phomvihane đề nghị trong thời gian tới, hai bên cần cùng nhau thúc đẩy công tác tổ chức triển khai các thỏa thuận và biên bản hợp tác giữa hai Chính phủ, giữa các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp hai nước; tiếp tục đàm phán, hoàn thiện để ký kết các biên bản, thỏa thuận hợp tác mới, phù hợp với tình hình thực tế và xây dựng hệ thống pháp luật thuận tiện cho việc hợp tác giữa hai nước.
Lào-Việt Nam cần có các biện pháp cụ thể để tăng cường kết nối và hỗ trợ giữa hai nền kinh tế Lào-Việt Nam, giữa ba nền kinh tế Lào-Việt Nam-Campuchia, đặc biệt là kết nối pháp lý, tài chính, hạ tầng giao thông, năng lượng điện, viễn thông, du lịch, thúc đẩy vận động các đối tác quốc tế phù hợp tham gia hợp tác và hỗ trợ các dự án kết nối chiến lược giữa hai nước.
Lào-Việt Nam cần tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hợp tác đầu tư, tập trung triển khai các dự án quan trọng đảm bảo tiến độ và chất lượng; tăng cường trao đổi, phối hợp trong quản lý kinh tế vĩ mô giữa hai nước; có chính sách ưu tiên thúc đẩy các doanh nghiệp hai nước đầu tư vào những lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh, đặc biệt là ngành năng lượng (năng lượng sạch, năng lượng thay thế), chuyển đổi số, công nghệ, nông nghiệp, khoáng sản, du lịch và thúc đẩy thực hiện mô hình Khu kinh tế cửa khẩu biên giới dọc Hành lang kinh tế Đông-Tây.
Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào nhấn mạnh hai nước Lào-Việt Nam phải nỗ lực thực hiện mọi biện pháp để duy trì tốc độ tăng trưởng thương mại song phương từ 10-15%/năm; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, kênh phân phối hàng hóa Việt Nam và Lào; thúc đẩy sử dụng đồng nội tệ giữa hai nước trong các hoạt động kinh doanh thương mại và đầu tư.
Việt Nam tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Lào xuất-nhập khẩu hàng hóa qua các cảng biển của Việt Nam./.
Trong chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam từ ngày 10-13/9 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith, hai bên đã ra "Tuyên bố chung Việt Nam-Lào."
Nguồn bài viết : GAME NHANH