Người giữ gìn chiếc cổng Maroc "độc nhất vô nhị"

2025-01-17 20:15:22
Bước phát triển mới trong quan hệ hữu nghị, hợp tác và giao lưu nhân dân Việt Nam – Ma-rốc
60 năm quan hệ Việt Nam - Ma-rốc: Cùng xây dựng những "công trình" kiến tạo có ý nghĩa

Hiện cổng Maroc nằm trên khu đất của gia đình ông Trần Văn Thành (xã Tản Lĩnh). Trao đổi với Tạp chí Thời Đại, ông Thành cho biết, thuở ông mười tám đôi mươi đã có cổng Maroc. Đây là chiếc cổng được những hàng binh Âu - Phi, chủ yếu là người Maroc, xây dựng vào năm 1963 theo sáng kiến của anh Mã (Nguyễn Chiến Mã) - cái tên tiếng Việt được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt cho ông M’hamed Ben Aomar Lahrach - người được Đảng Cộng sản Maroc cử sang hỗ trợ Việt Nam kêu gọi những người lính Âu - Phi rời bỏ quân đội Pháp để chiến đấu cùng quân dân Việt Nam.

Dưới sự vận động của anh Mã, hàng trăm hàng binh, tù binh từ các nước châu Phi, châu Âu đã gia nhập lực lượng Việt Minh. Họ được đối xử một cách nhân đạo bởi Đảng và Quân đội Việt Nam.

60 năm qua, cổng Maroc vẫn giữ được nguyên vẹn kiến trúc ban đầu. Ảnh: Thành Luân

Sau năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo thành lập Nông trường Việt - Phi tại Ba Vì (Hà Nội), tiếp nhận hơn 300 hàng binh thuộc hơn 20 quốc gia, dân tộc khác nhau cùng hơn 100 công nhân và cán bộ người Việt Nam, trong đó có cả một số cán bộ miền Nam ra Bắc tập kết và một số người quốc tịch Việt Nam quay về từ Thái Lan - Tân Đảo. Những người này khai hoang, chăn nuôi bò sữa, trồng lúa, trồng sắn, trồng mía, cung cấp cho các nhà máy đường Vạn Điểm, Tam Hiệp... Trong số các hàng binh, nhiều người đã lấy vợ Việt Nam, sinh con đẻ cái, lao động sản xuất ở vùng đất Ba Vì.

Năm 1963, theo sáng kiến của anh Mã, các hàng binh quyết định xây dựng một số công trình, trong đó có cổng Maroc để nhớ về quê hương. Cổng cao tám thước, có bốn trụ tròn vững chãi, đỡ ba vòm lớn trang trí bằng họa tiết của những thành luỹ Arab cổ xưa.

"Ngày ấy, sau cổng Maroc có hội trường rất lớn cùng hai dãy nhà tập thể, mỗi bên có khoảng 20 gia đình sinh sống. Chiều chiều, chúng tôi mang ghế ra sân ngồi hoặc căng võng ở cổng Maroc hóng mát, phong lan treo đầy quanh cổng", ông Thành nhớ lại.

Thời gian trôi qua, những người hàng binh cùng vợ con họ đã hồi hương theo nguyện vọng từ lâu, nông trường xưa không còn, nhà ở cũ, hội trường bị phá dỡ, may mắn chiếc cổng Maroc vẫn được giữ nguyên kiến trúc của nó... Cuối năm 1992, gia đình ông Thành được chia đất, chiếc cổng Maroc nằm trên phần đất được chia này. Dù cần xây nhà xây cửa, làm vườn, nhiều người khuyên ông Thành đập bỏ cổng đi cho gọn vườn, nhưng ông vẫn kiên quyết giữ gìn nguyên vẹn chiếc cổng Maroc bởi ông nghĩ rằng đó là minh chứng sâu sắc về tình cảm của những hàng binh Âu - Phi, trong đó đa số là người Maroc, với Nông trường Việt - Phi, với đất nước, con người Việt Nam và là biểu tượng cho tính nhân văn của dân tộc Việt Nam, cho tình đoàn kết hữu nghị giữa Việt Nam và Maroc.

Ông Trần Văn Thành chụp ảnh cùng cháu gái, phía sau là chiếc cổng Maroc. Ảnh: Thành Luân

Mấy chục năm nay, ông Thành không nhớ đã đón tiếp bao nhiêu đoàn khách về thăm cổng Maroc, khi là đoàn khách nước ngoài, khi là những người từng sinh sống ở Nông trường Việt - Phi hay con cháu họ về thăm lại chốn cũ, khi là đoàn chuyên gia nghiên cứu, cũng có khi là khách thăm quan thông thường... Ông Thành bảo ông không thấy phiền phức chút nào dù nhiều hôm đang dở công dở việc cũng phải bỏ đấy về mở cửa đón khách. Nhiều người Maroc, Algieri... ghé thăm cổng, biếu ông Thành chút tiền để cảm ơn ông đã giữ gìn chiếc cổng thế nhưng lần nào ông Thành cũng kiên quyết từ chối.

"Tiền và lời cảm ơn là hai thứ khác nhau. Giả sử họ cho tôi chiếc kẹo thì tôi nhận nhưng tiền thì không", ông Thành chia sẻ.

Ông nhớ tháng 11/2008, Thủ tướng Maroc Abaddi Nejaned trong chuyến thăm Việt Nam đã đến thăm cổng Maroc. Đến năm 2009, Đại sứ quán Maroc tại Hà Nội tài trợ để tu sửa cổng và cho dựng một tấm bia ở bên cạnh ghi lại lịch sử của di sản này với lời kết: "Cánh cổng này đã nhiều năm chống chọi lại với sự tàn phá của thời gian, là di sản chung, biểu tượng cho tình đoàn kết giữa con người với con người". Tháng 5/2018, cổng Maroc tiếp tục được tu sửa lần hai và được Đại sứ quán Maroc tài trợ kinh phí. Trong lần tu bổ này, công trình được gắn thêm dòng chữ “Cổng Maroc” bằng tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Arab trên vòm cổng.

Cách đây vài năm, gia đình ông Thành được vận động nhường 700m2 đất để làm sân và nhà đón tiếp khách cho khang trang và ông đồng ý ngay. Đất ông đã nhường 5 năm, nhưng vì nhiều lý do, nhà và sân vẫn chưa được xây dựng. Trong khi chờ đợi, gia đình ông Thành trồng rau, cây thuốc trên khu đất trống quanh cổng Maroc. Ông chia sẻ, mong muốn lớn nhất của ông bây giờ là khách thập phương về tham quan cổng Maroc có chỗ nghỉ ngơi, đón tiếp sạch sẽ.

Gần hai năm qua, Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông (IAMES) đã thực hiện công trình nghiên cứu với chủ đề "Giá trị văn hóa Việt Nam và tư tưởng Hồ Chí Minh qua nghiên cứu trường hợp Cổng Maroc tại huyện Ba Vì". Tiếp nối nghiên cứu này, tháng 5 vừa qua, IAMES cùng UBND huyện Ba Vì đã phối hợp tổ chức sinh hoạt chuyên đề "Tư tưởng nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với hàng binh, tù binh Âu-Phi". Tại buổi sinh hoạt, các chuyên gia đều khẳng định cổng Maroc là một dấu tích lịch sử về giá trị văn hóa Việt Nam, tư tưởng nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quan hệ quốc tế nói chung và trong đối xử với hàng binh, tù binh nói riêng.

PGS.TS Lê Phước Minh, Viện trưởng IAMES chia sẻ, người Maroc hiện nay đang sống, lập nghiệp và thành công ở nhiều nơi trên thế giới, có nhiều tỷ phú nổi tiếng ở Canada và Mỹ, đặc biệt là Canada, nhưng chưa có cộng đồng người Maroc ở quốc gia nào làm được cổng làng như cổng Maroc ở Ba Vì, Việt Nam. Có thể nói cổng Maroc ở Ba Vì là cổng Maroc duy nhất ở ngoại quốc.

Năm 2021 Quốc hội Maroc đã cho phép xây dựng cổng làng theo phong cách truyền thống của Việt Nam ở ngoại ô Kesnitra của Maroc để các gia đình Việt Nam-Maroc tại làng Việt Nam bảo tồn giá trị lịch sử của ngôi làng. Cùng với cổng làng Việt Nam tại Kesnitra, cổng Maroc ở Ba Vì do các hàng binh Maroc xây dựng trước đây đã trở thành những biểu tượng của mối quan hệ khăng khít giữa Việt Nam và Maroc.

Các chuyên gia cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, thu thập thông tin về cổng Maroc, hình thành hồ sơ để trình lên cơ quan chức năng đề nghị công nhận cổng Maroc là di tích quốc gia, thậm chí mang tầm thế giới.

Khám phá những điều đặc biệt về đất nước Ma-rốc - xứ sở nghìn lẻ một đêm
Ký ức lịch sử Việt Nam - Maroc: Sợi dây gắn kết hai dân tộc

Nguồn bài viết : Sự that về cờ bạc online

Top