Chiều 14/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư công, các ý kiến tại phiên họp cơ bản nhất trí với sự cần thiết, mục tiêu, quan điểm sửa đổi Luật nhằm tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện.
Báo cáo một số vấn đề lớn trong dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết Dự thảo sau khi tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội gồm 103 điều, giảm 6 điều so với dự thảo Chính phủ trình Quốc hội.
Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách đã thảo luận và thống nhất giải trình, tiếp thu theo hướng thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, báo cáo Quốc hội đồng thuận với phương án Chính phủ trình.
Các quy định được giữ như Chính phủ trình là nâng quy mô vốn đầu tư công đối với dự án quan trọng quốc gia lên 30.000 tỷ đồng (gấp 3 lần); phân cấp cho Ủy ban Nhân dân các cấp quyết định chủ trương đầu tư nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý.
Về phân cấp thẩm quyền điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn, ông Lê Quang Mạnh cho biết một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc quy định phân cấp thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho Thủ tướng Chính phủ.
Theo Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách, dự thảo luật đề xuất sửa đổi về nội dung thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giữa các bộ, cơ quan trung ương (thay vì thẩm quyền này là của Ủy ban Thường vụ Quốc hội như quy định của Luật Luật Đầu tư công hiện hành).
Với tinh thần đổi mới, nhằm tăng cường tính linh hoạt trong công tác điều hành, tổ chức thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, quy định này cũng phù hợp với việc quy định danh mục dự án kế hoạch đầu tư công trung hạn chỉ là “danh mục dự án dự kiến” tại khoản 6 Điều 52 của dự thảo Luật chỉnh lý.
Việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn sẽ được thực hiện thường xuyên hơn để phù hợp với tình hình thực tiễn. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh này “không vượt tổng mức vốn trung hạn đã được Quốc hội quyết định, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn và báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp gần nhất” nên cũng sẽ bảo đảm tính chặt chẽ, gắn với chức năng, thẩm quyền của cơ quan tổ chức thực hiện và thẩm quyền giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Về thời gian thông qua Luật, Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8.
Thảo luận, các ý kiến tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều tán thành với đề xuất của Chính phủ, lưu ý rà soát thêm để đảm bảo thống nhất với hệ thống pháp luật và không để vướng mắc khi thực hiện.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cơ bản thống nhất với các nội dung lớn giải trình, tiếp thu dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi). Theo Chủ tịch Quốc hội, tinh thần là tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy đất nước phát triển, nhưng các quy định phải trên cơ sở quy định của Hiến pháp và pháp luật, không có chồng chéo, không có trùng lắp.
Góp ý về phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư nhóm B, nhóm C từ Hội đồng Nhân dân các cấp giao cho Ủy ban Nhân dân các cấp, Chủ tịch Quốc hội lưu ý về việc triển khai, để cải cách, đổi mới nhưng cũng phải có những giải pháp trong quản lý, điều hành. Quốc hội sẽ giám sát bằng giám sát tối cao của Quốc hội, giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đúng theo quy định của Hiến pháp.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ Ủy ban ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với phạm vi sửa đổi luật, cơ bản thống nhất với những vấn đề lớn được cơ quan thẩm tra báo cáo.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện Dự thảo, trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Việc sửa đổi Luật Điện lực nhằm hoàn thiện các quy định, để tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đáp ứng yêu cầu xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đa dạng hóa hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh; xóa bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định.
Việc sửa đổi Luật Điện lực nhằm kết nối với thị trường khu vực và thế giới; áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng; không thực hiện bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng, miền; Nhà nước điều tiết hợp lý thông qua các công cụ thị trường (thuế, phí, các quỹ…) và chính sách an sinh xã hội phù hợp; luật hóa việc điều hành giá điện; sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; khuyến khích và thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, triển khai tích trữ điện năng; có cơ chế đấu thầu, đấu giá cung cấp năng lượng phù hợp, đặc biệt là dự án năng lượng tái tạo, năng lượng mới.
Báo cáo về một số vấn đề lớn trong việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết ngày 14/11/2024, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã có Báo cáo số 3026/BC-UBKHCNMT15 về một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi).
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã chủ động, tích cực phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo ý kiến đại biểu Quốc hội.
Đến nay, dự thảo Luật đã được rà soát, lược bỏ cơ bản các quy định cụ thể, chi tiết thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các quy định về thủ tục hành chính, chỉ giữ lại các quy định thuộc thẩm quyền của Quốc hội và luật hóa một số nội dung cần thiết; đã được rút ngắn từ 130 điều xuống còn 88 điều (chỉ bổ sung 18 điều so với Luật Điện lực hiện hành).
Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự nỗ lực của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan trong việc giải trình, tiếp thu dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) và cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương tập trung hơn nữa cho công tác phối hợp để chỉ đạo sát sao hơn và đảm bảo chất lượng của dự án Luật này.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng đề nghị các cơ quan tiếp tục rà soát để tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội; hoàn thiện Báo cáo tiếp thu, giải trình về dự thảo luật đảm bảo chất lượng; lưu ý rà soát để đảm bảo thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật và các luật đã có cũng như các luật sẽ sửa có liên quan.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị đảm bảo việc thực hiện chủ trương đổi mới của Đảng, Nhà nước, Quốc hội trong công tác xây dựng Luật; thực hiện nghiêm các quy định của Nghị quyết 27 và Nghị quyết 118.
Đối với các nội dung Cơ quan chủ trì thẩm tra, xin ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với ý kiến của đa số Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường là trình Quốc hội thông qua dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 8.
Cũng trong chương trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao và xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết về việc cử thành viên Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia./.
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng Mười đạt 47,19% tổng kế hoạch, tương đương 380.530 tỷ đồng, bằng 52,29% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và đều thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023.
Nguồn bài viết : Thuật toán cờ bạc online