2025-01-17 20:17:23

Tiếp tục chương trình làm việc tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, sáng 6/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà khẳng định Việt Nam hoàn toàn có cơ hội tham gia sâu vào ngành công nghiệp bán dẫn của thế giới.

Nghiên cứu sâu để có thể làm chủ trong dài hạn

Liên quan đến câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) về cơ hội để Việt Nam tham gia vào ngành công nghiệp bán dẫn, Phó Thủ tướng khẳng định Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đang quyết liệt triển khai nhiều giải pháp.

Từ việc xác định Việt Nam là nước có nhiều lợi thế như kinh tế số phát triển nhanh; người Việt Nam có thế mạnh nổi trội về toán học và khéo léo; công tác giảng dạy trong trường đại học quan tâm toàn diện liên quan đến công nghiệp bán dẫn như công nghệ thông tin, vật liệu, vật lý...

Vì vậy, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội tham gia sâu vào ngành công nghiệp bán dẫn của thế giới.

Chính phủ đã ban hành Đề án "Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin giai đoạn 2021-2025."

"Nhiều doanh nghiệp lớn của thế giới về công nghệ thông tin, kinh tế số đã có mặt tại Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng phát triển rất mạnh về kinh tế số," Phó Thủ tướng cho biết.

Để có cơ hội tham gia sâu vào chuỗi giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn, theo Phó Thủ tướng, về lâu dài cần quan tâm đào tạo ngay, đào tạo lại những kỹ sư đã có kiến thức nền tảng để có thể tiếp cận, tham gia ngay vào thiết kế, đóng gói, kiểm chuẩn trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Bên cạnh đào tạo nguồn nhân lực, chúng ta có lợi thế là lực lượng lao động ở nước ngoài rất đông, người Việt Nam ở nước ngoài đã tham gia và có năng lực tham gia vào lĩnh vực này.

Đồng thời, bằng cơ chế chính sách phù hợp có thể huy động sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài đang làm việc trong ngành bán dẫn.

Chính phủ cũng có chủ trương để hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là lựa chọn trường đại học để xây dựng trung tâm công nghệ chíp bán dẫn, thông qua đầu tư những phòng thí nghiệm lớn, hiện đại từ thiết kế, sản xuất, kiểm chuẩn...

Phó Thủ tướng lưu ý các thiết bị chế tạo, thiết kế chíp bán dẫn đều do một số nước giữ độc quyền nên chúng ta không chỉ cần nghiên cứu khoa học cơ bản, mà còn nghiên cứu sâu để có thể làm chủ trong dài hạn.

"Cần thu hút các doanh nghiệp điện tử sản xuất mặt hàng sử dụng chip bán dẫn, hướng tới xây dựng ngành công nghiệp điện tử ứng dụng công nghệ cao, đào tạo bài bản hơn các lĩnh vực khoa học cơ bản khác," Phó Thủ tướng nói.

Tranh luận về vấn đề này, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cho rằng Phó Thủ tướng đã đề cập rõ tiềm năng, lợi thế của Việt Nam, trong đó có sự chuẩn bị tốt về nguồn nhân lực.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam Tạ Văn Hạ chất vấn. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Tuy nhiên, đại biểu mong muốn Phó Thủ tướng làm rõ hơn về việc tận dụng sớm nhất, nhanh nhất những lợi thế, tiềm năng của Việt Nam cũng như đưa ra chính sách để thu hút các nhà đầu tư; cơ chế khuyến khích, khơi dậy nguồn lực tiềm năng nội tại của đất nước.

Phó Thủ tướng cho biết thực tế, chúng ta đã tính đến công tác 'đào tạo ngay và đào tạo lại' dựa trên nguồn nhân lực hiện có. Các trường đại học cũng đã và đang đào tạo nguồn nhân lực, sẵn sàng tham gia ngành công nghiệp bán dẫn.

"Tuy nhiên, khi tham gia đầy đủ chuỗi giá trị, nắm bắt đầy đủ các khâu, đây là cả một vấn đề. Hiện ta có lợi thế là, các nước đang làm chủ thiết bị, công nghệ liên quan đến sản xuất, có thể ưu tiên chuyển giao một phần. Nhưng để nắm bắt công nghệ, sản xuất và chế tạo, cần có nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu chuyên sâu," Phó Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sẽ đầu tư một số trung tâm khoa học công nghệ (để các trường nghiên cứu và dùng chung); một số trung tâm đổi mới sáng tạo (để có thể phát triển khâu nghiên cứu cơ bản ban đầu và làm chủ các bước sau).

"Những đầu tư này rất lớn, nhất là đầu tư sản xuất thử, có thể lên tới 7 tỷ USD. Do đó, cần có nhà nước và khối doanh nghiệp cùng tham gia," Phó Thủ tướng thẳng thắn nói.

Bảo đảm điện cho sản xuất

Trả lời chất vấn của đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) về kiểm soát lạm phát trong bối cảnh hiện nay, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết trong bối cảnh hiện nay, lạm phát liên quan nhiều đến các mặt hàng thiết yếu.

Việt Nam là nền kinh tế mở, nhập khẩu nhiều vật tư, nguyên vật liệu nên phụ thuộc vào thị trường thế giới. Do đó, việc thực hiện các gói kích cầu, tăng lương có thể dẫn đến biến động, ảnh hưởng về kinh tế vĩ mô.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định Mai Thị Phương Hoa chất vấn. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Trong thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành triển khai giải pháp đồng bộ, thông suốt trong bảo đảm cung ứng, lưu thông, phân phối, nhất là các mặt hàng nhà nước quản lý, kiểm soát về giá, để điều chỉnh theo lộ trình phù hợp.

Nhấn mạnh chính sách tài khóa quan hệ chặt chẽ với chính sách tiền tệ, Phó Thủ tướng nêu rõ vừa qua, các giải pháp của Chính phủ xử lý biến động giá vàng đã ổn định giá trị của đồng tiền.

Cùng với đó, Chính phủ đã thúc đẩy các chính sách kích cầu tiêu dùng, du lịch, mua sắm, tăng đầu tư khu vực công, cơ sở hạ tầng thiết yếu để bảo đảm cho sản xuất, kinh tế phát triển.

Việc điều chỉnh nhịp nhàng giữa tăng trưởng kinh tế và phòng, chống lạm phát, kết hợp chính sách tiền tệ và tài khóa thì có thể điều chỉnh giá cả.

Liên quan đến giải pháp để bảo đảm điện cho sản xuất đại biểu Trần Nhật Minh (Nghệ An) nêu, Phó Thủ tướng cho biết trong năm 2023 đã có giai đoạn thiếu điện cục bộ ở một số địa phương làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An Trần Nhật Minh đặt câu hỏi chất vấn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, toàn diện để triển khai các công trình, dự án nguồn điện; tháo gỡ các dự án đang vướng mắc về đầu tư; xây dựng đường dây 500kV mạch 3 với thời gian thần tốc.

"Đồng thời chúng ta có giải pháp đa dạng hóa các nguồn điện, bảo đảm cạnh tranh thông qua xây dựng nghị định mua bán điện trực tiếp đối với năng lượng tái tạo, nghị định khuyến khích người dân, doanh nghiệp lắp đặt điện mái nhà tự sản tự tiêu...," Phó Thủ tướng nói.

"Giảm cơ quan trung gian"

Liên quan đến chất vấn về cải cách thủ tục hành chính mà đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Bình), Phó Thủ tướng cho biết trong nhiệm kỳ này, ưu tiên lớn nhất của Chính phủ là kiện toàn các cơ quan quản lý, giảm hầu hết các tổng cục để giảm cơ quan trung gian; từ đó cắt giảm thủ tục hành chính, hướng tới tích hợp nhiều thủ tục hành chính trong một bộ thủ tục.

Chính phủ đã đặt mục tiêu cung cấp tất cả dịch vụ công trực tuyến ở cấp độ 4, xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia.

Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, kết hợp với cung cấp các dịch vụ công trực tiếp; cải cách tổ chức bộ máy con người. "Đây là hai vấn đề lớn nhất hiện nay," Phó Thủ tướng nói.

Đánh giá cao câu hỏi của đại biểu Phan Đức Hiếu (Thái Bình), Phó Thủ tướng cho biết, để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, hiện nay đã có nhiều giải pháp được đề ra.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Phan Đức Hiếu chất vấn. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Cụ thể, liên quan đến vấn đề thể chế, Chính phủ sẽ sớm đưa các văn bản pháp lý liên quan vào thể chế. Còn việc tổ chức thực hiện thể chế liên quan đến trách nhiệm cụ thể khi gắn với các chủ thể trong quản lý.

"Liên quan đến biện pháp chống đùn đẩy, tức là, các văn bản pháp luật phải rõ ràng, cụ thể trách nhiệm," Phó Thủ tướng nêu.

Với thủ tục hành chính được quy định rõ ràng, Phó Thủ tướng cho rằng các vướng mắc hiện nay của người dân và doanh nghiệp sẽ được giải quyết, đặc biệt nhiều trình tự, thủ tục mà Chính phủ đang xem xét cắt giảm.

Cùng với đó là tăng cường phân cấp cho các chính quyền địa phương để trực tiếp tổ chức thực hiện; làm rõ vai trò giám sát của Trung ương và địa phương trong công tác này./.

Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia thị trường bán dẫn toàn cầu

VINASA đã thành lập Ủy ban phát triển công nghiệp bán dẫn với định hướng tập hợp các chuyên gia, doanh nghiệp, đối tác cùng thúc đẩy ngành công nghiệp này thông qua đào tạo, ưu tiên đầu tư.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn bài viết : Felix E-gaming Club

Top