Thứ ba, ngày 28/5/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ tám của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi); sau đó, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi).
Tại phiên thảo luận đã có 39 lượt ý kiến đại biểu phát biểu, trong đó có 9 lượt ý kiến đại biểu tranh luận. Các ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) và Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung: đổi mới Tòa án Nhân dân cấp tỉnh, Tòa án Nhân dân cấp huyện theo thẩm quyền xét xử; việc thành lập Tòa án Nhân dân sơ thẩm chuyên biệt; Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; việc thu thập tài liệu, chứng cứ trong giải quyết vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án; bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định của Tòa án; giải quyết, xét xử vi phạm hành chính; phát hiện, kiến nghị về tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản quy phạm pháp luật trong xét xử; lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ; xây dựng pháp luật; nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Thẩm phán Tòa án nhân dân; Thẩm tra viên Tòa án; Thư ký Tòa án; Hội thẩm nhân dân; bảo vệ tòa án; tham dự và hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp...
Kết thúc thảo luận, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Buổi chiều, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); sau đó, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Tại phiên thảo luận đã có 24 lượt ý kiến đại biểu phát biểu, 1 ý kiến đại biểu tranh luận. Các ý kiến cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung: phạm vi điều chỉnh và bố cục của dự thảo Luật; vị trí, vai trò của Thủ đô; áp dụng Luật Thủ đô; trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô; mô hình tổ chức chính quyền tại thành phố Hà Nội; cơ cấu tổ chức của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội, Hội đồng Nhân dân quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố; thu hút, trọng dụng người có tài năng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô (quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô; biện pháp bảo đảm thực hiện quy hoạch; quản lý, sử dụng không gian ngầm; cải tạo, chỉnh trang đô thị; phát triển văn hóa, thể thao, du lịch; phát triển giáo dục và đào tạo; phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; phát triển các khu công nghệ cao; thử nghiệm có kiểm soát; bảo vệ môi trường; phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng; biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội); các nội dung phân quyền cho thành phố Hà Nội liên quan đến tổ chức bộ máy, biên chế; tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực phát triển Thủ đô; liên kết, phát triển vùng; điều khoản thi hành...
Kết thúc thảo luận, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Thứ tư, ngày 29/5/2024: Quốc hội dành cả ngày thảo luận ở hội trường về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; Kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023./.
Nhiều đại biểu đánh giá Luật Thủ đô (sửa đổi) có nhiều chính sách đặc thù, vượt trội và kỳ vọng luật sẽ tạo điều kiện, cơ chế phát triển, đặc biệt là vấn đề đầu tư “nguồn lực tinh hoa” cho Thủ đô.
Nguồn bài viết : Tin bóng đá mới nhất