Bộ Giao thông Vận tải vừa có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ dừng 2 dự án BOT Chợ Mới-Bắc Kạn và Quốc lộ 3 mới Hà Nội-Thái Nguyên nâng cấp từ Quốc lộ lên đường cao tốc.
Lý do được Bộ Giao thông Vận tải đưa ra, đoạn đường cao tốc từ Chợ Mới -Bắc Kạn đầu tư theo hình thức BOT không thể khả thi về phương án tài chính (nguồn thu phí không đủ chi phí trả lãi vay, vận hành và bảo trì).
[Ba phương án xử lý ‘lùm xùm’ dự án BOT Thái Nguyên-Chợ Mới]
“Việc ghép đoạn Chợ Mới-Bắc Kạn vào dự án đầu tư xây dựng hoàn thiện Quốc lộ 3 mới, đoạn Hà Nội -Thái Nguyên dẫn đến không đảm bảo công bằng cho người sử dụng (đầu tư một nơi và thu phí một nơi),” lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đánh giá.
Được biết, dự án đầu tư tuyến đường Thái Nguyên-Chợ Mới (Bắc Kạn) và nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 3 dài 65km, trong đó, đoạn Thái Nguyên-Bắc Kạn được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc, dài 40km, bề rộng nền đường 12m. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng đầu tư theo hình thức BOT
Dự án được khởi công từ tháng 9/2014, thông xe từ tháng 3/2017 và được Bộ Giao thông Vận tải nghiệm thu đưa vào khai thác sử dụng từ tháng 5/2017.
Đối với dự án đầu tư xây dựng hoàn thiện Quốc lộ 3 mới, đoạn Hà Nội-Thái Nguyên, theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, đây là dự án được đầu tư từ nguồn vốn ODA đã đưa vào khai thác, việc hoàn thiện theo tiêu chuẩn cao tốc và tiến hành thu phí đối với tuyến đường hiện hữu được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách là chưa phù hợp.
Hơn nữa, trong dự thảo Báo cáo tổng kết Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban cán sự Đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị chỉ mới đề nghị Bộ Chính trị xem xét chấp thuận chủ trương cho thu phí một số tuyến đường đầu tư từ nguồn vốn ODA.
[Xin cho phép thu phí Quốc lộ 3 mới để trả nợ nhà thầu xây lắp]
Bộ Giao thông Vận tải đề nghị xem xét ưu tiên bố trí từ nguồn dự phòng vốn ngân sách Nhà nước trung hạn giai đoạn 2016-2020 để trả nợ đọng xây dựng cơ bản của dự án xây dựng Quốc lộ 3 mới đoạn Hà Nội -Thái Nguyên đã thực hiện xong.
Dự án xây dựng Quốc lộ 3 mới, đoạn Hà Nội-Thái Nguyên được đầu tư bằng nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, đã thông xe vào ngày 18/01/2014.
Tuyến đường này có tổng chiều dài 63,8km; tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng, trong đó 6.600 tỷ từ nguồn vay JICA, còn lại là vốn đối ứng trong nước. Hiện, tuyến đường có tốc độ khai thác từ 80km/giờ lên 100km/giờ./.
Nguồn bài viết : CR Thể Thao