Làm gì để khai thác hiệu quả thị trường ASEAN? | Báo ảnh Dân tộc và Miền núi

2025-01-20 18:40:49
Đây là nhận định chung của các chuyên gia tại “Hội thảo Thị trường ASEAN: Lối đi nào cho doanh nghiệp Việt?” do Thời báo Kinh tế Sài Gòn phối hợp với Câu lạc bộ Doanh nhân 2030 tổ chức ngày 10/10.
 
Mới chỉ là “tiềm năng”
Với không gian thị trường lên tới 660 triệu dân, giá trị GDP đạt gần 2.600 tỷ USD, AEC đang là khu vực kinh tế lớn thứ 6 toàn cầu và được dự kiến sẽ vươn lên đứng thứ 4 vào năm 2030. Vì vậy, AEC được kỳ vọng sẽ mở ra rất nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa.

Tuy nhiên, sau gần 3 năm thành lập, hàng hóa của các nước trong khu vực đã tràn Việt Nam với khối lượng khá lớn, đặc biệt là hàng Thái Lan. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt chưa tạo được bước đột phá nào trong việc xuất khẩu hàng hóa sang các quốc gia thành viên khác.
 
Minh chứng cho vấn đề này, ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương Thành phố  Hồ Chí Minh cho biết, không có sự đột biến trong việc tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Thành phố  Hồ Chí Minh (đầu mối xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam) vào thị trường ASEAN trước và sau khi hình thành cộng đồng AEC, thậm chí con số tăng trưởng xuất khẩu đang có xu hướng giảm dần.

Cụ thể năm 2016, một năm sau khi thành lập AEC, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Thành phố Hồ Chí Minh vào ASEAN tăng 13% so với năm 2015 nhưng đến năm 2017, con số tăng trưởng xuất khẩu chỉ còn lại 4% so với năm 2016.
Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh, phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Xuân Anh – TTXVN
 
Trong khi đó, kim ngạch và mức tăng trưởng nhập khẩu từ ASEAN vào Việt Nam ngày càng tăng, giá trị nhập khẩu hàng hóa từ ASEAN đã cao hơn 2,6 lần so với xuất khẩu. Điều này cho thấy, nhập siêu từ ASEAN là vấn đề đáng lo ngại của Việt Nam.
 
Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) lý giải, các doanh nghiệp Việt Nam chưa khai thác được tiềm năng của thị trường ASEAN là do hình thức sản phẩm của Việt Nam chưa đa dạng, giá thành sản phẩm chưa cạnh tranh so với các sản phẩm của các thành viên khác.

Thêm vào đó, hệ thống phân phối hàng hóa của doanh nghiệp Việt còn kém, khả năng kết nối với các tổ chức xúc tiến thương mại còn hạn chế. Không chỉ vậy, nhiều doanh nghiệp Việt chưa tập trung tìm hiểu các điều kiện xuất khẩu, các yêu cầu kỹ thuật và cả văn hóa tiêu dùng của các quốc gia trong khu vực.
 
Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, việc hình thành một cộng đồng kinh tế lớn trong khu vực đã mang lại không ít thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam. Trong đó, cơ cấu hàng hóa của các thành viên AEC có phần tương đồng tạo nên áp lực cạnh tranh khốc liệt hơn không chỉ ở tầm khu vực và ngay cả thị trường nội địa của Việt Nam. Không chỉ cạnh tranh về sản phẩm, các doanh nghiệp còn cạnh tranh trực tiếp về dịch vụ. Điều đáng nói là so với các quốc gia trong khối, trình độ, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam còn hạn chế, năng lực tận dụng cơ hội của doanh nghiệp còn yếu, năng lực thể chế có cải thiện nhưng chưa mạnh.
Bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), trình bày tham luận tại Hội thảo. Ảnh: Xuân Anh – TTXVN
 
Sẵn sàng đón đầu cơ hội
Tầm nhìn của AEC tới năm 2025 là xây dựng một nền kinh tế gắn kết và hội nhập cao thông qua việc tăng cường kết nối và hợp tác chuyên ngành giữa các thành viên, tăng cường vai trò của doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như vai trò của khu vực tư nhân.

Để thực hiện tầm nhìn đó, AEC cho phép tự do lưu chuyển hàng hóa với quy trình thực hiện thống nhất và thuận lợi thông qua cơ chế một cửa ASEAN và quy trình đánh giá tuân thủ được công nhận lẫn nhau. Về thuế quan, so với các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác mà Việt Nam đã tham gia thì các cam kết về cắt giảm thuế quan trong cộng đồng AEC là cao nhất và nhanh nhất.
 
Những yếu tố trên hứa hẹn mở ra rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp trong việc tăng cường xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh, mở rộng thị trường. Đồng thời, cũng được tiếp cận nguồn nguyên liệu, hàng hóa phong phú hơn từ các quốc gia thành viên khác của AEC. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng có thêm cơ hội hợp tác, đầu tư, kinh doanh, tham gia chuỗi giá trị trong thị trường chung.
 
Bà Nguyễn Thị Tuệ Anh cho rằng, để tận dụng tốt những tiềm năng của AEC trong việc phát triển, các doanh nghiệp Việt Nam cần sẵn sàng để đón đầu cơ hội. Hội nhập kinh tế không chỉ ở phạm vi một khu vực mà đó là xu hướng chung trên toàn cầu, do đó doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, lấy sức ép cạnh tranh làm động lực để đổi mới và phát triển.
 
Theo bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, AEC đã được hình thành gần 3 năm nhưng số lượng doanh nghiệp hiểu rõ những nội dung cam kết trong cộng đồng này là rất ít, việc này cũng đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp chưa thật sự quan tâm và biết cách tận dụng những ưu đãi trong cam kết tự do lưu chuyển hàng hóa của khối.

Trong bối cảnh Việt Nam không chỉ là thành viên của AEC mà đã tham gia rất nhiều hiệp định thương mại tự do khác, doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa trong việc tìm hiểu, cập nhật thông tin liên quan tới cam kết ưu đãi thuế quan, các yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ để khai thác tốt các cơ hội phát triển thị trường. Thêm vào đó, phải đầu tư theo chiều sâu vào công nghệ sản xuất, quy trình quản trị và chất lượng nhân lực mới có thể giúp doanh nghiệp cạnh tranh lâu dài.
Đại diện doanh nghiệp đặt câu hỏi cho chuyên gia tại Hội thảo. Ảnh: Xuân Anh – TTXVN
 
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Đức Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty gỗ An Cường chia sẻ, các doanh nghiệp Việt Nam cần làm tốt khâu khảo sát thị trường trước khi quyết định tiếp cận, vì không phải cứ thị trường có quy mô lớn thì cơ hội của mình cũng lớn.

Con đường xuất khẩu sẽ dễ dàng hơn khi doanh nghiệp có sự kết nối tốt với các doanh nghiệp bản xứ. Đơn cử, việc phát triển hệ thống đại lý là các doanh nghiệp, hộ kinh doanh ở nước sở tại sẽ giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường nhưng vẫn tiết kiệm được các chi phí không cần thiết như thành lập văn phòng, thuê nhân viên…Từ đó, giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh.
 
Còn theo ông Phạm Thiết Hòa, mục tiêu của AEC là xây dựng một cộng đồng kinh tế có sự gắn kết chặt chẽ nhưng không có nghĩa đây là một thị trường đồng nhất. Mỗi quốc gia có một nền văn hóa khác nhau, tập quán kinh doanh và thói quen tiêu dùng khác nhau do đó các doanh nghiệp muốn đẩy mạnh xuất khẩu vào khu vực này phải xác định được thị trường mục tiêu cụ thể. Khi xác định thị trường mục tiêu, doanh nghiệp phải hiểu rõ thị trường đó cần gì, sản phẩm của mình có phù hợp hay không mới có chiến lược tiếp cận hiệu quả./.
                 Xuân Anh
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN
Top