Ngày 7/11, Quốc hội tiếp tục phiên làm việc, trong buổi sáng các đại biểu thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia.
Tiếp sau đó, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Trong phiên làm việc buổi chiều, các đại biểu thảo luận ở hội trường về dự án Luật Điện lực (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Công thương giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Dự thảo quy định nguyên tắc trong phát triển điện hạt nhân góp phần bảo đảm cung ứng điện, an ninh năng lượng và đáp ứng mục tiêu trung hoà carbon vào năm 2050 như cam kết của Việt Nam tại COP 26.
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương, Luật Điện lực năm 2004 và các luật sửa đổi, bổ sung đã xây dựng được khuôn khổ pháp lý cho hoạt động điện lực và sử dụng điện, bảo vệ được lợi ích hợp pháp của khách hàng sử dụng điện và tổ chức hoạt động trong lĩnh vực điện lực, đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao và góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, sau gần 20 năm triển khai thi hành và qua 4 lần sửa đổi, bổ sung một số điều, thực tiễn thi hành pháp luật về điện lực cho thấy còn tồn tại một số vấn đề mà các quy định tại Luật Điện lực hiện hành chưa đáp ứng được. Do vậy, Luật Điện lực cần thiết phải sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng mục tiêu triển khai các chính sách của Đảng đối với lĩnh vực năng lượng nói chung và điện lực nói riêng, đặc biệt là mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, tăng cường phân công, phân cấp, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về điện lực, kịp thời điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong thực tiễn hoạt động điện lực và sử dụng điện.
Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) bao gồm 9 chương với 130 điều. Dự thảo Luật kế thừa và có sửa đổi chủ yếu 62 điều về quy định chung, cấp giấy phép hoạt động điện lực, thị trường điện, mua bán điện, giá điện, quyền và nghĩa vụ của các đơn vị điện lực và khách hàng sử dụng điện, bảo vệ công trình điện lực và an toàn điện. Luật Điện lực (sửa đổi) bỏ 4 điều (tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; hồ sơ đề nghị cấp, sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động điện lực; quyền và nghĩa vụ của đơn vị tư vấn chuyên ngành điện lực; thanh tra điện lực), gộp 4 điều vào các điều khác (chủ yếu về nội dung chính sách phát triển về đầu tư, tiết kiệm điện và giá điện).
Dự thảo cũng bổ sung 68 điều gồm các nội dung về quy hoạch phát triển điện lực, chính sách đấu thầu chủ đầu tư các dự án nguồn điện, chính sách xử lý các nguồn điện khẩn cấp, chính sách phát triển và vận hành các dự án nhà máy nhiệt điện sử dụng khí, dự án nguồn điện đầu tư theo phương thức đối tác công tư áp dụng loại hợp đồng xây dựng-vận hành-chuyển giao, các chính sách về năng lượng tái tạo (điện mặt trời, đặc biệt quy định về phát triển điện gió ngoài khơi), năng lượng mới với điều kiện tiến bộ khoa học kỹ thuật phù hợp (như hydrogen). Bên cạnh đó là cơ chế mua bán điện trực tiếp, triển khai đầy đủ các cấp độ của thị trường điện cạnh tranh, tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các thành phần kinh tế, các loại giá điện, giá mua bán điện theo thời gian trong ngày, giá điện nhiều thành phần.../.
Nguồn bài viết : Dream Room Poker and Sports Club