Cấm xe máy nội đô thành phố: Hà Nội sẽ không chủ quan, nóng vội | Vietnam+ (VietnamPlus)

2025-01-18 20:42:13

Bày tỏ quan điểm “không chủ quan, nóng vội” nhưng Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ triển khai thí điểm cấm xe máy ở một số tuyến phố nội đô thành phố, trước mắt lựa chọn một trong hai tuyến Nguyễn Trãi-Hà Đông hoặc Lê Văn Lương.

Đây là hai tuyến phố có hệ thống vận tải hành khách công cộng hiện đại nhất đang và chuẩn bị đưa vào hoạt động là tuyến buýt nhanh BRT và tuyến đường sắt trên  cao Cát Linh-Hà Đông.

Người dân cần quen dần với đi bộ

“Khi cấm xe máy, việc kết nối với tuyến vận tải hành khách công cộng thế nào? Nếu ở mặt phố, có xe buýt còn thuận tiện, nhưng đối với những nhà ở sâu trong ngõ, ngách nếu không có xe máy việc di chuyển sẽ hết sức khó khăn?” chị Nguyễn Thị Bích Hường, công tác tại tổ chức Lao động Quốc tế ILO lo lắng.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, tiến sỹ kinh tế Lương Hoài Nam cho rằng, người dân trong ngõ sâu có thể đi ra các phố lớn bằng các phương tiện giao thông công suất nhỏ, bằng xe đạp, nếu dưới 1km thì có thể đi bộ.

"Tôi có gần 10 năm sống ở châu Âu, không có ôtô, chẳng có xe máy, mỗi ngày đi bộ mấy km khi sử dụng giao thông công cộng như xe buýt, tàu điện. Đa số người dân ở đó cũng sống như vậy, không ôtô, không xe máy, chỉ biết đến giao thông công cộng. Bến xe, bến tàu cách nhà, cách nơi làm việc trên dưới 1km là bình thường, có thể đi bộ. Xa hơn thì dùng xe đạp. Ở Yangon (Myanmar) có xe lam. Ở Hong Kong (Trung Quốc) có xe buýt mini...," ông Lương Hoài Nam cho biết.

Trên thực tế, nhiều chuyên gia thừa nhận không thể phát triển vận tải hành khách công cộng nếu cứ cho phương tiện cá nhân phát triển vô tội vạ. Chính vì vậy, cần liều thuốc đặc hiệu để kiềm chế sự phát triển của phương tiện giao thông cá nhân.

[Thí điểm cấm xe máy ở Hà Nội sẽ không tiến hành nóng vội]

Trên thế giới ở một số nơi đã thực hiện cấm xe máy và hiện đại hóa đô thị thành công, nhất là Trung Quốc nhờ hệ thống giao thông công cộng phát triển mạnh và phủ khắp, thuận lợi cho sự đi lại của người dân.

(Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Về vấn đề khi cấm xe máy người dân đi lại thế nào, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, để dừng hoạt động xe máy cần phải có những điều kiện như phương tiện thay thế, kết nối, giải quyết bài toán để người dân ở trong những khu phố, tuyến phố đó vẫn sử dụng được xe máy.

"Chúng tôi sẽ phải nghiên cứu một cách hết sức thấu đáo, giải quyết được những vấn đề có liên quan, để có thể khắc phục những tồn tại hạn chế trước khi dừng hoạt động của xe máy. Để nhân dân cảm thấy giải pháp này có tính khả thi thì tất cả những vấn đề này chúng tôi đều phải nghiên cứu rất kỹ," Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội nói.

Thay thế bằng vận tải khách công cộng

Ông Nguyễn Quốc Huy công tác tại Bộ Tư Pháp đặt vấn đề, hiện nay vận tải hành khách công cộng mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu đi lại của người dân. Vậy khi cấm xe máy thì Hà Nội phát triển hệ thống vận tải công cộng thế nào?

Theo ông Vũ Văn Viện, để tiến tới dừng hoạt động của xe máy vào năm 2030 thì các chỉ tiêu về vận tải hành khách công cộng phải đạt được từ 30-35% nhu cầu đi lại của nhân dân ở khu vực. Và trong lộ trình tiến tới dừng hoạt động của xe máy thì ở các tuyến và các khu vực cũng phải đảm bảo được tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.

Đặc biệt trong đề án, Sở Giao thông Vận tải đặt ra chỉ tiêu việc tiếp cận với phương tiện vận tải hành khách công cộng như sau: 80% người dân sẽ tiếp cận với phương tiện giao thông công cộng ở mức dưới 500m và 20% còn lại có thể kết nối với phương tiện giao thông công cộng bằng các phương tiện giao thông khác như đi bộ, đi xe đạp, taxi...

(Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

“Hiện nay mạng lưới vận tải hành khách công cộng đã phủ kín và đáp ứng cơ bản các nhu cầu của nhân dân, với thói quen sử dụng phương tiện giao thông cá nhân thì người dân chưa lựa chọn phương tiện vận tải hành khách công cộng chứ không phải phương tiện vận tải hành khách công cộng chưa đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân,” ông Vũ Văn Viện phân tích.

Trong điều kiện hiện nay, chất lượng xe buýt đã được nâng cao. Để tăng cường kết nối, năm 2019 và những năm tiếp theo, Hà Nội tiếp tục phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng; trong đó chú trọng vào các phương tiện mang tính kết nối, tiếp cận gần hơn với nhu cầu đi lại của nhân dân. Hà Nội cần phục vụ nhân dân tốt hơn bằng các phương tiện xe buýt nhỏ đi vào những tuyến phố có mặt cắt ngang nhỏ để phục vụ cho mọi đối tượng.

Theo kế hoạch năm 2019, Sở Giao thông Vận tải phối hợp với các đơn vị vận tải sẽ triển khai mở mới từ 15-20 tuyến buýt và các tuyến buýt này đa phần sẽ dùng các xe buýt loại nhỏ từ 30-40 chỗ để có thể vào những tuyến phố có mặt cắt ngang đường nhỏ phục vụ nhân dân tiếp cận mạng lưới vận tải hành khách công cộng được thuận lợi hơn.

Nhìn nhận về tính khả thi của việc cấm xe máy, ông Vũ Văn Viện cũng bày tỏ, phương tiện vận tải hành khách công cộng không bao giờ tiện như phương tiện cá nhân. Người dân vốn có thói quen đi xe máy như đi bộ, có thể nói là 100m cũng đi xe máy, như vậy là mất thói quen đi bộ.

Vì vậy, để thay đổi một thói quen, thay đổi một lối sống, hướng tới dần dần bỏ được phương tiện giao thông cá nhân và thay thế bằng phương tiện giao thông công cộng đòi hỏi người tham gia giao thông phải có sự hy sinh nhất định vì lợi ích chung.

Ông Vũ Văn Viện cũng cho biết thêm, khi nghiên cứu, xây dựng đề án phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy tiến tới dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030, Sở cũng đã tính đến thời điểm thích hợp phải dừng việc đăng ký xe máy mới tại khu vực các quận sẽ thực hiện dừng hoạt động của xe máy. Đồng thời, có lộ trình dừng hoạt động của xe máy cụ thể để người dân cân nhắc khi mua các phương tiện giao thông mới, tránh lãng phí cho xã hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn bài viết : baccarat trực tuyến

Top