Không gian mạng và sứ mệnh bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng của tuổi trẻ |
Từ 1/10 yêu cầu xóa bỏ thông tin trên không gian mạng khi có căn cứ pháp luật |
Bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng
Khoản 3, Điều 2, Luật An ninh mạng (năm 2018) quy định: Không gian mạng là mạng lưới kết nối toàn cầu của các cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm internet, các mạng viễn thông, hệ thống máy tính, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, là môi trường đặc biệt mà con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian.
Theo phân tích của các chuyên gia, từ định nghĩa này, có thể thấy không gian mạng vừa có bản chất vật lý, vừa có tính chất xã hội. Nếu bản chất vật lý có thể thấy rõ là hạ tầng truyền dẫn, ứng dụng công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu thì tính chất xã hội phức tạp hơn nhiều. Không gian mạng được xem là môi trường xã hội đặc biệt của con người hội tụ 6 thành tố: Chính sách, pháp luật; năng lực công nghệ; nội dung thông tin; nguồn nhân lực; cơ cấu tổ chức bộ máy; ý thức của con người trên không gian mạng. Với ý nghĩa đó, không gian mạng được xem là “lãnh thổ đặc biệt”, “lãnh thổ mở rộng”, “lãnh thổ song song” của quốc gia, chứa đựng lợi ích quốc gia, dân tộc. Do đó, chủ quyền trên không gian mạng là một bộ phận quan trọng của chủ quyền quốc gia và bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng chính là bảo vệ chủ quyền quốc gia, dân tộc.
Thách thức an ninh đặt ra trên không gian mạng có tính xuyên quốc gia, đòi hỏi nỗ lực hợp tác quốc tế để giải quyết (Ảnh minh họa). |
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của không gian mạng, tội phạm trên không gian mạng diễn biến ngày càng phức tạp cả về số lượng, qui mô và tính chất, trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng…, trực tiếp đe dọa đến an ninh và lợi ích kinh tế quốc gia. Các đối tượng tội phạm đã sử dụng không gian mạng để tiến hành nhiều hoạt động nghiêm trọng như: chiếm dụng và sử dụng trái phép tài nguyên máy tính (hacking), giám sát bất hợp pháp, tấn công mạng tống tiền, ấu dâm, lấy cắp thông tin bí mật công nghệ, bí mật quốc gia… Đáng lo ngại là sự phát triển bùng nổ của công nghệ kỹ thuật số trên khắp thế giới cũng tạo ra nhiều lĩnh vực tiềm năng mới cho xung đột và khả năng các tác nhân nhà nước và phi nhà nước thực hiện các cuộc tấn công xuyên biên giới quốc tế. Những khó khăn liên quan đến yếu tố chính trị và công nghệ trong việc quy kết trách nhiệm các cuộc tấn công trên không gian mạng có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, trong đó có các cuộc tấn công đáp trả quân sự và căng thẳng địa chính trị không mong muốn.
Giống như các thách thức an ninh phi truyền thống khác (mua bán người, dịch bệnh, biến đổi khí hậu…), các thách thức an ninh đặt ra trên không gian mạng có tính xuyên quốc gia, đòi hỏi nỗ lực hợp tác quốc tế để giải quyết. Cộng đồng quốc tế đã đạt được nhận thức nhất định về các rủi ro trên không gian mạng và sự cần thiết phải cảnh giác với việc sử dụng có hại các công nghệ thông tin hiện đại để bảo vệ người dân, các quốc gia trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai. Đồng thời, đã có những bước đi cụ thể để ứng phó với các mối đe dọa ngày càng gia tăng đối với công nghệ thông tin và truyền thông. Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thành lập 2 nhóm chuyên trách là: Nhóm các chuyên gia của Chính phủ về thúc đẩy hành vi của Nhà nước có trách nhiệm trên không gian mạng trong bối cảnh an ninh quốc tế và Nhóm công tác cởi mở về phát triển trong lĩnh vực thông tin và viễn thông quốc tế.
Liên hợp quốc cũng đang nỗ lực kết nối các quốc gia thành viên hoàn thiện các khung khổ pháp lý quốc tế để giải quyết hài hòa nguyên tắc chủ quyền quốc gia tối thượng theo luật pháp quốc tế và nhu cầu hợp tác xuyên biên giới để ứng phó với các thách thức an ninh trên không gian mạng.
Sáu giải pháp bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng
Thời gian qua, Việt Nam đã thể hiện vai trò tích cực, sẵn sàng hợp tác với cộng đồng quốc tế nhằm xây dựng môi trường không gian mạng hòa bình, ổn định, an toàn, vì người dân và phát triển bền vững. Điều này xuất phát từ nhu cầu quốc gia và chủ trương tăng cường và nâng tầm ngoại giao đa phương, cụ thể là tham gia xây dựng và định hình luật chơi, tham gia thức đẩy các tiến trình, các thể chế đa phương.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư (CMCN 4.0) tác động ngày càng sâu rộng trên toàn thế giới và việc Việt Nam đẩy mạnh chuyển đổi số, để bảo đảm tốt chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, an ninh, an sinh, an toàn cho người dân, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần chú trọng một số nhóm giải pháp sau:
Một là, hoàn thiện khung khổ luật pháp quốc gia, phù hợp với các qui định quốc tế nhằm ứng phó với các thách thức an ninh mạng, đặc biệt là tội phạm sử dụng công nghệ cao nhằm bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức và cá nhân.
Hai là, nâng cao năng lực bảo vệ cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thôngquốc gia thông qua hiện đại hóa cơ sở hạ tầng mạng quốc gia và đào tạo nguồn nhân lực có đủ khả năng ứng phó với tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Ba là, chủ động phối hợp với cộng đồng quốc tế thiết lập khuôn khổ pháp luật quốc tế với các qui tắc, chuẩn mực ứng xử có trách nhiệm trên không gian mạng, trên cơ sở đồng thuận và có sự tham gia rộng rãi, đầy đủ của các quốc gia; bảo đảm rằng mọi hoạt động trên không gian mạng phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, nhất là các nguyên tắc cơ bản như tôn trọng độc lập, chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ, không sử dụng vũ lực và giải quyết hòa bình các tranh chấp nếu có.
Bốn là, tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức của quần chúng nhân dân về các thách thức an ninh mạng và cách thức sử dụng, hoạt động trên không gian mạng an toàn, có trách nhiệm. Người sử dụng mạng cần có kiến thức cơ bản về bảo mật trong môi trường mạng; thường xuyên cập nhật về tình hình, mức độ rủi ro mất an toàn thông tin để có thể tự phòng ngừa hiệu quả.
Năm là, tăng cường hợp tác quốc tế để ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh trên không gian mạng.
Sáu là, tiếp tục đổi mới phương thức quản trị quốc gia cho phù hợp với bối cảnh mới của thế giới, tạo cơ chế thuận lợi hơn để thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân và mọi thành thành phần trong xã hội nhằm bảo đảm an ninh, an toàn không gian mạng quốc gia.
Theo một thống kê gần đây, Việt Nam nằm trong top 20 quốc gia có số người sử dụng Internet cao trên thế giới, hiện có khoảng 70 triệu người sử dụng Internet (chiếm khoảng 68% dân số), cao hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới (51,4%) và các nước châu Á - Thái Bình Dương (44,5%). Hiện Việt Nam có khoảng 68 triệu tài khoản mạng xã hội Facebook và 154 triệu thiết bị kết nối Internet. Theo tổ chức We are Social, mỗi người dân Việt Nam dành trung bình khoảng 6 giờ 24 phút mỗi ngày để truy cập Internet, trong đó, dành khoảng 2,5 giờ để vào mạng xã hội. Tỷ lệ người dân lên mạng Internet hàng ngày là 94%. Việt Nam cũng nằm trong nhóm các quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất của các thách thức an ninh mạng. Theo số liệu từ Kaspersky Security Network (Nga), liên tiếp trong 3 năm (2018-2020), Việt Nam nằm trong nhóm 3 quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất và là quốc gia có tỷ lệ gặp phải mã độc tống tiền cao nhất tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương năm 2019. Nghiêm trọng hơn, các thế lực thù địch còn sử dụng Internet và mạng xã hội để thực hiện các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, gây mất ổn định chính trị, xã hội tại Việt Nam. |
Luật An ninh mạng – Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên không gian mạng |
Chủ động phòng, chống lợi dụng tự do ngôn luận trên không gian mạng |
Nguồn bài viết : SA Trực Tuyến