Ấm áp bữa cơm đầu tiên của lưu học sinh Lào ở nhà bố mẹ Việt

2025-01-17 20:15:20
Chuyện về nữ sinh Lào với tác phẩm “Chiếc xe đạp của bố nuôi Bộ đội Biên phòng”
Lưu học sinh Lào "3 cùng" với bố mẹ Việt

Thôn Bướm, xã Thọ Lộc, huyện Phúc Thọ, Hà Nội một chiều trung tuần tháng 3 trở nên rộn rã lạ thường. Tiếng chuyện trò râm ran không ngớt. Anh Nguyễn Văn Thọ vừa rôm rả hỏi thăm nhà hàng xóm đã đón được các con Lào chưa vừa phấn khởi khoe hai người con trai vừa mới nhận là Somboun Moukdavanh và Souksakaiy Lothiliam. "Các cháu nhà anh Thọ to cao, đẹp trai quá", tiếng vài người hàng xóm tấm tắc. Trên con đường từ ủy ban nhân dân xã Thọ Lộc dẫn về các gia đình, các lưu học sinh Lào theo sát bước chân những người bố, người mẹ Việt Nam vừa được nhận. Hòa trong tiếng hỏi han, trò chuyện là âm thanh giòn giã của động cơ xe máy, tiếng kẽo kẹt của những chiếc xe đạp cũ khi thồ lên những vali hành lý lớn. Đâu đó vẳng nghe tiếng mở khóa lách cách, có cả tiếng chó sủa như chào mừng.

Căn nhà nhỏ của chị Trương Thị Nhiễu (ở thôn Bướm, xã Thọ Lộc, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) hôm nay cũng sáng sủa, nhộn nhịp hơn mọi ngày. Trong gian bếp rộng chừng 20m², chị Nhiễu và bốn người con gái Lào chị vừa được nhận chiều này đang lúi húi chuẩn bị cho bữa cơm tối. Cậu con trai học lớp 8 ngại ngùng đứng bên ngoài. Theo lời kể của chị Nhiễu, mọi hôm tầm giờ này nhà chị cửa đóng then cài, đèn điện tối om vì chị đi đánh bóng chuyền, con trai đến lớp học thêm. Hôm nay đón các con Lào về, gian bếp nhỏ bập bùng ánh lửa.

"Tôi để ý thấy giới trẻ thường thích ăn các món nướng nên từ sáng đã ra chợ để chọn mua được thịt lợn và sườn tươi ngon, sau đó mang về rửa sạch, ướp sẵn gia vị cho ngấm. Còn thịt gà, tôi hỏi các con xem thích chế biến, gia giảm thế nào thì có thể chủ động", chị Nhiễu nói.

Bữa cơm đầu tiên của chị Nhiễu (thứ tư, từ trái sang) với các con Lào (Ảnh: Hải An).

Bốn cô con gái Lào của chị Nhiễu rất nhanh đã quen với không khí gia đình. "Về đến nhà, hành lý còn chưa kịp thu dọn, mấy đứa đã nhanh nhảu hỏi mẹ cần chúng con phụ gì không? Nghe mẹ trả lời "phụ thoải mái", đứa nhanh nhẹn đi rửa rau, đứa xé gà, đứa gọt dứa...", chị Nhiễu cười tiếp lời.

Vừa gọt dứa, Duangmaly Thippanya (18 tuổi) vừa vui vẻ chuyện trò với mẹ: "Dứa là món con thích nhất đó mẹ!". Còn Soneanat Manivanh (20 tuổi) lấy điện thoại ra chụp mâm cơm ở nhà mới để đăng lên trang cá nhân khoe bạn bè.

Mâm cơm có thịt gà xé, sườn nướng, thịt nướng và không thể thiếu ớt (Ảnh: Hải An).

Trong bữa cơm, Kimdalim Douangchampa (18 tuổi) kể, em cũng chuẩn bị một số món ăn truyền thống của Lào để giới thiệu với mẹ Nhiễu trong những ngày tới như món lạp, nộm đu đủ, cá hấp... Hầu hết nguyên liệu chế biến các món này đều có ở Việt Nam, duy chỉ có mắm Pa-dek - linh hồn của món nộm đu đủ thì Việt Nam không có. Đây là loại mắm được làm từ cách chưng cất cá, cua cho lên men. Cá và cua phải là cá, cua sông, có vị ngọt đặc trưng, không giống như cách chế biến mắm bằng cá biển của người Việt. Sau khi cho lên men thì được pha trộn với gừng, ớt và một số gia vị khác. Chính vì vậy, mắm Pa-dek có mùi đậm đà, hương vị cay nồng. Kimdalim nói em sẽ thay thế Pa-dek bằng mắm tôm hoặc mắm ruốc của Việt Nam.

Sau bữa cơm, chị Nhiễu dẫn các con về phòng. So với nhiều hộ dân khác trong thôn, nhà chị Nhiễu nhỏ hơn, ngoài gian bếp và công trình phụ, nhà chỉ có một phòng khách và một phòng ngủ. Trong phòng khách rộng gần 50m², chị kê hai chiếc giường đôi ở hai đầu phòng để dành cho bốn cô con gái Lào vừa nhận, còn chị và con trai ở trong phòng ngủ nhỏ, có kê thêm một tấm đệm dưới sàn.

Chị kể chồng chị đi làm ở Quảng Ninh, con gái lớn học Đại học ngoài Hà Nội, nhà chỉ còn chị cùng cậu con trai đang học lớp 8. Nhà neo người, việc này, việc kia, hai mẹ con cũng có ít dịp ngồi ăn cơm cùng nhau. Biết trường Hữu nghị T78 triển khai chương trình "Đưa lưu học sinh Lào đi thực tế ở nhà dân", chị vui vẻ đăng ký tham gia. Các hộ khác nhận hai học sinh, mình chị nhận 4 cháu vì "càng đông càng vui".

Bounpheng Phanthavong phụ mẹ Nghĩa nhặt đậu cove (Ảnh: Thành Luân).

Ngay cạnh nhà chị Nhiễu, gia đình ông Khuất Hữu Khôi (Trưởng thôn Bướm, xã Thọ Lộc) và vợ là bà Nghiêm Thị Nghĩa cũng đang tất bật chuẩn bị bữa tối cho hai con trai Lào là Bounpheng Phanthavong (36 tuổi) và Khanhthaly Manikham (32 tuổi). Bà nhanh nhẹn bắc nước luộc thịt lợn, trong lúc chờ thì tranh thủ ngồi nhặt mớ đậu cove. Vừa chuyện trò với mẹ, Bounpheng Phanthavong vừa kể ở Lào cũng có loại đậu này và gia đình em thường làm món đậu luộc. Nghe vậy, bà Nghĩa làm món đậu cove xào cho hai con trai ăn thử. Trong khi đó ông Khôi nhanh nhẹn phóng xe máy ra ngoài, một lát đã xách nặng hai tay các hộp đồ ăn mang về. Mở ra nào gà luộc, vịt luộc, còn có thêm túi thịt nướng. Ông bảo bình thường ông bà cơm canh đơn giản là xong bữa nhưng các con thanh niên trai tráng cần đủ chất dinh dưỡng và đa dạng các món ăn. Vừa bày các món ăn ra đĩa ông vừa nói với các con: "Hôm nay là ngày đầu tiên các con Lào về ở cùng, bố mẹ đãi các con món Việt, bữa sau các con thích ăn món Lào thì bảo mẹ đi chợ mua đồ về nấu".

Ông Khôi (áo vàng) tâm sự với các con người Lào (Ảnh: Thành Luân).

Biết người Lào thích ăn cay, trong bữa cơm ngoài bát nước chấm đã nêm nhiều ớt, bà Nghĩa còn cắt thêm một đĩa ớt để gần Khanhthaly và Bounpheng. Nhận đĩa ớt mẹ đưa, Khanhthaly kể, người Lào ăn cay vì thế món ăn rất nhiều ớt, chỉ riêng ớt có hàng chục món, từ ớt chiên giòn, ớt muối chua đến ớt sa tế, ớt hầm, ớt luộc … Sợ các con mới về còn ngần ngại, bà Nghĩa liên tục gắp thức ăn để vào bát các con, không quên giục "con ăn đi, ăn nhiều vào kẻo đói nhé".

Trong bữa cơm, ông Khôi gọi điện cho những người con nuôi Lào đã ở cùng gia đình ông những năm trước đó để giới thiệu các em. "Nhà bố đã có 4 năm đón học sinh về ở, bố mẹ coi các con như con ruột bố mẹ. Sau bữa cơm, các con đi nghỉ sớm cho đỡ mệt. Ngày mai mẹ sẽ chuẩn bị đồ ăn sáng, các con ăn xong thì đến trường. Bố sẽ giao chìa khóa nhà cho hai đứa để tan học nếu bố mẹ chưa về, hai đứa còn mở được cửa vào nhà", ông Khôi vui vẻ nói. Ngoài trời mưa bắt đầu rơi nặng hạt, còn trong các gian bếp, những phút giây lạ lẫm cũng đã dần trôi qua, nhường chỗ cho bao tiếng nói cười.

Từ ngày 15/3 đến ngày 4/4/2023, 162 lưu học sinh Lào trường Hữu nghị T78 sẽ có 20 ngày “3 cùng”: cùng ở, cùng sinh hoạt, cùng học tập với các thành viên trong gia đình bố mẹ Việt ở xã Thọ Lộc, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội. Các em cũng sẽ được tham gia vào nhiều hoạt động ý nghĩa khác như: viếng nghĩa trang liệt sĩ, hướng dẫn bố mẹ Việt múa lăm vông, giao tiếp những câu đơn giản bằng tiếng Lào, lao động vệ sinh thôn xóm...

Giao lưu gia đình Việt với sinh viên Lào, Campuchia
Hạnh phúc khi được làm cha mẹ đỡ đầu của lưu học sinh Campuchia

Nguồn bài viết : XS Mega 6/45

Top