Hạnh phúc khi được làm cha mẹ đỡ đầu của lưu học sinh Campuchia

2025-01-17 20:15:21
“Đỡ đầu lưu học sinh Campuchia như một lẽ tự nhiên”
Nơi ươm những mầm xanh hữu nghị

Gặp tôi trong chương trình Gặp gỡ hữu nghị và hợp tác nhân dân Việt Nam - Campuchia lần thứ V diễn ra tại Bình Phước và Đắk Nông (5-8/11/2022), bà Nguyễn Thị Thảo - Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia cho tôi xem những tấm hình bà lưu trong điện thoại về đám cưới của một người con Campuchia mà bà nhận đỡ đầu; ảnh gia đình bà đưa các con đỡ đầu Campuchia đi viếng lăng Bác, tham quan Quốc Tử Giám, cầu Nhật Tân, đi lễ chùa... Đôi mắt bà ánh lên niềm vui và tự hào khi kể về những đứa con của mình.

Vợ chồng bà Thảo bên các con đỡ đầu người Campuchia (Ảnh: NVCC).

Hạnh phúc vì có thêm đàn con

Bà Thảo cho biết, khi Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia phát động chương trình Ươm mầm hữu nghị vào năm 2012, bà là người phụ nữ - người mẹ đầu tiên trong Trung ương Hội nhận đỡ đầu các lưu học sinh Campuchia. Trong đợt đầu tiên này, gia đình bà đăng ký nhận đỡ đầu 3 lưu học sinh Campuchia, đều là con trai, học ở Đại học Kiến trúc Hà Nội. Một thời gian ngắn sau đó, bà tiếp tục xin nhận một lưu học sinh khác ở Học viện Nông nghiệp do người đỡ đầu của cháu bị bệnh hiểm nghèo.

Bà Thảo không quên cảm xúc buổi đầu tiên được gặp gỡ các con đỡ đầu trong đêm 28 - 29 Tết cổ truyền Việt Nam năm ấy. Vợ chồng bà đến ký túc xá của các con ở hai trường để chúc Tết, tặng quà, thăm hỏi và để nắm tình hình sinh hoạt, nơi ăn, chốn ở của các con. Nhìn những đứa trẻ rạng ngời, tin cậy, bà thấy ấm lòng.

"Khi chia tay các con, chồng tôi thốt lên rằng: "Mình thật hạnh phúc khi có thêm những đứa con ngoan, nhìn đứa nào cũng thông minh, mà lại hơi gầy, giống tuổi chúng mình ngày xưa thế", bà Thảo kể.

Được làm cha mẹ đỡ đầu của các lưu học sinh người Campuchia, với bà Thảo không chỉ là niềm hạnh phúc mà còn là trách nhiệm góp phần nhỏ bé, hàng ngày hàng giờ chăm chút, vun đắp thêm cho tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia ngày càng bền vững và phát triển. Cứ như vậy, gia đình bà luôn quan tâm, động viên các con cố gắng, vượt mọi khó khăn, nhất là trong những ngày đầu bước vào giảng đường đại học ở Việt Nam với vốn tiếng Việt hạn chế.

"Thỉnh thoảng những ngày nghỉ cuối tuần, tôi thường gọi các con cùng đi chơi, thăm các di tích, danh lam thắng cảnh của Hà Nội. Trong các cuộc đi, vợ chồng tôi mong để cho các con vừa hiểu biết thêm về lịch sử văn hóa của Thủ đô, đất nước nơi mình học tập, vừa được thực hành thêm tiếng Việt trong giao tiếp. Đến Tết cổ truyền Campuchia Chol Chnam Thmay, tôi thường tổ chức buổi gia đình gặp mặt liên hoan, chúc Tết các con và đến dự buổi đón Tết cổ truyền tại khu ký túc xá lưu của các con", bà nói.

Ngoài việc thỉnh thoảng đón các con về nhà ăn cơm thân mật cùng các thành viên trong gia đình, bà Thảo còn đưa các con đỡ đầu đến nhà anh trai mình ở làng Quốc tế Thăng Long mừng sinh nhật cháu ngoại tròn ba tuổi. Các con đỡ đầu của bà rất hào hứng xen lẫn ngạc nhiên. Có em thốt lên rằng: "Mẹ ơi, đây là lần đầu tiên con được dự sinh nhật một em bé ba tuổi mà trong buổi tiệc lại có đủ các cụ, các ông, các bà... thật ấm cúng".

Những tình cảm gia đình vượt chiều dài biên giới

Một trong những kỷ niệm mà bà Thảo nhớ nhất là lần người con đỡ đầu Chey Vothy (ở Học viện Nông nghiệp Việt Nam) ốm vào cuối tháng 4/2013. Trong đêm khuya, Vothy bị sốt cao, phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Vothy cố gắng gọi cho bà, xin được nhận bà là người mẹ thứ hai và nói rằng nếu có chuyện gì hãy đưa em về với bố mẹ bên Campuchia.

Thời điểm ấy bà Thảo đang ở sân bay quốc tế Nội Bài, chuẩn bị bay đi Ba Lan. Động viên Vothy không hoang mang và hứa sẽ làm tất cả tốt nhất có thể, bà Thảo nhanh chóng liên hệ với bệnh viên nhờ hỗ trợ. Và rất may mắn, Vothy đã vượt qua trận ốm thập tử nhất sinh đó.

Điều bà Thảo thấy vui là Vothy rất tình cảm, luôn thân thiết với gia đình bố mẹ đỡ đầu, chuyện gì cũng chia sẻ. Cuối tháng 6/2013, Vothy vui sướng khoe với bà rằng em là một trong số ít các sinh viên được giáo sư người Nhật lựa chọn sang giao lưu ở Nhật Bản và đòi sang nhà mẹ buổi tối hôm ấy. Ngày chuẩn bị làm đồ án tốt nghiệp, em cũng trao đổi với bà Thảo về ý tưởng, đề tài...

Vợ chồng bà Thảo sang Siem Reap dự đám cưới của Chey Vothy (thứ ba từ trái sang) (Ảnh: NVCC)

Vothy nói tốt cả tiếng Việt, tiếng Nhật và tiếng Anh. Sau khi tốt nghiệp, Vothy báo tin cho bà Thảo biết em về nước làm việc cho một công ty Việt Nam - Campuchia có trụ sở ở Đồng Nai và Phnom Penh.

Cuối tháng 3/2019, vợ chồng bà Thảo khăn gói sang Siem Reap dự đám cưới của Vothy. Nhìn con có hạnh phúc riêng, bà Thảo rưng rưng xúc động.

Sau đợt một, gia đình bà Thảo tiếp tục nhận đỡ đầu 5 lưu học sinh Campuchia, tất cả đều là con gái xinh ngoan, học ở Đại học Bách khoa, Kinh tế Quốc dân và Đại học Thủy lợi. Hiện tại các em đã tốt nghiệp, về nước nhận công tác, song vẫn giữ liên lạc với gia đình bà Thảo. Mỗi lần bà có dịp sang Campuchia, mấy mẹ con gặp nhau mừng vui khôn xiết.

Bà Thảo cho biết, tất cả các gia đình đỡ đầu lưu học sinh Campuchia đều chung một suy nghĩ: mong cho các con khi sang Việt Nam học tập, dù ở trường nào, ngành nào, luôn tin tưởng vào sự đùm bọc, yêu thương đầy trách nhiệm của các thầy cô giáo, đặc biệt là các gia đình đỡ đầu luôn ở bên các con. Tình cảm đặc biệt ấy là hành trang đi cùng các em tới suốt cuộc đời, góp phần xây đắp tình hữu nghị nhân dân giữa hai nước Việt Nam - Campuchia ngày càng bền chặt.

Hành trình ươm mầm xanh hữu nghị
10 năm Ươm mầm hữu nghị: Chương trình giàu tính nhân văn, có sức lan toả sâu rộng

Nguồn bài viết : trực tiếp bóng đá

Top