Nghệ An: Hiệu quả cao từ mô hình phòng chống mua bán người

2025-01-17 20:15:29
Trao đổi kinh nghiệm trong triển khai phòng, chống mua bán người
Việt Nam sẵn sàng trao đổi với Hoa Kỳ trong công tác phòng, chống mua bán người

Hữu Kiệm là xã nội địa của huyện vùng cao Kỳ Sơn (Nghệ An), xã có 9 bản làng, với 4 hệ dân tộc cùng chung sống, như Thái, Khơ Mú, Mông và Kinh. Từ năm 2017 đến năm 2019, Hữu Kiệm được biết đến là điểm nóng về tình trạng mua bán người, bán bào thai, gây mất ANTT trên địa bàn cũng như bức xúc trong quần chúng nhân dân.

Những bản làng lọt sâu giữa đại ngàn miền tây Nghệ An là vùng đất các đối tượng mua bán người nhắm đến.

Theo thống kê của chính quyền xã Hữu Kiệm, các năm kể trên, toàn xã có 22 trường hợp đi bán bào thai, chủ yếu tập trung ở các bản đồng bào Khơ Mú sinh sống. Điểm chung của họ là mù chữ, nghèo, nhận thức về xã hội và pháp luật hết sức hạn chế. Điều đau lòng hơn, họ bán chính “núm ruột” của mình, sử dụng những đồng tiền ấy để mua sắm ti vi, xe máy, làm nhà...

Điều đáng buồn là những phụ nữ đã bán con đều rất vô cảm và cho rằng việc bán bào thai là chuyện bình thường, bán để có tiền trang trải cho cuộc sống đang gặp khó khăn. Để ngăn chặn tình trạng mua bán người, mua bán bào thai, chính quyền các cấp đã đồng bộ vào cuộc, nhất là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết phát luật cho người đồng bào.

Cấp ủy, Chính quyền và lực lượng chức năng bám địa bàn, đến tận bản để triển khai các biện pháp tuyên truyền phòng, chống mua bán người.

Với mong muốn sớm dập tắt các con đường đưa phụ nữ sang Trung Quốc bán và bán bào thai, đầu năm 2020, xã Hữu Kiệm đã thành lập mô hình “Phòng chống mua bán người tại xã Hữu Kiệm”. Bước đầu xã phối hợp với các lực lượng tổ chức ra mắt và thành lập mô hình tại bản Đỉnh Sơn 2, một trong những bản được xác định là điểm nóng về tình trạng phụ nữ trốn đi theo các đường tiểu ngạch sang Trung Quốc bán thai nhi. Sau đó, Ban chỉ đạo xã Hữu Kiệm đã đồng loạt xây dựng mô hình này 9/9 bản.

Ngay từ khi ra mắt mô hình, Ban chỉ đạo xã xác định công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân là một trong những mặt công tác trọng tâm và có tính xuyên suốt. Các hình thức tuyên truyền cũng được tiến hành đa dạng, phong phú, như: tuyên truyền bằng trực quan, treo các băng rôn, khẩu hiệu; tuyên truyền trên loa truyền thanh của xã đến 9/9 bản; tuyên truyền bằng sân khấu hóa thông qua các cuộc giao lưu văn nghệ; tuyên truyền trực tiếp thông qua các cuộc họp dân tại các bản…

Phụ nữ và các em nhỏ người đồng bào dân tộc Khơ Mú là những người thường bị dụ dỗ, lôi kéo và lừa gạt để thực hiện hình vi mua bán người.

Cụ thể, Ban chỉ đạo xã Hữu Kiệm đã triển khai tuyên truyền tập trung 10 lượt tại 10 nhà văn hóa các bản Khe Tỳ, Đỉnh Sơn 1, Đỉnh Sơn 2 và Huồi Thở; tổ chức Diễn đàn Công an lắng nghe ý kiến của người dân thu hút hơn 600 lượt người tham gia; gặp mặt, trao đổi và vận động 2 nạn nhân từng bị lừa bán sang Trung Quốc đứng ra tố cáo các đối tượng trong các đường dây mối giới lừa người đi bán.

Đồng thời phân công cán bộ Công an xã, Hội phụ nữ xã, Đoàn thanh niên xuống cắm tại các bản làng, nhất là các bản có đông đồng bào dân tộc Khơ Mú sinh sống để theo dõi, nắm tình hình tư tưởng, di biến động của số phụ nữ đang mang thai, nhất là phụ nữ mang thai tháng thứ 5 trở lên, để kịp thời phát hiện và báo cáo về Ban chỉ đạo có hướng xử lý.

Đã có lúc, chiến sĩ Công an xã phải bám bản, sát dân để canh, theo dõi các chị em phụ nữ mang bầu...

Ông Lô Mạnh Quân, Phó Bí thư Đảng ủy xã Hữu Kiệm (huyện Kỳ Sơn), chia sẻ: “Từ ngày mô hình được ra mắt, thông qua các hình thức tuyên truyền, vận động, ý thức cảnh giác về tội phạm của người dân đã được nâng lên, khi có người lạ vào địa bàn hoặc trong bản có phụ nữ có ý định bán con, hay trốn qua Trung Quốc thì người dân trong bản sẽ chủ động báo ngay với Ban chỉ đạo mô hình qua đường dây nóng để có biện pháp ngăn chặn”.

Xác định nguyên nhân dẫn đến tình trạng người dân có hành vi liên quan đến mua bán người, mua bán bào thai là do đời sống về kinh tế của người dân gặp khó khăn, chính vì vậy, bên cạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thì Ban chỉ đạo xã Hữu Kiệm cũng chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể vận động các tổ chức xã hội tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.

Bên cạnh đó, vận động và hướng dẫn người dân làm hồ sơ vay vốn qua các chương trình, nguồn vốn vay chính sách của Ngân hàng chính sách xã hội huyện, mở các lớp dạy nghề đan lát truyền thống, nâng cao tay nghề, đổi mẫu mã sản phẩm, cũng như liên kết, tìm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp của người dân; kêu gọi các tổ chức cá nhân, các nhà hảo tâm tổ chức các chương trình tặng quà Tết, quà hỗ trợ vùng thiên tai, quà cho học sinh đầu năm học mới…

Tăng cường các hoạt động tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân.

Từ khi mô hình “Phòng chống mua bán người tại xã Hữu Kiệm” được triển khai đến nay, trên địa bàn xã không còn xảy ra vụ việc liên quan đến mua bán người, bán bào thai; ý thức về phòng chống tội phạm của người dân cũng được cải thiện rõ rệt, tình hình ANTT trên địa bàn xã được đảm bảo; tình trạng người dân di, dịch cư trái phép sang nước ngoài như Lào và Trung Quốc đã được kìm hãm và giảm hẳn; Trình độ hiểu biết pháp luật, biết nghe và trao đổi bằng tiếng phổ thông của người dân, nhất là chị em phụ nữ người đồng bào Khơ Mú được cải thiện rõ rệt.

Sau hơn 3 năm triển khai xây dựng mô hình “Phòng chống mua bán người tại xã Hữu Kiệm”, đã mang lại hiệu quả cao trong công tác phòng, chống mua bán người trên địa bàn, góp phần đảm bảo ANQG, giữ gìn TTATXH cũng như nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân trên địa bàn xã Hữu Kiệm.

Việt Nam sẵn sàng trao đổi với Hoa Kỳ trong công tác phòng, chống mua bán người
Quảng Ninh tăng cường đấu tranh phòng, chống mua bán người

Nguồn bài viết : XS Max 3D

Top