GS.TS Võ Tòng Xuân: xây tình hữu nghị với nông dân Sierra Leone từ cách trồng lúa

2025-01-17 20:15:20
Việt Nam tận dụng Hiệp định AfCFTA để mở rộng hợp tác nông nghiệp, y tế... với châu Phi
Việt Nam hỗ trợ giải quyết "cơn đau đầu" về lương thực của châu Phi

Năm 2006, Đại sứ của Sierra Leone tại Bắc Kinh (Trung Quốc) khi đó là ông Sahr Johnny, qua giới thiệu của một công ty đã sang Việt Nam gặp GS Xuân để bàn việc giúp nước này sản xuất lương thực.

"Tôi nghĩ Việt Nam mình từ chỗ thiếu ăn đã vươn lên trở thành nước xuất khẩu gạo đứng hàng thứ hai trên thế giới thì mình có thể đem kinh nghiệm ra giúp Sierra Leone. Vậy là tôi hứa với ông Đại sứ và ông xúc tiến sắp xếp cho tôi sang Sierra Leone để khảo sát đất đai", GS Võ Tòng Xuân kể.

GS.TS Võ Tòng Xuân trong một lần đến châu Phi hướng dẫn người dân trồng lúa (Ảnh: KT).

Chuyến đi đầu tiên GS Xuân tự bỏ tiền túi để trang trải mọi chi phí. Một tuần ở Sierra Leone, ông đi khắp nơi tiếp xúc, trao đổi với các trưởng bộ lạc và nông dân để tìm hiểu tập quán làm ăn của họ. Ông cũng thảo luận với các nhân viên nghiên cứu lúa ở Rokupr để tìm hiểu những khó khăn trong nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật.

GS Xuân nhận thấy Sierra Leone đất rộng, người thưa, điều kiện khí hậu khá giống với Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, hầu hết người dân vẫn trồng lúa quảng canh một năm một vụ, chưa nắm được kỹ thuật trồng lúa tiên tiến. Nước tưới ở đây vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn nước trời, chưa có hệ thống thủy lợi nào được xây dựng, vì vậy năng suất chỉ đạt 2-3 tấn/ha.

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngày 9/6/2023, Sierra Leone, Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) và Việt Nam đã ký kết Thỏa thuận hợp tác Nam-Nam và Tam giác (SSTC). Dự án có ngân sách ước tính 5 triệu USD được thực hiện thông qua Quỹ ủy thác đơn phương (UTF) từ Sierra Leone.

Theo thỏa thuận, trong 4 năm thực hiện dự án, Việt Nam sẽ cung cấp cho Sierra Leone những kiến ​​thức chuyên môn về phát triển chuỗi giá trị lúa gạo. Các chuyên gia và kỹ thuật viên chuyên ngành lúa gạo, thủy lợi, nhân giống, cơ giới hóa và quản lý sau thu hoạch sẽ được triển khai đến các địa điểm khác nhau, bao gồm cả các trạm nghiên cứu. Ngoài ra, các sáng kiến xây dựng năng lực như tham quan học tập, đào tạo thực địa và đào tạo giảng viên sẽ được triển khai để trao quyền cho các bên liên quan tại địa phương.

Hơn 1 năm sau chuyến khảo sát, “Nhóm công tác an toàn lương thực Sierra Leone” do GS.TS Võ Tòng Xuân đứng đầu được thành lập. Một lần nữa ông lại sang Sierra Leone. Hành trang ông và các cộng sự mang theo lần này là 50 giống lúa cao sản và 10 giống lúa chất lượng cao của Đồng bằng sông Cửu Long. Các giống lúa được thử nghiệm tại khu Mange Bureh và tại trại nghiên cứu Rokupr. Song song đó, các kỹ sư thủy lợi thiết kế hệ thống tưới tiêu 200ha tại khu thực nghiệm Mange Bureh và xây dựng hệ thống tưới tiêu theo thiết kế... Các chuyên gia Việt Nam đã lập nên 2 kỳ tích: trồng được 2 vụ lúa, năng suất khoảng 4,7 tấn/ha. Thời gian sinh trưởng của cây lúa chỉ từ 95-100 ngày. Không những thế, các chuyên gia còn tích trữ được lượng lúa giống đủ để gieo trồng ở diện rộng.

Thành quả này đã khiến Phó Tổng thống Sierra Leone Solomon Berewa nói rằng: Nếu Việt Nam giúp Sierra Leone thử nghiệm và tổ chức sản xuất lương thực theo kỹ thuật của Đồng bằng sông Cửu Long thì không những nông dân Sierra Leone được no ấm mà Việt Nam còn có thể cùng Sierra Leone xuất khẩu gạo trực tiếp từ cảng Freetown của Sierra Leone đến các nước Tây Phi.

Kể lại câu chuyện sang Sierra Leone giúp nông dân nước này trồng lúa tại cuộc hội thảo quốc tế trực tuyến về an ninh lương thực và dinh dưỡng tổ chức vào cuối tháng 5/2022, GS.TS Võ Tòng Xuân một lần nữa đau đáu với mong muốn hỗ trợ người dân châu Phi giảm nỗi lo về an ninh lương thực: "Ở châu Phi, lương thực nằm chính ở trong đất, lại có sẵn nguồn nhân lực dồi dào, đặc biệt là những người trẻ rất mong được làm việc. Chỉ cần trang bị cho họ kỹ năng, công cụ, công nghệ để sản xuất, chắc chắn châu Phi sẽ chiến thắng "giặc đói", bảo đảm an ninh lương thực và phát triển bền vững…", ông nói.

Sau bước đầu thử nghiệm thành công ở Sierra Leone, GS Xuân và các cộng sự tiếp tục có mặt Nigeria, Sudan, Mozambique, Rwanda, Burundi, Liberia để khảo sát. Từ những chuyến đi, ông chia sẻ: nếu được hướng dẫn, nông dân châu Phi có thể làm nông nghiệp rất tốt. Tuy nhiên, để làm được điều này cần rất nhiều yếu tố để hỗ trợ, đồng hành cùng phát triển.

"Sử dụng giống lúa ngắn ngày, năng suất cao, có hệ thống thủy lợi tưới tiêu, chúng ta hoàn toàn có thể làm được 3 vụ trong một năm ở châu Phi. Như thế sẽ đóng góp tích cực vào an ninh lương thực ở châu Phi và trên khắp thế giới.

Chúng ta có thể hỗ trợ các nước châu Phi bằng cách chuyển giao kinh nghiệm, công nghệ, kỹ thuật trồng lúa. Tôi rất mong các tổ chức quốc tế cùng chung tay để hỗ trợ các nước châu Phi. Nếu có thêm các đơn vị tham gia để hỗ trợ cho châu Phi, nhất là về tài chính, thì chúng ta hoàn toàn có thể hiện thực hóa tất cả những nỗ lực này", GS.TS Võ Tòng Xuân cho biết.

Theo số liệu của Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông, trong 20 năm qua, Việt Nam đã cử hơn 2.000 chuyên gia nông nghiệp sang giúp các nước châu Phi trồng lúa, ngô và nuôi cá dưới hình thức hợp tác ba bên như: FAO-châu Phi-Việt Nam, IFAD-châu Phi-Việt Nam hoặc JICA-châu Phi-Việt Nam… Các chương trình hợp tác đã gặt hái được một số thành công nhất định, giúp năng suất trồng lúa và nuôi cá của một số nước châu Phi tăng lên đáng kể.

Việt Nam - châu Phi: dư địa lớn trong hợp tác nông nghiệp, an ninh lương thực, chuyển đổi số
Hành trình lan tỏa văn hóa Việt đến châu Phi của chàng trai Việt Nam

Nguồn bài viết : Giới thiệu DA88

Top