2025-01-17 20:17:20

Sáng 21/10/2024 tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh tới việc cần chú trọng nâng cao chất lượng công tác ban hành văn bản pháp luật toàn diện về cả nội dung và kỹ thuật lập pháp theo hướng ngắn gọn, chỉ quy định những vấn đề theo đúng thẩm quyền của Quốc hội, không luật hóa các vấn đề thuộc thông tư, nghị định… đảm bảo khi các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua đạt chất lượng cao và “tuổi thọ” lâu dài, tạo điều kiện thuận lợi và giao quyền chủ động, linh hoạt cho Chính phủ trong quá trình tổ chức thực hiện luật, gắn việc xây dựng luật với tổ chức thi hành luật đạt hiệu quả cao nhất.

Đây chính là kim chỉ nam cho việc xây dựng và ban hành văn bản pháp luật mà Quốc hội hướng tới, kịp thời tháo gỡ các “điểm nghẽn” thể chế, chính sách, khơi thông các nguồn lực, nhằm mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đảm bảo đời sống cho nhân dân.

Những việc này đòi hỏi bắt nguồn từ đổi mới tư duy lập pháp, ban hành văn bản pháp luật mang tầm bao quát, có chất lượng, có sức sống dài lâu; tăng cường phân cấp, phân quyền; dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm.”

Để phân tích sâu hơn về những ”điểm nghẽn” cần tháo gỡ này, phóng viên TTXVN thực hiện chùm 3 bài viết với chủ đề “Gỡ “điểm nghẽn” thể chế - khơi thông từ tư duy lập pháp.”

Bài 1: Sinh khí mới nâng tầm đại biểu Quốc hội

Cũng tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay cần được tháo gỡ là thể chế, hạ tầng và nhân lực, trong đó thể chế là “điểm nghẽn của điểm nghẽn.”

Theo cách hiểu chung, thể chế là hệ thống các cơ chế, chính sách, nguyên tắc, quy định, luật lệ... để định hướng sự phát triển của một tổ chức nói riêng hay một nhà nước nói chung.

Pháp luật là thành phần quan trọng nhất tạo nên thể chế, do vậy, để tháo gỡ “điểm nghẽn” thể chế, cần tập trung vào việc xây dựng, thực thi pháp luật sao cho hiệu quả.

Nhiệm vụ đổi mới cấp bách

Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá cao hoạt động của Quốc hội thời gian qua đã có nhiều đổi mới thực chất và hiệu quả hơn. Quốc hội ngày càng phát huy vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, với ba chức năng quan trọng: lập pháp; quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những dự án luật mới phù hợp với xu thế phát triển, Tổng Bí thư cũng chỉ rõ chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi; các quy định chưa thực sự đồng bộ, còn chồng chéo; nhiều quy định còn gây khó khăn, cản trở trong việc thực thi, gây thất thoát lãng phí các nguồn lực; chưa tạo môi trường thực sự thuận lợi để thu hút các nguồn lực của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Tổng Bí thư Tô Lâm. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Trên thực tế, nhiều quy định trong văn bản pháp luật còn trống vắng, hoặc bị chồng chéo. Đơn cử như quá trình triển khai Luật Quy hoạch, tại nhiều cơ quan, tỉnh, thành gặp khó khăn, vướng mắc với nhiều thủ tục rườm rà, loay hoay không biết tháo gỡ từ đâu.

Nổi bật là một số trình tự, thủ tục trùng lặp liên quan đến lấy ý kiến về quy hoạch (đối với một quy hoạch, tỉnh phải thực hiện quy trình lấy ý kiến các bộ, ngành ít nhất 4 lần); một số trình tự, thủ tục, trách nhiệm và thẩm quyền chưa được quy định (chưa có quy định về cơ quan trình và giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội đối với Quy hoạch Thủ đô…); một số trình tự, thủ tục chưa phù hợp với thực tiễn (quy định về lấy ý kiến cộng đồng đối với một số quy hoạch liên quan đến bí mật nhà nước; việc lập, thẩm định các hợp phần quy hoạch của quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng…).

Thêm vào đó, tại nhiều tỉnh thành cũng chật vật xoay xở với quy định về thời hạn công bố quy hoạch (15 ngày kể từ ngày quy hoạch được phê duyệt) chưa phù hợp với thực tiễn, do việc hoàn thiện hồ sơ quy hoạch, nhất là hoàn thiện sơ đồ, bản đồ quy hoạch, cơ sở dữ liệu về quy hoạch bảo đảm thống nhất với văn bản quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch mất nhiều thời gian.

Các chuyên gia cho rằng, những vướng mắc, bất cập nói trên cần được khắc phục thông qua việc sửa đổi, bổ sung các quy định tại Luật Quy hoạch về nội dung, trình tự, thủ tục và thẩm quyền liên quan đến việc lập, phê duyệt, điều chỉnh kế hoạch thực hiện quy hoạch theo hướng tăng cường phân cấp, bảo đảm đồng bộ, thống nhất giữa quy định pháp luật về quy hoạch và quy định của pháp luật khác có liên quan.

Một ví dụ khác, tại tỉnh Cao Bằng, khi thực hiện dự án đầu tư, đặc biệt là dự án có sử dụng đất được áp dụng theo quy định tại nhiều luật như: Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Lâm nghiệp… và nhiều văn bản dưới luật. Quá trình triển khai, tỉnh loay hoay với tầng tầng, lớp lớp thủ tục với khoảng trên dưới 40 thủ tục, được thực hiện trong khoảng hơn 310 ngày.

Đó là chưa kể tới trường hợp nếu có 2 nhà đầu tư (trong đó có nhà đầu tư nước ngoài) thì thủ tục thực hiện còn tăng thêm 30 ngày.

Điều này khiến cho các thủ tục thực hiện dự án đầu tư tại tỉnh Cao Bằng mất rất nhiều thời gian, làm giảm khả năng cạnh tranh, giảm thu hút nguồn đầu tư vào tỉnh.

Theo các chuyên gia lập pháp, những vướng mắc, bất cập nói trên cần được sửa đổi trong luật, theo hướng lồng ghép các quy trình, thủ tục hiện hành; hoặc quản lý dựa trên rủi ro đi kèm với các yêu cầu, điều kiện cụ thể, chặt chẽ.

Đồng thời, quy định quy trình đặc biệt để thu hút dự án đặc biệt, trường hợp nhằm cạnh tranh với các quốc gia khác để thu hút các dự án đầu tư thì Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định nhằm đảm bảo kịp thời, sau đó có cơ chế thực hiện hậu kiểm, kiểm soát rủi ro.

Những điều này đòi hỏi việc ban hành văn bản pháp luật cần phải được đổi mới toàn diện, từ tư duy lập pháp đến phương thức soạn thảo, ban hành, thực thi văn bản pháp luật.

Đây cũng chính là yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại phiên họp thứ 37 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, trong đó nhấn mạnh việc xây dựng pháp luật phải từ các Bộ, ngành. Bộ trưởng, Thứ trưởng, các Vụ có liên quan phải ngồi nhiều lần, nhiều cuộc, phải xem từng khoản, từng điều, từng chương của Luật, Nghị quyết thì Luật, Nghị quyết mới có chất lượng và “tuổi thọ” lâu dài.

Trọng trách trên vai người đại biểu nhân dân

Tiến sỹ Nguyễn Quốc Việt (Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách - VEPR) đánh giá, “điểm nghẽn” thể chế thường có 2 hình thức: Quá nhiều và quá ít quy định điều chỉnh. Điều quan trọng hơn, sâu xa hơn là “điểm nghẽn” nằm ở chất lượng chính sách trong các văn bản quy phạm pháp luật nói chung và các văn bản luật nói riêng.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Đặc biệt là các văn bản pháp luật chuyên ngành chưa đảm bảo sự đánh giá tác động toàn diện và phù hợp của chính sách đưa ra trong văn bản. Tại một số văn bản, việc đánh giá tác động khi xây dựng dự thảo pháp luật bị cho là khá hời hợt, không toàn diện, không đầy đủ, mang đậm yếu tố đánh giá chủ quan từ phía các cơ quan Nhà nước, chưa phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội.

Chính sự không phù hợp với thực tiễn đời sống là điều cản trở, là những “điểm nghẽn” khiến văn bản pháp luật đó không thể đi vào cuộc sống, mà khi đó dễ nhầm tưởng là do khâu thực thi pháp luật đem lại.

Và khi cố gắng cải tiến khâu thực thi pháp luật (tập trung vào cải cách thủ tục hành chính và cắt giảm thủ tục hành chính…) thì hiệu quả lại không đạt như mong muốn.Xét về bản chất, “nghẽn” thể chế là hiện tượng các thiết chế hoạt động bế tắc, kém hiệu quả.

Nguyên nhân của “nghẽn” thể chế là sự ôm đồm, chồng chéo và xung đột của hệ thống pháp luật. Như vậy, muốn gỡ “nghẽn” thể chế thì phải cải cách hệ thống pháp luật.

Trước hết là cải cách về tư duy, tiếp đó là cải cách việc làm chính sách.Đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị nhưng trọng trách rất lớn đặt lên vai của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội và của Chính phủ. Với trọng trách này, các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan chức năng… phải phát huy tinh thần trách nhiệm, không ngại va chạm để đóng góp xây dựng luật với chất lượng tốt nhất, loại bỏ sự chồng chéo, xung đột, lợi ích nhóm…

Đội ngũ xây dựng luật phải thực sự là những con người có trình độ, là chuyên gia trong từng lĩnh vực, có đạo đức, phẩm chất tốt, không chịu bất cứ áp lực, sự ràng buộc nào để có thể làm sai lệch nội dung luật theo chiều hướng tiêu cực.

Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Điện Biên, Vĩnh Long, Kon Tum và thành phố Cần Thơ thảo luận ở tổ. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Theo Tiến sỹ Nguyễn Quốc Việt, để tháo gỡ “điểm nghẽn” thể chế cần phân định rạch ròi chức năng nhiệm vụ, cũng như cá thể hóa trách nhiệm của từng cơ quan quản lý, từ cấp trung ương đến địa phương.

Thêm vào đó, Nhà nước cần phải giảm bớt ôm đồm các công việc của thị trường và xã hội, theo hướng giảm điều tiết, giảm vai trò quản lý, giảm sự can thiệp của Nhà nước đối với xã hội, để thị trường tự vận hành, xã hội tự vận động.

Muốn các văn bản pháp luật nhanh chóng đi vào cuộc sống, có “tuổi thọ” cao, phải đáp ứng hài hòa giữa hai yếu tố: Tránh tình trạng quy định quá chi tiết, dài dòng, nhất là những nội dung chưa rõ, thường xuyên biến động; đồng thời không để xảy ra tình trạng quy định quá chung chung, khó hiểu, phải có nhiều văn bản dưới luật hướng dẫn… Và trên hết là phải đứng trên mảnh đất thực tiễn để xây dựng hệ thống pháp luật./.

Bài 2: Đứng trên mảnh đất thực tiễn để xây dựng pháp luật

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn bài viết : Lịch thi đấu

Top