Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng - những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách nắm và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc.
Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890-19/5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đúng, thực chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mãi là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới.
Là lãnh tụ của Đảng, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương ngời sáng, mẫu mực về đạo đức cách mạng để cán bộ, đảng viên và nhân dân Việt Nam học tập, làm theo.
Ngay từ khi tuyên truyền, vận động thành lập Đảng, trong tác phẩm "Đường kách mệnh," Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định đạo đức cách mạng là nội dung cốt lõi đầu tiên trong những vấn đề căn bản của cách mạng Việt Nam.
Người nhiều lần nhấn mạnh, đạo đức là "gốc" của người cách mạng, bởi "Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân".
Noi gương đạo đức cách mạng và thấm nhuần lời căn dặn của Bác, trong hơn 93 năm lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Việt Nam, Đảng luôn quan tâm, chú trọng xây dựng Đảng về đạo đức, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Nhờ đó mà Đảng thu phục được lòng dân, chung sức, chung lòng, không quản ngại hy sinh, gian khổ để làm nên những thắng lợi vẻ vang.
Thực tiễn cách mạng đã cho thấy trong những năm tháng kháng chiến, giải phóng dân tộc, hình ảnh những đảng viên chiến sỹ tiên phong cầm lá cờ quyết chiến quyết thắng hay lá cờ búa liềm xông lên phía trước, dẫn dắt đội quân anh dũng diệt giặc; người này ngã xuống, người sau lại tiến lên tiếp tục giương cao lá cờ đã có sức thuyết phục mạnh mẽ, khơi dậy trong quần chúng nhân dân lòng yêu nước nồng nàn, quyết tâm một lòng một dạ đi theo con đường cách mạng dưới sự dẫn dắt của Đảng.
Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Trần Minh Trưởng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), có một nguyên nhân quan trọng, khẳng định vai trò, vị trí lãnh đạo của Đảng, là những tấm gương đảng viên đã chiến đấu hy sinh anh dũng trước lưỡi lê, máy chém của kẻ thù, tỏ rõ tinh thần yêu nước bất khuất, phẩm chất đạo đức sáng ngời, tiêu biểu cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Đây là yếu tố tạo dựng niềm tin tuyệt đối giữa Đảng với dân; là cơ sở quan trọng nhất, tạo nên sức mạnh chiến thắng kẻ thù, làm nên thắng lợi.
Uy tín có thể hiểu là sự tín nhiệm mà một người có được bằng chính phẩm chất và tài năng của mình. Với người lãnh đạo, mà ở đây là Đảng Cộng sản Việt Nam, thứ làm nên uy tín của Đảng, giúp Đảng được cả dân tộc tín nhiệm trao cho ngọn cờ lãnh đạo cách mạng đó không chỉ là đường lối cách mạng đúng đắn: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà còn là vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên, đặc biệt là các đảng viên giữ các chức vụ lãnh đạo hay đó chính là trách nhiệm nêu gương đạo đức cách mạng; từ việc làm, lời nói cho đến cách ăn ở, phải làm sao cho dân tin, dân phục, dân yêu.
Theo Tiến sỹ Trần Thị Hợi (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), đạo đức là yếu tố làm nên sức mạnh của Đảng, tạo ra sự hấp dẫn của Đảng đối với nhân dân. Nếu thiếu đạo đức, Đảng sẽ không quy tụ, tập hợp được nhân dân và do đó, cũng không thể đủ khả năng để lãnh đạo, dẫn dắt dân tộc tiến hành cách mạng.
Nhìn nhận thẳng thắn, đã có thời, hình ảnh người cộng sản trong mắt quần chúng nhân dân là một mẫu mực của đạo đức cách mạng, chủ nghĩa anh hùng, xả thân vì độc lập dân tộc, ấm no, hạnh phúc của nhân dân và là ước mơ của nhiều người: "Nếu là người hãy là người cộng sản."
Thế nhưng khi đất nước chuyển mình bước vào nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ở đâu đó, hình ảnh người đảng viên cộng sản dường như giảm đi sức hấp dẫn.
Trong các văn bản hay phát biểu của lãnh đạo cấp cao, Đảng đã có những cảnh báo về thực tế nhức nhối này. Đó là sự giảm sút niềm tin của nhân dân với Đảng; biểu hiện "nhạt Đảng," "khô Đoàn," "xa rời chính trị" trong một bộ phận thanh niên...
Vì sao lại có hiện tượng trên?
Đó là bởi bên cạnh số đông đảng viên vững vàng, không bị đồng tiền và danh vọng cám dỗ làm hoen ố phẩm chất, lại có một bộ phận đảng viên không chịu trui rèn thường xuyên đạo đức cách mạng; không giữ được vai trò tiên phong, gương mẫu của mình, tự thủ tiêu vai trò của mình, thậm chí có một số người thoái hóa, hư hỏng, không còn xứng đáng với tư cách và danh hiệu đảng viên.
Trong Sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh," Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phải cảnh báo: "Chính những người này đã làm hại thanh danh, uy tín của Đảng, làm giảm lòng tin của quần chúng đối với Đảng."
Đã có rất nhiều trường hợp cán bộ bị kỷ luật Đảng và xử lý trước pháp luật thời gian qua vì vi phạm Điều lệ Đảng, Quy định về những điều đảng viên không được làm, vì danh lợi cá nhân mà bất chấp kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước.
Trong năm 2023, Đảng đã thi hành kỷ luật 19 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trong đó lần đầu tiên có 6 cán bộ bị xử lý kỷ luật do vi phạm trong kê khai tài sản, thu nhập.
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến cuối năm 2023, Đảng đã thi hành kỷ luật 105 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 22 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng.
Đây là những con số mà theo như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Thật đau xót, nhưng không thể không làm, không có cách nào khác." "Đây là bài học sâu sắc, bài học đắt giá cho tất cả chúng ta."
Do đó, trong chỉnh đốn Đảng hiện nay, xây dựng Đảng về đạo đức là yêu cầu quan trọng, cấp thiết. Trong đó, giáo dục, bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên là nội dung trọng tâm, bởi cán bộ, đảng viên là tế bào của Đảng, tế bào có trong sạch thì cơ thể Đảng mới mạnh khỏe.
Nhận thức được điều này, thời gian qua, toàn Đảng đã hưởng ứng thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW với sức lan tỏa sâu rộng.
Trong phong trào học tập và làm theo gương Bác, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu phải tiên phong, gương mẫu, thực hành thường xuyên và thực chất những chuẩn mực đạo đức cách mạng. Đừng chỉ nói đấu tranh rất mạnh nhưng bản thân "chân mình còn lấm bê bê, lại cầm bó đuốc đi rê chân người.""Đạo đức là cái gốc của người cách mạng."
Luận điểm của Bác Hồ không phải là chỉ dạy thông thường, và càng không chỉ là một khẩu hiệu đơn thuần của một phong trào, mà đây là điều kiện tiên quyết, việc bắt buộc phải làm, mang tính quyết định đến sự tồn vong của chế độ.
Chỉ có thực hành nghiêm túc, thực chất đạo đức cách mạng như "rửa mặt hàng ngày", đảng viên, trong đó đặc biệt là đảng viên giữ cương vị, chức vụ mới thực sự giữ được mình; Đảng mới thật trong sạch, vững mạnh, "là đạo đức, là văn minh," là tổ chức của những người ưu tú, có bản lĩnh chính trị vững vàng; đủ năng lực, uy tín để mãi cầm giữ và giương cao ngọn cờ lãnh đạo, xứng đáng với trọng trách được nhân dân giao phó./.
Quy định số 144-QĐ/TW (ngày 9/5/2024) về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới vừa được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành.
Nguồn bài viết : Lịch thi đấu laliga