2025-01-17 20:17:24

Tại Phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng ngày 13/3, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Nhân sự đã chủ trì và có bài phát biểu “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng.”

Đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Đắk Lắk đồng tình, nhất trí, tâm đắc với quan điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra.

Khẳng định công tác chuẩn bị nhân sự đặc biệt quan trọng

Theo Tiến sỹ Lương Hữu Nam, Trưởng Khoa Xây dựng Đảng, Trường Chính trị tỉnh Đắk Lắk, Đại hội XIV của Đảng dự kiến diễn ra quý 1 năm 2026 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của đất nước và công tác xây dựng Đảng.

Ông Y Khút Niê, Nguyên Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk chia sẻ ý kiến về bài phát biểu của Tổng Bí thư về công tác nhân sự. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Đại hội không chỉ đánh giá, tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII mà còn đề ra phương hướng cho sự phát triển đất nước giai đoạn 2026-2031; đồng thời tổng kết 40 năm đổi mới đất nước.

Để hoàn thành trọng trách trên, mọi công tác phải được chuẩn bị cẩn thận, chắc chắn. Trong đó, việc chuẩn bị nhân sự có ý nghĩa quyết định đối với sự thành công của Đại hội cũng như sự phát triển của đất nước, của Đảng trong giai đoạn tiếp theo.

Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định “thực tế cho thấy, trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhất là vào những thời điểm quyết định hoặc có tính bước ngoặt lịch sử, vận nước đặt tất cả vào đội ngũ cán bộ cấp chiến lược.”

Tiến sỹ Lương Hữu Nam nhấn mạnh, bài phát biểu của Tổng Bí thư đã nêu bật vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội; yêu cầu đặt ra cho công tác nhân sự của Đại hội XIV, cũng như nội dung, phương pháp, cách thức tiến hành và trách nhiệm của Tiểu ban Nhân sự.

Đây là những vấn đề hệ trọng, quyết định đối với sự phát triển của đất nước cũng như niềm tin của nhân dân vào Đảng, chế độ. Bài phát biểu đã nêu lên những vấn đề lớn, cốt lõi trong công tác chuẩn bị nhân sự cấp cao của Đảng, định hướng cho việc giới thiệu những cán bộ đủ sức, đủ tài, đủ tâm, đủ tầm vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị khóa XIV. Đây là những gợi mở cho cấp ủy Đảng các cấp trong việc chuẩn bị nhân sự Đại hội từ cơ sở đến Trung ương.

Ông Y Khút Niê, Nguyên Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk cho rằng, bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất sâu sắc, cụ thể, khách quan, một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của công tác nhân sự ở bất kỳ Đại hội nào.

Nếu công tác nhân sự được chuẩn bị chu đáo, đúng với các quy định, tiêu chuẩn mà Đảng đã đề ra, sẽ tạo ra đột phá lớn cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Trong quá trình chuẩn bị cho công tác nhân sự, Đảng đã có những bước chuẩn bị khá chu đáo, đó là đào tạo, rèn luyện cán bộ qua từng bước.

Sau khi Đại hội XIII của Đảng thành công đến nay cũng là quá trình thử nghiệm, kiểm tra, đánh giá trình độ, năng lực, phẩm chất chính trị và sự rèn luyện, phấn đấu của mỗi cán bộ chủ chốt.

Chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIV của Đảng là bước tiếp tục rà soát, sàng lọc, xem xét những cán bộ, nhân sự đã nằm trong quy hoạch có xứng đáng hay không.

Ông Y Khút Niê tâm đắc, ông ấn tượng với quan điểm của Tổng Bí thư là “không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV những người có bản lĩnh chính trị không vững vàng; không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng; kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc…”

Đây là những tiêu chuẩn được nhận diện rất rõ ràng, cụ thể, định hướng cho công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIV của Đảng.

Công tác nhân sự phải thận trọng, theo một quy trình chặt chẽ

Theo Tiến sỹ Lương Hữu Nam, Trưởng Khoa Xây dựng Đảng, Trường Chính trị tỉnh Đắk Lắk, để thực hiện đúng, trúng như phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư, trước hết đòi hỏi mỗi thành viên phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc trách nhiệm của bản thân đối với dân tộc, đất nước, với Đảng và nhân dân phải đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, trước hết; đồng thời, phải nắm vững vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội.

Tiến sỹ Lương Hữu Nam, Trưởng Khoa Xây dựng Đảng, Trường Chính trị tỉnh Đắk Lắk chia sẻ ý kiến về bài phát biểu của Tổng Bí thư về công tác nhân sự. (Ảnh: TTXVN phát)

Mỗi thành viên phải bám sát yêu cầu, nội dung, phương pháp, cách thức tiến hành; trong đó, trước hết phải nắm vững 3 yêu cầu, 3 vấn đề, 6 khuyết điểm đã được chỉ ra trong bài phát biểu.

Như vậy mới lựa chọn được những người xứng đáng vào Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, cũng như mới loại bỏ được “những người đã phạm sai lầm hoặc sa sút về phẩm chất, đạo đức, vướng vào tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, hống hách, gia trưởng, nịnh trên, nạt dưới, bao che cho tội phạm, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng.

Để những người đó lọt được vào cương vị lãnh đạo là tai họa cho Đảng, là tạo điều kiện cho họ càng hại nước, hại dân nhiều hơn.”

“Có thể khẳng định, để lựa chọn nhân sự không bỏ sót những người thật sự có đức, có tài, đủ tiêu chuẩn, đồng thời, không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV những người mắc khuyết điểm, công tác này phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, rất chu đáo, cẩn thận, tránh tối đa những sai sót. Trong tiến hành phải thận trọng, làm dứt điểm từng khâu, từng công đoạn, theo một quy trình chặt chẽ; làm đến đâu chắc đến đó, chặt chẽ, chắc chắn, bảo đảm sự đồng bộ, khoa học” - Tiến sỹ Lương Hữu Nam nhấn mạnh.

Theo ông Y Khút Niê, Nguyên Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk, các địa phương cần quán triệt sâu sắc nội dung bài phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng; đồng thời, đưa vào áp dụng sát tình hình thực tiễn.

Từ nay cho đến Đại hội, các địa phương phải rà soát, xem xét lại những nhân sự đã được quy hoạch, đảm bảo thật chắc chắn, có vi phạm hay không để củng cố toàn bộ vị trí và tiếp tục đưa vào quy hoạch.

Ngoài ra, các địa phương cần kiểm tra, giám sát, nắm tình hình từ nhân dân; tránh trường hợp đưa vào Ban Chấp hành Đảng bộ các cấp, sau đó phát hiện những sai sót rồi phải thay đổi nhân sự.

Ông Y Khút Niê nhấn mạnh, công tác nhân sự là sự chuẩn bị rất kỳ công; là việc làm thường xuyên của Đảng. Trong đó, công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá, nắm tình hình trong nhân dân là bước được Đảng chuẩn bị kỹ lưỡng.

Thực tiễn, thời gian qua, tổ chức đã rà soát, xem xét rất kỹ những người có biểu hiện vi phạm. Người vi phạm cần loại bỏ, dừng lại, thay đổi quy hoạch, chứ không nhất thiết đã quy hoạch là phải đưa vào Ban Chấp hành Đảng bộ các cấp.

Từ nay đến khi Đại hội XIV, các cấp ủy Đảng tiếp tục rà soát, xem xét, lựa chọn những đảng viên thật sự đủ phẩm chất, đạo đức, đủ năng lực và tiếp tục quá trình sàng lọc để đánh giá sự rèn luyện, phấn đấu của mỗi cán bộ chủ chốt.

Các địa phương cần rà soát, xem xét lại, làm sao khi đưa nhân sự để Đại hội bầu, lựa chọn phải thực sự đủ năng lực, phẩm chất, bản lĩnh chính trị vững vàng.

Qua bài phát biểu của Tổng Bí Thư, ông Y Khút Niê mong đợi, trên cơ sở trình độ, năng lực cá nhân, nhân sự được lựa chọn, tín nhiệm và bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ các cấp phải phát huy truyền thống cách mạng, giữ vững lập trường, phẩm chất đạo đức cách mạng, làm việc vì nhân dân, phục vụ vì nhân dân, giữ gìn sự trong sạch của từng cán bộ đảng viên, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội và giữ vững lập trường của Đảng, xứng đáng với sự kỳ vọng của toàn Đảng, toàn dân./.

Phát biểu của Tổng Bí thư về công tác nhân sự rất khách quan, có tính định hướng

Cán bộ, đảng viên, nhân dân có chung nhận định phát biểu của Tổng Bí thư về công tác nhân sự rất khách quan, có tính định hướng, ảnh hưởng nhất định đến việc chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIV của Đảng.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn bài viết : Bảng đặc biệt năm 2024

Top