“Yêu chuộng hoà bình là đặc điểm nổi trội trong đối ngoại nhân dân”

2025-01-17 20:15:21
Ủy ban Hòa bình Việt Nam đóng góp thiết thực, trách nhiệm vào hòa bình thế giới
Những điểm sáng trong hoạt động của Ủy ban Hòa bình các địa phương

Xin ông cho biết những tư tưởng, triết lý xuyên suốt trong hoạt động ngoại giao nói chung và đối ngoại nhân dân nói riêng được hình thành từ thời cha ông ta và thời đại Hồ Chí Minh là gì?

- Đất nước Việt Nam của chúng ta có bề dày lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm trong hàng ngàn năm qua. Dân tộc ta đã trải qua nhiều hy sinh, mất mát. Nhưng vượt lên trên hết, văn hoá của Việt Nam luôn thể hiện rõ tinh thần yêu chuộng hoà bình, tinh thần hòa hiếu. Đó cũng là một đặc điểm nổi trội trong ngoại giao Việt Nam.

Tinh thần này được thể hiện rõ trong những câu chuyện lịch sử như sự tích Hồ Gươm với chi tiết vua Lê Lợi trả lại gươm quý cho rùa thần sau khi đã đánh đuổi quân ngoại xâm; chính sách của các triều đình trước đây, sau khi đánh thắng giặc ngoại xâm đều chủ động cầu hoà, thậm chí là nhún nhường các nước lớn để gìn giữ cục diện hoà bình, tập trung phát triển đất nước.

Ông Trần Đắc Lợi phát biểu tại một hội nghị quốc tế. (Ảnh: TTXVN)

Truyền thống tốt đẹp này tiếp tục được tiếp nối trong thời đại Hồ Chí Minh. Ngay sau thành công của Cách mạng tháng 8, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã tập trung nỗ lực nhằm vãn hồi hoà bình thông qua những đàm phán, thỏa thuận thậm chí là thỏa hiệp với phía Pháp để duy trì nền hoà bình cho đất nước.

Trong “Thư gửi những người Pháp ở Đông Dương” vào 10/1945, Người đã tỏ lòng kính trọng đối với nhân dân Pháp và nêu rõ những điểm tương đồng giữa hai dân tộc Việt - Pháp là khát vọng độc lập, tự do và kêu gọi: "Hỡi những người Pháp ở Đông Dương, các bạn không nghĩ rằng máu nhân loại đã chảy nhiều, rằng hòa bình - một nền hòa bình chân chính xây trên bình và lý tưởng dân chủ phải thay cho chiến tranh, rằng tự do, bình đẳng, bác ái phải thực hiện trên khắp các nước không phân biệt chủng tộc và màu da”.

Đây cũng là tinh thần nhất quán được Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc lại trong các cuộc gặp gỡ, đối thoại và trao đổi thư điện với các chính khách, chính quyền thực dân.

Ngay cả khi thực dân Pháp gây hấn ở Nam Bộ, tiến hành xâm lược trở lại Việt Nam, Người vẫn chủ trương kiên trì giải pháp thương lượng, sẵn sàng chấp nhận thỏa hiệp, nhân nhượng, trên cơ sở bảo đảm độc lập của Việt Nam, tránh một cuộc chiến tranh tàn khốc cho nhân dân Việt Nam với chính quyền thực dân Pháp.

Những nỗ lực của Hồ Chí Minh nhằm thực thi đối thoại, chủ trương giải quyết một cách hòa bình những mâu thuẫn và khác biệt trong quan hệ Việt - Pháp được thể hiện tập trung nhất khi ký với đại diện Chính phủ Pháp Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946 và Tạm ước 14/9/1946.

Theo ông Trần Đắc Lợi, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, truyền thống yêu chuộng hoà bình tiếp tục được triển khai. "Suốt thời gian qua, tư tưởng triết lý ngoại giao của Bác Hồ luôn là: “Thêm bạn bớt thù, khép lại quá khứ hướng tới tương lai”. Trong các nỗ lực để bảo vệ, duy trì hoà bình, Bác Hồ và Đảng ta rất coi trọng vai trò của đối ngoại nhân dân...", ông Trần Đắc Lợi nhận định.

Khi nguy cơ cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp đã bao trùm, nhằm cứu văn hòa bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn gửi đi một thông điệp hòa bình đến phía Pháp, Người tuyên bố: "Đồng bào tôi và tôi thành thực muốn hòa bình. Chúng tôi không muốn chiến tranh. Cuộc chiến tranh này chúng tôi muốn tránh bằng đủ mọi cách. Nhưng cuộc chiến tranh ấy, nếu người ta buộc chúng tôi phải làm, thì chúng tôi sẽ làm. Chúng tôi không lạ gì những điều đang đợi chúng tôi. Dù sao, tôi mong rằng chúng ta sẽ không đi tới cách giải quyết ấy…".

Từ nhận thức về vai trò, vị trí và sức mạnh nhân dân trong sự nghiệp cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: "Sự vĩ đại của Cách mạng Việt Nam chính là ở sự đoàn kết của nhân dân Việt Nam và sự ủng hộ của nhân dân thế giới". Điều đó có nghĩa là sự ủng hộ của nhân dân thế giới chính là nhân tố quan trọng để tạo nên thắng lợi cho cách mạng Việt Nam. Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta rất quan tâm và thúc đẩy công tác đối ngoại nhân dân.

Vậy đường lối này đã được cụ thể hoá và thể hiện xuyên suốt ra sao trong thời kỳ kháng chiến cứu nước, thưa ông?

- Ngay sau thành công của Cách mạng tháng Tám 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo thành lập Hội Việt - Mỹ thân hữu, Hội Việt - Trung hữu hảo. Đây là những tổ chức đối ngoại nhân dân đầu tiên, qua đó nhằm thiết lập mối quan hệ giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân Mỹ và Trung Quốc.

Giữa những ngày cao điểm của cuộc kháng chiến chống Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ đạo việc lập ra Uỷ ban Bảo vệ hoà bình thế giới của Việt Nam ngay tại chiến khu Việt Bắc vào tháng 11/1950. Bác đã trực tiếp gặp gỡ và chỉ đạo các đại biểu trước khi đi tham dự hoạt động về đối ngoại nhân dân tại các Hội nghị quốc tế. Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, các tổ chức hữu nghị hoà bình nhân dân cũng được hình thành theo sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta.

Cũng trong những năm qua, các đại hội Đảng đều có những quyết nghị đánh giá vai trò và sự cần thiết trong việc tăng cường công tác đối ngoại nhân dân nhằm qua đó phục vụ sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Trên cơ sở tinh thần kiên định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển. Với phương châm, Việt Nam luôn chủ trương là bạn và đối tác tin cậy của tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế.

Chúng ta cũng đặc biệt đề cao và tiếp tục phát huy truyền thống yêu chuộng hoà bình của dân tộc và của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời kỳ mới, thông qua việc đề ra chủ trương chính sách 3 không (không tham gia liên minh quân sự, không cho phép đặt căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam, không đi với nước này chống lại nước kia). Việt Nam cũng kiên trì chủ trương giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Những chính sách đó đề cao giá trị truyền thống yêu chuộng hoà bình của Việt Nam.

Về đối ngoại nhân dân, Đại hội Đảng lần thứ IX năm 2001 đã nêu rõ: “Mở rộng hơn nữa công tác đối ngoại nhân dân, tăng cường quan hệ song phương và đa phương với các tổ chức nhân dân các nước, nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác với các tổ chức phi chính phủ quốc gia và quốc tế, góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân ta và nhân dân các nước trong khu vực và trên thế giới".

Các đại hội Đảng tiếp theo đều có những chỉ đạo về đối ngoại nhân dân. Gần đây, Đại hội Đảng lần thứ XIII năm 2021 cũng xác định rõ: đối ngoại nhân dân là 1 trong 3 trụ cột của nền ngoại giao Việt Nam. Điều đó cho thấy sự coi trọng của Đảng về công tác đối ngoại nhân dân. Đặc biệt trong bối cảnh mở cửa hội nhập, Đảng đã tăng cường chỉ đạo đối ngoại nhân dân.

Ngày 20/9/1994, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 44 về mở rộng và đổi mới công tác đối ngoại nhân dân, Chỉ thị 04 ngày 6/7/2011 về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới. Gần đây nhất, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 12 ngày 05/1/2022 về tiếp tục đời mới và nâng cao hiệu quả của công tác đối ngoại nhân dân. Những điều này đã thể hiện rõ nét sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với công tác đối ngoại nhân dân.

Thấm nhuần những tưởng về tinh thần hòa hiếu, yêu chuộng hòa bình, công tác đối ngoại nhân dân đã được triển khai trong thời gian qua ra sao, thưa ông?

- Trong thời gian qua, công tác đối ngoại nhân dân dưới sự chỉ đạo của Đảng đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Điều này thể hiện trước hết ở việc phát triển lực lượng làm công tác đối ngoại nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đều tham gia tích cực vào hoạt động đối ngoại.

“Thông qua hoạt động đối ngoại nhân dân, Việt Nam đã tranh thủ được sự hỗ trợ trị giá hàng tỷ USD từ nguồn viện trợ phi chính phủ của nước ngoài, từ đó hỗ trợ cho công tác xoá đói giảm nghèo, khắc phục hậu quả chiến tranh, bảo vệ môi trường phát triển kinh tế - xã hội..”, ông Trần Đắc Lợi cho biết.

Đặc biệt, từ năm 1992, Ban Bí thư và Chính phủ đã quyết định tách Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam ra khỏi Ban đối ngoại Trung ương để trở thành một tổ chức chuyên trách về công tác đối ngoại nhân dân. Trên cơ sở của việc phát triển lực lượng đó, quan hệ đối ngoại nhân dân của chúng ta trong thời gian qua đã không ngừng được mở rộng, đa phương hoá, đa dạng hoá.

Hiện nay, các tổ chức nhân dân Việt Nam có hàng ngàn các tổ chức đối tác tại nhiều quốc gia. Bên cạnh các tổ chức bạn bè truyền thống, chúng ta đã có thêm nhiều đối tác mới trên các địa bàn và nội dung hợp tác mới. Tăng cường quan hệ với các tổ chức nhân dân các nước láng giềng khu vực, mở rộng quan hệ với các tổ chức nhân dân các nước khác.

Chúng ta cũng đã tạo điều kiện cho hơn 500 tổ chức phi chính phủ nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Ngoài ra, các tổ chức nhân dân của Việt Nam cũng tham gia và đóng vai trò tích cực vào nhiều tổ chức đa phương khu vực và quốc tế. Trên cơ sở phát triển lực lượng và mở rộng quan hệ đối ngoại như vậy, các tổ chức đối ngoại nhân dân đã triển khai được nhiều hoạt động đối ngoại thiết thực và có hiệu quả.

Một trong những lĩnh vực ưu tiên được thực hiện thời gian qua là việc củng cố quan hệ hữu nghị nhân dân với các nước láng giềng. Đơn cử như các hoạt động đối ngoại: Diễn đàn Nhân dân Việt Nam - Trung Quốc, Liên hoan thanh niên Việt Nam - Trung Quốc, Liên hoan thanh niên Việt - Lào, Campuchia, Gặp gỡ nhân dân các tỉnh biên giới Việt Nam - Lào và Việt Nam - Campuchia, Giao lưu nhân dân biên giới Việt - Trung, v.v...

Bên cạnh đó, các tổ chức nhân dân cũng tích cực tham gia vào nhiều diễn đàn khu vực và quốc tế, qua đó quảng bá hình ảnh Việt Nam, bảo vệ lợi ích quốc gia trong các diễn đàn quốc tế như: Diễn đàn nhân dân ASEAN, diễn đàn nhân dân Á - Âu, diễn đàn xã hội thế giới, diễn đàn về nhân quyền của Liên Hợp quốc… Những hoạt động trên đã đóng góp hiệu quả vào việc củng cố các quan hệ hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau và thúc đẩy sự hợp tác giữa các tổ chức nhân dân của Việt Nam và các nước khác.

4 nhiệm vụ chính của công tác đối ngoại nhân dân trong thời gian tới

Theo ông Trần Đắc Lợi, trong thời gian tới đây, công tác đối ngoại nhân dân cần chú trọng tập trung làm tốt 4 nhiệm vụ lớn. Đầu tiên cần tiếp tục phát triển lực lượng đối ngoại nhân dân, nâng cao hơn nữa năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại nhân dân để có thể đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, trong một thế giới có nhiều diễn biến ngày càng phức tạp. Nhiệm vụ tiếp sau là tiếp tục mở rộng, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ đối ngoại của các tổ chức nhân dân, đặc biệt chú trọng tăng cường hơn nữa chiều sâu trong quan hệ với các quan hệ đối tác.

“Nhiệm vụ thứ 3 là chú trọng đổi mới, nâng cao hơn nữa hiệu quả của các hoạt động đối ngoại nhân dân, phát huy đầy đủ hơn thế mạnh của đối ngoại nhân dân trong bảo vệ và thúc đẩy lợi ích quốc gia - dân tộc. Cuối cùng, chúng ta cần tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa đối ngoại nhân dân với đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước, phối hợp thống nhất giữa các tổ chức nhân dân Việt Nam trong các hoạt động đối ngoại nhân dân”, ông Trần Đắc Lợi cho biết.

Trân trọng cảm ơn ông

Hoàng Mạnh thực hiện

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về hòa bình
Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân của dân tộc, là kết tinh của văn hóa Việt Nam. Tư tưởng của Hồ Chí Minh trong lĩnh vực đối ngoại mang đậm dấu ấn truyền thống ngoại giao của dân tộc, đó là tư tưởng hòa bình, hữu nghị, hợp tác và cùng phát triển giữa các dân tộc.
Đại hội lần thứ 22 Hội đồng Hòa bình thế giới sẽ diễn ra tại Hà Nội, Quảng Ninh (21-26/11/2022)
Từ ngày 21-26/11/2022 tại Hà Nội, Quảng Ninh sẽ diễn ra Đại hội lần thứ 22 Hội đồng Hòa Bình thế giới do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Ủy ban Hòa Bình Việt Nam, Hội đồng Hòa bình thế giới phối hợp tổ chức. Đây là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức Đại hội Hội đồng Hòa Bình thế giới.

Nguồn bài viết : Thống kê XSMN

Top