Các đại biểu Quốc hội đều tán thành xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cấp thiết về thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và đấu thầu.
Thảo luận về nội dung sửa đổi Luật Quy hoạch, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng, việc bổ sung quy định điều chỉnh quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn là hợp lý để giải quyết các vấn đề cấp bách trong thực tiễn. Tuy nhiên, cần có các quy định cụ thể để đảm bảo chất lượng quy hoạch, đặc biệt là đối với những quy hoạch được điều chỉnh mà không qua quy trình thẩm định.
Đại biểu đề nghị, dự thảo Luật bổ sung thêm các tiêu chí kiểm soát chất lượng trong trường hợp điều chỉnh quy hoạch theo thủ tục rút gọn. Về việc bỏ thủ tục xin chủ trương điều chỉnh quy hoạch, theo đại biểu Thạch Phước Bình, đây là đề xuất hợp lý nhằm giảm bớt thủ tục hành chính không cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án cấp bách. Tuy nhiên, cần quy định rõ hơn về các trường hợp có thể điều chỉnh quy hoạch theo thủ tục rút gọn để tránh việc lạm dụng.
Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, việc chuyển thẩm quyền chấp thuận chủ trương điều chỉnh quy hoạch tổng thể quốc gia từ Quốc hội sang Chính phủ có thể giúp tăng tính linh hoạt và giảm thời gian phê duyệt. Tuy nhiên, để đảm bảo tính thống nhất, đại biểu đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu kỹ các tiêu chí, điều kiện phù hợp và quy định rõ ràng về thẩm quyền, góp phần giúp đáp ứng yêu cầu cấp bách trong phát triển kinh tế-xã hội, nhưng cũng đồng thời đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan.
Liên quan đến nội dung sửa đổi Luật Đầu tư, theo đại biểu Thạch Phước Bình, việc phân cấp thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư đặc biệt cho Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế là một hướng đi hợp lý, giúp rút ngắn quy trình, giảm tải cho các cấp cao hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai dự án. Tuy nhiên, quy định này cần phải đi kèm với các tiêu chí cụ thể về năng lực và nguồn lực của từng Ban Quản lý để đảm bảo khả năng thực hiện nhiệm vụ.
Thảo luận tại tổ, đại biểu Vương Quốc Thắng (Quảng Nam) cho biết, tại Điều 15 dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản đang quy định "điều chỉnh quy hoạch khoáng sản, điều chỉnh phương án quản lý về địa chất, khoáng sản". Nội dung này liên quan đến quy trình điều chỉnh quy hoạch cục bộ, phương án quản lý và thẩm quyền phê duyệt quy hoạch.
Do đặc thù của lĩnh vực khoáng sản, cần có cơ chế điều chỉnh linh hoạt để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội theo từng thời kỳ, đại biểu Vương Quốc Thắng đề nghị, tại nội dung về sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch cần xem xét, quy định cho phép điều chỉnh cục bộ đối với các nội dung của quy hoạch khoáng sản, phương án quản lý về địa chất, khoáng sản (như thay đổi, chỉnh lý tên khu vực khoáng sản, tên loại khoáng sản, tài nguyên, trữ lượng, tọa độ điểm khép góc, công suất sau khi thăm dò nâng cấp tài nguyên, trữ lượng...).
Trong nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung của Luật Quy hoạch đã bổ sung Điều 54a đề cập đến quy trình điều chỉnh quy hoạch theo thủ tục rút gọn. Tuy nhiên, đại biểu Vương Quốc Thắng đề nghị, tiếp tục xem xét, bổ sung Điều 54a theo hướng quy định rõ việc điều chỉnh thông thường 5 năm một lần thì thực hiện như Luật Quy hoạch; việc điều chỉnh theo trình tự rút gọn được thực hiện theo trình tự, thủ tục, thẩm quyền quy định bởi Luật Quy hoạch nhưng riêng đối với nội dung điều chỉnh quy hoạch thì cần căn cứ theo pháp luật chuyên ngành.
Tại khoản 2, Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 9 của Luật Quy hoạch về chi phí cho hoạt động quy hoạch có quy định "chi phí lập, thẩm định, điều chỉnh nhiệm vụ lập quy hoạch; thẩm định; đánh giá; điều chỉnh quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh sử dụng nguồn chi thường xuyên theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước".
Đại biểu Sùng A Lềnh (Lào Cai) đề nghị bổ sung cụm từ "và các nguồn vốn hợp pháp khác" vào dự thảo Luật, tức là cả ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác. Việc cho phép lồng ghép các nguồn vốn sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình thực hiện, giúp tiết kiệm ngân sách nhà nước trong trường hợp huy động được các nguồn vốn hợp pháp khác.
Đối với nội dung sửa đổi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, các đại biểu đề nghị Luật hóa quy định về thanh toán ngang giá khi thực hiện dự án BT. Theo các đại biểu, trường hợp giá trị quỹ đất thanh toán lớn hơn giá trị Dự án BT thì nhà đầu tư nộp phần chênh lệch bằng tiền vào ngân sách nhà nước. Trường hợp giá trị quỹ đất thanh toán nhỏ hơn giá trị Dự án BT thì Nhà nước thanh toán phần chênh lệch cho nhà đầu tư bằng tiền hoặc bằng quỹ đất tại thời điểm quyết toán dự án BT hoàn thành"; đồng thời, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ và có giải thích cụ thể về nguyên tắc thanh toán ngang giá.
Nguồn bài viết : TIỆN ÍCH BÓNG ĐÁ