2025-01-17 20:17:23

Cuối phiên họp sáng nay, 29/6, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV (trong đó có nội dung về việc giảm thuế giá trị gia tăng) Với 460 đại biểu biểu quyết tán thành (chiếm 94,65 %), Quốc hội đã chính thức thông qua nghị quyết này.

Kéo dài giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đến 31/12/2024

Thông tin về dự thảo Nghị quyết Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết ngày 27/6/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về dự thảo nghị quyết và đã nhận được 379 ý kiến, trong đó có 328 đại biểu Quốc hội nhất trí hoàn toàn với nội dung dự thảo Nghị quyết; 47 đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành và góp ý thêm đối với một số nội dung cụ thể.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát kỹ lưỡng, nghiên cứu tiếp thu tối đa ý kiến xác đáng của các vị đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo nghị quyết.

Đại biểu QH đánh giá tác động của việc tăng lương đến đời sống, giá tiêu dùng

Theo các đại biểu Quốc hội, bài toán đặt ra hiện nay với Chính phủ là phải có giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô để kiểm soát giá cả, ngăn hiện tượng lợi dụng tăng lương để tăng giá bất thường.

Theo đó, một số ý kiến cho rằng việc xác định hàng hóa, dịch vụ thuộc diện được giảm thuế còn khó khăn, vướng mắc trong thực hiện, chưa thực sự tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, do đó, đề nghị giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với tất cả các nhóm đối tượng đang áp dụng mức thuế suất 10% theo quy định của Luật thuế Giá trị gia tăng; đề nghị cân nhắc kéo dài thời gian áp dụng chính sách có thể đến hết năm 2025 hoặc đến khi Luật Thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi) có hiệu lực.

Về nội dung trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo: Phạm vi các nhóm hàng hoá, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng đã được xác định khi ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 và áp dụng thống nhất trong Nghị quyết số 101/2023/QH15 và Nghị quyết số 110/2023/QH15 của Quốc hội. Chính phủ đã ban hành Nghị định và các văn bản hướng dẫn thực hiện trong thời gian qua.

Đối với các vướng mắc trong thực hiện chính sách liên quan đến việc xác định đối tượng thuộc diện được giảm thuế, theo báo cáo của Chính phủ, về cơ bản, các nội dung này đã được tháo gỡ thông qua việc Bộ Tài chính chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để xử lý và kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện.

Về thời gian thực hiện, Chính phủ đề nghị thời gian áp dụng chính sách từ ngày 1/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024 và hiện không có cơ sở để kéo dài thêm thời gian áp dụng chính sách này. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin cho phép giữ phạm vi đối tượng giảm thuế như quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và thời gian áp dụng chính sách từ ngày 1/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024.

Cần hướng dẫn chi tiết về giải quyết chế độ hưu trí

Góp ý vào dự thảo nghị quyết, Chủ nhiệm Bùi Văn Cường cũng thông tin một số ý kiến đề nghị xem xét, bổ sung vào dự thảo Nghị quyết nội dung giao Chính phủ quy định đối tượng, điều kiện, mức hỗ trợ, trình tự, thủ tục giải quyết chế độ hưu trí, tử tuất đối với người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động trước ngày 1/7/2024.

Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Nguồn kinh phí thực hiện từ nguồn thu xử lý chậm đóng, trốn đóng quy định tại khoản 3 điều 122 của Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 và số tiền 0,03%/ngày thu được từ khoản 1 điều 40, khoản 1 điều 41 của Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7.

Trường hợp cơ quan có thẩm quyền phát hiện người sử dụng lao động vẫn còn khả năng đóng cho người lao động thì thực hiện truy thu, truy đóng vào Quỹ bảo hiểm xã hội và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến nội dung trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy việc bổ sung nội dung này vào nghị quyết kỳ họp là phù hợp và cần thiết để bảo vệ tốt hơn quyền lợi hợp pháp của người lao động. Tuy nhiên, Chính phủ cần lưu ý hướng dẫn chi tiết, cụ thể từng trường hợp trong việc ban hành văn bản quy định chi tiết hoặc hướng dẫn thi hành, tổ chức thực hiện riêng về nội dung này sau khi được Quốc hội quyết định, bảo đảm thận trọng, chính xác, tránh xảy ra khiếu kiện.

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được tiếp thu và thể hiện nội dung này tại mục 13 của dự thảo nghị quyết,” Chủ nhiệm Bùi Văn Cường thông tin.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tiếp thu và bỏ nội dung “Giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội, chỉnh lý các dự thảo luật, bảo đảm chất lượng, tiến độ” trong dự thảo nghị quyết, theo đề nghị của đại biểu Quốc hội. Lý do bởi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định trách nhiệm này.

Bên cạnh các nội dung nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát kỹ lưỡng, nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý một số vấn đề về nội dung mà đại biểu Quốc hội gửi đến Tổng Thư ký Quốc hội, đảm bảo đúng quy định của pháp luật; đồng thời, rà soát về kỹ thuật văn bản trong dự thảo nghị quyết, đảm bảo ngắn gọn, chặt chẽ để trình Quốc hội xem xét, thông qua./.

(Vietnam+)

Nguồn bài viết : sổ kết quả miền bắc

Top