Trả lời phỏng vấn Thông tấn xã Việt Nam nhân dịp năm mới Giáp Thìn, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Sandeep Arya khẳng định quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Ấn Độ đã ghi nhận những bước tiến mạnh mẽ với nhiều thành tựu đáng chú ý trong năm 2023, đặt nền tảng cho các hoạt động hợp tác trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Ngoài những tiến triển trong quan hệ song phương, Đại sứ Arya nhấn mạnh sự phối hợp hiệu quả của hai nước tại các diễn đàn quốc tế và nhiều kết quả khả quan trong hợp tác du lịch, văn hóa và giao lưu nhân dân trong năm 2023.
Ông cho biết hai bên đã có đánh giá tổng thể mối quan hệ song phương và đề xuất các sáng kiến nhằm tiếp tục mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực trong khuôn khổ Kỳ họp lần thứ 5 Tiểu ban Thương mại Hỗn hợp Việt Nam-Ấn Độ tại New Delhi vào tháng 8, và Kỳ họp lần thứ 18 Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam-Ấn Độ về Hợp tác Kinh tế, Thương mại, Khoa học và Công nghệ vào tháng 10/2023.
Đại sứ Sandeep Arya cho biết các hoạt động như trao đổi đoàn doanh nghiệp, xúc tiến du lịch, huấn luyện và diễn tập quốc phòng, giao lưu tàu biển, và hàng loạt các hoạt động hợp tác kinh tế và giao lưu văn hóa giữa hai bên đã góp phần thúc đẩy quan hệ song phương trong năm qua.
Đại sứ nhấn mạnh thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại là ưu tiên hàng đầu nhằm tăng cường quan hệ giữa hai nước.
Bên cạnh các hoạt động hợp tác ở cấp chính phủ, hiệp hội doanh nghiệp và phòng thương mại, cũng như các hoạt động hợp tác kinh doanh, tham gia triển lãm và hội chợ thương mại, hai nước sẽ thực hiện các sáng kiến hợp tác công nghệ trong năm nay.
Theo Đại sứ Sandeep Arya, Việt Nam và Ấn Độ có nhiều tiềm năng mở rộng hợp tác và thúc đẩy tăng trưởng trong các lĩnh vực nông-ngư nghiệp; sản xuất điện, điện tử, hóa chất và dược phẩm; chế biến khoáng sản; năng lượng; phát triển hạ tầng; dịch vụ vận tải và du lịch.
Hai bên đã và đang bàn thảo tiến tới thiết lập khuôn khổ và cơ chế phối hợp nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại trong các lĩnh vực này.
Hai nước cũng còn nhiều dư địa mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực khác như ngân hàng, thanh toán số và dịch vụ vận tải trực tiếp.
Ông cho biết việc rà soát Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN-Ấn Độ (TIG) ký kết năm 2009 dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2025, góp phần đa dạng hóa và tạo thuận lợi cho hợp tác thương mại Việt Nam-Ấn Độ.
Về quan hệ đối ngoại nhân dân, Đại sứ Sandeep Arya chia sẻ quan điểm cho rằng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Ấn Độ là quan hệ đối tác vì "con người."
Theo ông, mối quan hệ này thể hiện được sự thân thiết, tôn trọng và đánh giá cao của người dân hai nước đối với di sản Phật giáo; yoga, du lịch, văn hóa và giáo dục; cũng như tình đoàn kết bền chặt giữa hai quốc gia trong suốt 7 thập kỷ qua.
Riêng trong năm 2023, đã có hơn 10 chuyến thăm và làm việc của các phái đoàn địa phương hai nước đã diễn ra, nhiều hoạt động giao lưu giữa các đoàn nghệ thuật hai nước cũng đã được tổ chức.
Trong khuôn khổ sáng kiến Hợp tác Mekong-Sông Hằng (MGC), Chính phủ Ấn Độ thực hiện 10 dự án cộng đồng từ cấp chính phủ đến cấp địa phương tại Việt Nam mỗi năm. Đến nay, 37 dự án đã hoàn thành, 9 dự án đang được triển khai ở những giai đoạn hoàn thiện nâng cao.
Hàng năm, chính phủ Ấn Độ cấp khoảng 200 suất học bổng ở các lĩnh vực khác nhau cho Việt Nam thông qua Chương trình hợp tác kinh tế và kỹ thuật Ấn Độ (ITEC).
Đại sứ Sandeep Arya nhấn mạnh vai trò quan trọng của ngành du lịch và văn hóa trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo thống kê, Ấn Độ xếp thứ 9 trong 10 thị trường khách quốc tế hàng đầu đến Việt Nam năm 2023.
Ông cũng cho rằng Việt Nam và Ấn Độ có nhiều điểm tương đồng trong cách thúc đẩy phát triển du lịch thông qua khai thác thế mạnh, quảng bá các sản phẩm địa phương; ví dụ Ấn độ có Sáng kiến "Mỗi quận, mỗi huyện một sản phẩm" - ODOP, tương tự Việt Nam có Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm."
Theo Đại sứ, hai nước nên chú trọng quảng bá các ngành nghề thủ công và nghệ thuật truyền thống của mỗi địa phương, trong đó có cả các giá trị văn hóa dân tộc, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống trong lộ trình phát triển quốc gia.
Việc hỗ trợ các địa phương tăng cường tiếp cận và kết nối với các quốc gia sẽ gia tăng sự đóng góp của ngành văn hóa vào sự phát triển của nền kinh tế. Các ngành điện ảnh, truyền hình, âm nhạc cũng đóng vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển văn hóa trong mối tương quan với phát triển kinh tế ở mỗi quốc gia.
Hai quốc gia Việt Nam và Ấn Độ đều có truyền thống coi trọng quan hệ gia đình, giáo dục trong gia đình, tư tưởng tôn giáo, và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên.
Thế hệ trẻ hai nước đều năng động, sáng tạo, có nhiệt huyết, cùng nhiều hoài bão và khát vọng trên con đường khởi nghiệp, Đại sứ nhấn mạnh, đồng thời bày tỏ tin tưởng mối tương quan này là nền tảng giúp tăng cường tình đoàn kết hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Ấn Độ.
Nhân dịp Tết cổ truyền của Việt Nam, Đại sứ gửi những lời chúc tốt đẹp nhất tới người dân Việt Nam, đồng thời bày tỏ hy vọng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước sẽ ngày càng bền chặt và phát triển rực rỡ trong tương lai./.
Đại sứ Ấn Độ cho hay sự tương đồng về hệ giá trị văn hóa của hai quốc gia thể hiện qua sinh hoạt hàng ngày ở các gia đình như: Kính trọng người lớn tuổi, tổ tiên, trân trọng tình cảm gia đình...
Nguồn bài viết : PS Điện Tử