Hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo vệ người nghèo và nhóm yếu thế

2025-01-18 20:20:02
Ra mắt Tòa gia đình và người chưa thành niên tại Đồng Tháp. Ảnh: Chương Đài/TTXVN

Hệ thống pháp luật đồng bộ

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc nêu rõ: Hiến pháp năm 2013, Luật Trẻ em năm 2016, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính… và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác đã thể hiện quan điểm nhất quán của Việt Nam trong thúc đẩy, bảo vệ quyền con người nói chung, quyền, lợi ích của người nghèo, nhóm yếu thế trong xã hội nói riêng. Ngoài ra, Việt Nam cũng tham gia nhiều Điều ước quốc tế, Công ước quốc tế liên quan đến bảo vệ quyền trẻ em, bình đẳng giới, đăng ký, thống kê hộ tịch…

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) Trần Văn Dũng, thời gian qua, nhất là từ khi triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, pháp luật về tư pháp hình sự đã đạt được một số kết quả nhất định để tăng cường bảo vệ người nghèo và nhóm đối tượng yếu thế. Cụ thể, Bộ luật Hình sự năm 2015 là cơ sở pháp lý quan trọng xử lý nghiêm hành vi xâm phạm đến đối tượng yếu thế và người nghèo đồng thời áp dụng chính sách xử lý có tính hướng thiện khi các đối tượng này thực hiện hành vi vi phạm. Bộ luật Tố tụng hình sự đề cao nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, do đó, khi tham gia quan hệ tố tụng hình sự, người nghèo, người yếu thế trong xã hội đều được đảm bảo quyền và lợi ích của mình như các đối tượng khác. Bên cạnh chế tài hình sự, chế tài hành chính cũng có nhiều biện pháp xử lý các hành vi xâm hại tới quyền của nhóm đối tượng cần được bảo vệ trong xã hội.

Với chức năng là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp, ông Chu Xuân Minh, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cho rằng, đảm bảo quyền của người nghèo và nhóm yếu thế chính là đảm bảo yêu cầu được xét xử công bằng, bình đẳng, là một nguyên tắc quan trọng để công lý được thực thi. Pháp luật đã có nhiều quy định tạo điều kiện thuận lợi cho những người yếu thế thực hiện quyền trong tố tụng tại Tòa án.

Cụ thể, quy định tạo điều kiện thuận lợi cho người yếu thế thực hiện quyền khởi kiện; bảo đảm có người đại diện và các cơ quan, tổ chức hữu quan để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người yếu thế. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật ghi nhận nhiều quy định bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ; bảo vệ người yếu thế về địa vị xã hội, kinh tế như người lao động, người nghèo…

Đáng chú ý, mô hình Tòa gia đình và người chưa thành niên trong tổ chức bộ máy Tòa án nhân dân trong giai đoạn hiện nay là dấu ấn quan trọng trong tiến trình cải cách tư pháp; là bước đi cụ thể nhằm triển khai có hiệu quả các chủ trương, quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung và xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật nói riêng.

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Có thể nói, hệ thống pháp luật nhằm bảo vệ quyền, lợi ích của người nghèo, nhóm yếu thế khá đồng bộ và ngày càng hoàn thiện, tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc thực thi pháp luật còn nhiều khó khăn, thách thức.

Đề cập tới vai trò giám sát của Quốc hội trong thi hành pháp luật về bảo vệ người nghèo và nhóm yếu thế, ông Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội chỉ rõ: Một số quy định không phù hợp thực tiễn như chế độ bảo trợ người cao tuổi, người khuyết tật; quy định liên quan tới người nhiễm HIV/AIDS giai đoạn cuối, về cai nghiện bắt buộc, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình… Đồng thời hiện nay còn thiếu một số luật chuyên ngành điều chỉnh các vấn đề về chăm sóc sức khỏe tâm thần, nhóm người chuyển giới, người làm công tác xã hội chuyên nghiệp. Ngoài ra, vẫn còn tồn tại sự kỳ thị, phân biệt đối xử với một số bộ phận nhóm người yếu thế; chất lượng dịch vụ hỗ trợ bảo vệ các đối tượng này còn hạn chế; một bộ phận người yếu thế còn ỷ lại vào các chính sách…

Ông Nguyễn Hoàng Mai đề nghị tiếp tục tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp trong xây dựng và thi hành pháp luật; thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ người nghèo, người yếu thế; tạo điều kiện phát huy vai trò của các tổ chức đại diện cho nhóm yếu thế; nhân rộng mô hình Tòa gia đình và người chưa thành niên…

Chia sẻ về vai trò, trách nhiệm của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong việc chăm sóc, bảo vệ quyền lợi cho những người yếu thế, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bà Nguyễn Thanh Cầm, Trưởng Ban Chính sách pháp luật của Hội cho biết, ngoài các hoạt động can thiệp, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới, khi có các vụ việc vi phạm quyền phụ nữ, trẻ em gái xảy ra, Hội có các kiến nghị tới các cơ quan chức năng vào cuộc và xử lý kịp thời để bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, trẻ em. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thanh Cầm, hiện nay, định kiến giới vẫn tồn tại ở nhiều vùng, miền; tiếp cận giáo dục, y tế của phụ nữ, trẻ em còn gặp nhiều khó khăn; thiếu cơ hội việc làm…

Nhấn mạnh công tác phòng chống bạo lực trên cơ sở giới đòi hỏi sự tham gia của toàn xã hội, bà Nguyễn Thanh Cầm đề nghị, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tăng cường phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực về công tác xã hội cho cán bộ hoạt động trong lĩnh vực phòng chống bạo lực trên cơ sở giới.

Nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng, Việt Nam cần tăng cường các dịch vụ công, thúc đẩy sự tham gia của tư nhân để nâng cao khả năng tiếp cận công lý, cơ hội trợ giúp pháp lý cho người nghèo, nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương, từ đó nâng cao tính minh bạch của hệ thống tư pháp.

Một số ý kiến nhận định còn nhiều người không được hưởng đầy đủ các quyền cơ bản của con người, nhất là người nghèo, người dân tộc thiểu số, nhóm yếu thế... Do vậy, việc xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật cần hướng đến nhu cầu của các nhóm người này để đảm bảo công lý cho mọi người, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Phan Phương (TTXVN)
Bảo vệ, thúc đẩy quyền con người - Bài 1: Không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật

Việt Nam đã không ngừng nỗ lực xây dựng một nhà nước của dân, do dân và vì dân, mà trước hết là xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cải thiện, nâng cao hệ thống pháp luật về quyền con người.

Nguồn bài viết : EVO Trực Tuyến

Top