Chiều 15/1, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho biết trong nửa cuối năm 2018 và nửa đầu tháng 1 năm 2019 cả nước xảy ra 24 vụ tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Trong 24 vụ tai nạn này, có 2 tài xế là nữ và 22 tài xế là nam gây tai nạn. Thâm niên lái xe trung bình của các tài xế này là 10 năm. Độ tuổi trung bình của tài xế gây tai nạn là 36 tuổi. Ngoài ra, không có lái xe gây tai nạn nào không có giấy phép lái xe.
“Qua đó phần nào cho thấy nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông không phải chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe kém… Ở đây, nhiều tài xế có thời gian lái xe lâu nhưng chủ quan cho rằng mình lái tốt hoặc ý thức kém khi tham gia giao thông nên gây ra tai nạn,” ông Nguyễn Văn Huyện phân tích.
Người đứng đầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết thêm, sắp tới, ngành đường bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương, trung tâm đào tạo lái xe để cập nhật về số vụ tai nạn giao thông, thâm niên tài xế, giấy phép lái xe bị tạm giữ…
Liên quan đến trách nhiệm của chủ doanh nghiệp đối với tài xế, ông Nguyễn Văn Huyện khẳng định hiện nay đã có chế tài đối với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, sắp tới sẽ xem xét nâng trách nhiệm doanh nghiệp lên hơn nữa. Cụ thể như thế nào cần nghiên cứu và đề xuất xin ý kiến các bộ ngành liên quan.
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong năm 2019, đơn vị sẽ thực hiện chuyển giao câu hỏi và phần mềm dùng cho sát hạch lái xe cơ giới đường bộ tới các Sở Giao thông Vận tải và các cơ sở, trung tâm sát hạch lái xe trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, hướng dẫn, kiểm tra việc lắp đặt thiết bị giám sát thời gian học lý thuyết môn học pháp luật giao thông đường bộ tại các cơ sở đào tạo. Lắp camera giám sát phòng sát hạch lý thuyết, sân sát hạch.
Ngoài ra, ngành đường bộ cũng sẽ xây dựng quy chuẩn thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học lái xe của học viên và quy chuẩn thiết bị mô phỏng để đào tạo, sát hạch lái xe…/.
Nguồn bài viết : AG Trực Tuyến