Diễn đàn có 2 phiên, tập trung thảo luận những thuận lợi, khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam trong kỷ nguyên CPTPP - sự đồng hành của báo chí; những đóng góp của báo chí trong vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp với Chính phủ nhằm tìm ra những giải pháp thiết thực cho công tác này trong thời gian tới.
Các đại biểu tham dự đều thống nhất: Doanh nghiệp cần báo chí, truyền thông để có những thông tin phục vụ sản xuất, kinh doanh; thông tin, quảng bá thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ của mình, để động viên khích lệ thành quả lao động sáng tạo của doanh nghiệp, người lao động.
Báo chí coi doanh nghiệp, doanh nhân là đề tài phong phú đa dạng, nguồn cảm hứng sáng tạo các tác phẩm báo chí. Trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn nhiều khó khăn, doanh nghiệp còn là nguồn hỗ trợ tài chính đối với hoạt động của các cơ quan báo chí. Hàng loạt các sự kiện báo chí lớn đều có sự đồng thành tích cực của doanh nghiệp, doanh nhân.
Với vai trò cầu nối, báo chí vừa tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tới người dân. Trong tuyên truyền phát triển kinh tế, báo chí vừa phát hiện, biểu dương những doanh nghiệp có cách làm hay, kinh nghiệm tốt, nỗ lực vượt qua khó khăn để cống hiến cho cộng đồng, đất nước; đồng thời, đấu tranh phê phán những hoạt động sản xuất kinh doanh không lành mạnh, vi phạm pháp luật, hủy hoại môi trường.
Bên cạnh đó, báo chí cũng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, phản biện những chính sách của Nhà nước với doanh nghiệp, cách làm của chính doanh nghiệp vì sự phát triển, lợi ích chung của đất nước.
Báo chí, cộng đồng doanh nhân tham gia giám sát việc thực hiện chính sách của Chính phủ, đặc biệt trong cải cách hành chính. Báo chí còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cho doanh nghiệp, cầu nối để doanh nghiệp hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là việc tham gia Hiệp định CPTPP.
Theo ông Mai Đức Lộc, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam: Đồng hành với Chính phủ, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, thời gian qua, báo chí đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm cùng các doanh nghiệp thực hiện thắng lợi Nghị quyết 35/NQ-CP “Về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020” cũng như Nghị quyết 09/NQ-TW của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh cộng nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”
Là tổ chức có sự tham gia của đông đảo các cơ quan báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam thường xuyên tổ chức các hoạt động xã hội kết nối doanh nghiệp với các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các tổ chức xã hội; kết nối doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp trong nước và cả doanh nghiệp nướ ngoài.
Đó là những hoạt động khẳng định vai trò báo chí đối với hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, là mối quan hệ 2 chiều, gắn bó, hỗ trợ lẫn nhau; khẳng định vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và Chính phủ.
Khẳng định vai trò báo chí không thể thiếu đối với sự phát triển của doanh nghiệp, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn cho biết thêm: Việt Nam đã có nhiều hiệp định thương mại với nhiều tổ chức, cộng đồng, tuy nhiên theo một công bố mới đây cho thấy các doanh nghiệp của chúng ta mới chỉ tận dụng được 40% lợi thế khi tham gia các hiệp định đó.
Điều này cho thấy còn nhiều khó khăn cho doanh nghiệp khi tiếp cận cơ hội để phát triển. “Là một cơ quan báo chí hoạt động trong môi trường kinh tế nhiều biến chuyển hiện nay, bản thân chúng tôi cũng thấy mình phải nỗ lực để theo kịp sự phát triển với thực tiễn báo chí, thực tiễn kinh tế, khắc phục những hạn chế trong việc thiếu hiểu biết về chính sách kinh tế mới, tích cực hơn nữa trong chống tham nhũng, tích cực tuyên truyền các mô hình kinh tế hiệu quả…”- ông Sơn nhấn mạnh.
Chuyên gia kinh tế, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng cần có khái niệm đúng về việc Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp, tăng hiệu quả của sự hỗ trợ. Theo ông Thiên, hiện nay có nhiều tuyến chính sách ưu đãi của Chính phủ: Khuyến khích làm nông nghiệp công nghệ cao; hỗ trợ các doanh nghiệp làm công nghệ cao nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp…
Tuy nhiên, cách tiếp cận các ưu đãi cần chú trọng việc không phân biệt doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp nước ngoài để tránh những “méo mó”, tránh việc “xin-cho”. Việc hỗ trợ phải đảm bảo minh bạch, tạo thuận lợi, bảo đảm không gian phát triển của các doanh nghiệp.
Quan trọng nhất trong đó là làm sao để tạo ra một môi trường thông tin công khai, minh bạch. Báo chí, doanh nghiệp cũng nên tiếp cận, yêu cầu, đặt ra những vấn đề để Chính phủ kịp thời giải quyết.
Nguồn bài viết : kết quả 1.nét