Chiều 15/3, Đoàn công tác của Chính phủ do Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm Trưởng đoàn làm việc với Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đánh giá năm 2023 và những tháng đầu năm nay, tình hình kinh tế-xã hội của nước ta nói chung, của tỉnh Kon Tum nói riêng có nhiều điểm sáng, khẳng định vai trò của các cấp, các ngành trong mọi lĩnh vực.
Tuy nhiên, tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp nên vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Trong khi đó, Kon Tum là tỉnh có vị trí đặc biệt quan trọng trong quốc phòng-an ninh, là tỉnh nằm ở “Ngã ba Đông Dương” nên việc thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng an ninh, phát triển kinh tế-xã hội có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển khu vực tam giác Việt Nam-Lào-Campuchia.
“Chúng ta vừa phải tạo ra những động lực cũ, ví dụ những lĩnh vực truyền thống đã làm tốt rồi, bây giờ khơi thông, tiếp tục đẩy mạnh, tỉnh Kon Tum là về nông nghiệp, du lịch, dịch vụ. Bây giờ phải tiếp tục mở rộng sang những lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, những thế mạnh khác; đồng thời phải tháo gỡ được những nút thắt còn tồn tại để tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới,” Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.
Đối với hệ thống hạ tầng giao thông, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị các cơ quan thuộc Bộ Giao thông Vận tải phối hợp cùng tỉnh, nghiên cứu phát triển các hệ thống giao thông có vai trò chiến lược, khơi thông, tạo động lực phát triển cho tỉnh và khu vực Tây Nguyên.
Đối với thị trường hàng hóa, xuất khẩu, xúc tiến du lịch, Bộ trưởng khẳng định việc gắn kết với Lào và Campuchia là nhiệm vụ chiến lược trong việc xây dựng tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia. Vì vậy, tỉnh Kon Tum cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao trong việc kết nối với các tỉnh nước bạn; phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao thực hiện xúc tiến thị trường với các tỉnh bạn. Đối với các Chương trình mục tiêu Quốc gia, tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Dân tộc của Chính phủ để tìm giải pháp gỡ khó trong quá trình thực hiện.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Kon Tum đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị gửi Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương.
Tỉnh kiến nghị Quốc hội xem xét, bổ sung đối tượng cán bộ y tế khác được hưởng mức phụ cấp. Theo Nghị quyết số 69/2022/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước, việc tăng mức phụ cấp ưu đãi nghề chỉ mới điều chỉnh cho đối tượng là cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở.
Đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Kon Tum kiến nghị quan tâm, xem xét chấp thuận bổ sung Trạm biến áp 500 kV Kon Rẫy; đầu tư lưới điện truyền tải 220kV, trạm biến áp 220kV trên địa bàn; xem xét, cập nhật danh mục quy mô công suất các nguồn thủy điện nhỏ trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.
Tỉnh cũng kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm xem xét, sớm trình Chính phủ cho ý kiến Đề án phát triển tỉnh Kon Tum nhanh và bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Tỉnh kiến nghị Bộ Giao thông vận tải quan tâm bố trí kinh phí đầu tư nâng cấp, cải tạo các đoạn xung yếu còn lại của Quốc lộ 24, Quốc lộ 40B, Quốc lộ 40, Quốc lộ 14C đoạn qua tỉnh Kon Tum; sớm trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung tuyến cao tốc Quảng Ngãi-Kon Tum vào Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; bố trí kinh phí thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư tuyến cao tốc Ngọc Hồi-Kon Tum-Pleiku.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị đối với Bộ Xây dựng, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài chính… Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum Y Ngọc mong muốn đoàn công tác của Chính phủ sớm hoàn thiện và trình Chính phủ thông qua Đề án cơ chế đặc thù đối với tỉnh Kon Tum; qua đó, giúp cho tỉnh phát triển nhanh và bền vững...
Đối với các kiến nghị, đề xuất của tỉnh Kon Tum, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn yêu cầu các thành viên đoàn công tác tổng hợp và sớm có nội dung trả lời hoặc báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngay trong tháng Ba này./.
Đến năm 2030, tỉnh Kon Tum phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trên 9,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt trên 110 triệu đồng/người.
Nguồn bài viết : DG Trực Tuyến