Dự kiến diễn ra từ ngày 19-22/12/2024 tại Sân bay Gia Lâm, phường Phúc Đồng, quận Long Biên, Hà Nội, Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam lần thứ hai do Bộ Quốc phòng Việt Nam chủ trì tổ chức nhằm chia sẻ thành tựu, kinh nghiệm nghiên cứu, sản xuất, khai thác sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật và đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng giữa Việt Nam và các nước tham dự Triển lãm.
Ngay từ lần tổ chức đầu tiên, Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam năm 2022 đã thu hút số lượng lớn các cơ quan, doanh nghiệp quốc phòng tham gia giới thiệu sản phẩm, công nghệ hiện đại ứng dụng cho quốc phòng và an ninh tới các khách hàng tiềm năng.
Trở lại trong năm 2024 với quy mô, tầm vóc lớn hơn, Triển lãm năm 2024 sẽ là sự kiện quốc tế về quốc phòng thu hút sự quan tâm và tham gia đông đảo của các đoàn đại biểu, cơ quan, doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Với chủ đề "Hòa bình, Hữu nghị, Hợp tác cùng phát triển," Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam năm 2024 nhằm chuyển tải tới thế giới thông điệp yêu chuộng hòa bình, thể hiện tinh thần Việt Nam là bạn bè với tất cả các nước trên thế giới, là đối tác có trách nhiệm, tin cậy trong cộng đồng quốc tế, mong muốn mở rộng quan hệ đối ngoại quốc phòng, đa phương hóa, sẵn sàng hợp tác vì lợi ích hòa bình, ổn định, cùng phát triển.
Đây là sự kiện quốc phòng quan trọng, góp phần đẩy mạnh hợp tác quốc tế về công nghiệp quốc phòng; tiếp nhận, chuyển giao công nghệ; học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm quản lý, sản xuất, tiếp thu, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến để nâng cấp, hiện đại hóa công nghiệp quốc phòng; nắm bắt xu thế phát triển công nghệ trên thế giới trong thiết kế, chế tạo vũ khí, trang bị kỹ thuật phục vụ tác chiến trong chiến tranh công nghệ cao; quảng bá, giới thiệu sản phẩm công nghiệp quốc phòng Việt Nam.
Đồng thời, hoạt động cũng đóng góp cho quá trình thúc đẩy, xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác, thị trường tiềm năng tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng, xuất khẩu sản phẩm công nghiệp quốc phòng Việt Nam; giới thiệu, quảng bá về đất nước, con người Việt Nam và Quân đội Nhân dân Việt Nam với thế giới, góp phần nâng cao vị thế chính trị, tiếng nói của Việt Nam trên trường quốc tế, tích lũy kinh nghiệm, bài học thực tiễn để sẵn sàng triển khai các kỳ Triển lãm Quốc phòng Quốc tế tiếp theo, hướng tới xây dựng thương hiệu quốc phòng Việt Nam.
Theo Thiếu tướng Lê Quang Tuyến, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng (Bộ Quốc phòng), về quy mô, Triển lãm được tổ chức trên tổng diện tích khoảng 100.000m2, trong đó khu vực trưng bày trong nhà là 15.000m2 và ngoài trời là trên 20.000m2.
Các doanh nghiệp sẽ có cơ hội giới thiệu sản phẩm, công nghệ, giải pháp nổi bật về quốc phòng an ninh tới các lực lượng vũ trang của Việt Nam và các nước trong khu vực.
Tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam năm 2024, các doanh nghiệp quốc phòng trong nước và quốc tế trưng bày và giới thiệu các phương tiện chiến đấu, giải pháp công nghệ, vũ khí, trang bị sử dụng cho tất cả các lực lượng: hải quân, lục quân, phòng không - không quân, tác chiến không gian mạng và các trang thiết bị hậu cần kỹ thuật.
Lĩnh vực trưng bày dự kiến gồm: hệ thống và trang thiết bị phòng không-không quân (các máy bay: tiêm kích, trực thăng, huấn luyện, không người lái; các tên lửa: không đối không, phòng không, phòng không vác vai; tổ hợp pháo, tên lửa phòng không; trang thiết bị phòng không, không quân khác).
Hệ thống và trang thiết bị hải quân: tàu ngầm, tàu chiến, tàu bổ trợ, tàu không người lái; thiết bị trinh sát, quan sát ngầm, sonar; ngư lôi; thủy lôi; tên lửa đất đối hải, tên lửa hải đối hải; trang thiết bị hải quân khác.
Hệ thống và trang thiết bị lục quân: vũ khí bộ binh, vũ khí hỏa lực; các loại đạn bộ binh, pháo binh, chống tăng; thiết bị quan sát, ngắm bắn ngày, đêm; pháo mặt đất, pháo tự hành; hệ thống pháo phản lực phóng loạt, pháo cao xạ; tên lửa đất đối đất, tên lửa chống tăng; xe tăng, xe thiết giáp, xe chở quân, xe vận tải quân sự, xe máy, thiết bị công binh.
Hệ thống và trang, thiết bị an ninh: sinh trắc học; kiểm soát và an ninh biên giới; hệ thống và thiết bị phòng thủ dân sự; hải quan và di trú; chống khủng bố và hệ thống an ninh nhà nước nội bộ; hệ thống, thiết bị và dịch vụ cứu hộ và cứu trợ thảm họa, thiên tai; thực thi pháp luật; vũ khí phi sát thương; quang học và quang điện tử; dụng cụ và thiết bị bảo hộ; hệ thống an toàn, cứu hộ và cứu nạn; hệ thống phòng, chống tội phạm an ninh mạng...
Ngoài ra, Triển lãm còn trưng bày các sản phẩm trang thiết bị thông tin liên lạc; trang thiết bị phòng, chống vũ khí hóa học; vũ khí, trang bị cho lực lượng đặc nhiệm radar cảnh giới, điều khiển hỏa lực; các thiết bị tác chiến điện tử, phòng, chống UAV; robot trinh sát và chiến đấu trên không, mặt đất, mặt nước và dưới nước; các hệ thống C5I; hệ thống tác chiến không gian mạng; trang thiết bị hậu cần, bảo vệ người lính; hệ thống huấn luyện, mô phỏng...
Tham gia Triển lãm, Việt Nam trưng bày các sản phẩm do công nghiệp quốc phòng Việt Nam nghiên cứu chế tạo đến từ các đơn vị trực thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Tổng cục Kỹ thuật, Quân chủng Phòng không-Không quân, Quân chủng Hải quân, Binh chủng Tăng-Thiết giáp, Binh chủng Hóa học, Binh chủng Thông tin liên lạc, Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga, Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội..., trong đó có những sản phẩm vũ khí, trang bị kỹ thuật nổi bật, hiện đại có trang bị trong biên chế của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Trong các hoạt động chính tại Triển lãm năm 2024, điểm nhấn là lễ khai mạc với màn bay chào mừng của lực lượng không quân Quân đội Nhân dân Việt Nam, trình diễn đặc công kết hợp với chó nghiệp vụ.
Cùng với việc trưng bày, giới thiệu sản phẩm quốc phòng an ninh từ các công ty công nghiệp quốc phòng, trong khuôn khổ Triển lãm sẽ diễn ra nhiều hoạt động, sự kiện nhằm giao lưu, trao đổi, thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan, đơn vị với doanh nghiệp, doanh nghiệp với doanh nghiệp; các hội thảo chuyên đề về kỹ thuật quân sự; các hoạt động giới thiệu về thành tựu kinh tế kết hợp quốc phòng; biểu diễn văn hóa nghệ thuật đặc sắc của Việt Nam.
Đáng chú ý là các hội thảo kỹ thuật với nhiều chủ đề chuyên ngành được lựa chọn, là dịp thiết thực để các nhà sản xuất vũ khí, trang thiết bị quốc phòng, an ninh giới thiệu thông tin về sản phẩm, giải pháp công nghệ của mình với các cơ quan, đơn vị của lực lượng vũ trang Việt Nam; lắng nghe nhu cầu của người sử dụng về những thách thức kỹ thuật công nghệ đang phải đối mặt để cùng đưa ra các giải pháp hoàn thiện, nâng cấp sản phẩm, dịch vụ.
Đồng thời, hoạt động kết nối giữa các lực lượng, các cơ quan hợp tác quốc phòng, cơ quan thương mại quân sự trong nước và quốc tế với các nhà sản xuất, cung ứng phụ tùng, linh kiện, bán thành phẩm và sản phẩm hoàn thiện sẽ góp phần thiết lập nên các quan hệ đối tác cùng hợp tác phát triển, đem lại lợi ích cho tất cả các bên.
Về khách mời quốc tế, Bộ Quốc phòng dự kiến mời trên 140 đoàn khách quốc tế từ 50 quốc gia, đây là khách mời của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tư lệnh Hải quân, Tư lệnh Phòng không-Không quân và Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng. Các đoàn đại biểu cấp cao quốc tế có thành phần gồm các bộ trưởng, thứ trưởng, tư lệnh lực lượng quốc phòng và an ninh các nước.
Về khách mời trong nước, Bộ Quốc phòng mời lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, các ban, bộ, ngành, lãnh đạo thành phố Hà Nội và các địa phương, lão thành cách mạng và nhân dân... tham dự Triển lãm.
Bên cạnh đó, Triển lãm có sự tham gia của thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, lãnh đạo, chỉ huy các quân binh chủng, tổng cục, quân khu, quân đoàn, các học viện, nhà trường, viện nghiên cứu... trong toàn quân.
Năm 2022, Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam lần thứ nhất đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ, tham gia của đông đảo các cơ quan quản lý, đại biểu quốc tế và trong nước, với quy mô trưng bày trong nhà và ngoài trời khoảng 25.000m2; có 175 công ty tham dự từ 31 quốc gia; 6 khu gian hàng quốc gia; 25.000 khách tham quan chuyên ngành; 300 đoàn đại biểu trong nước; 52 đoàn đại biểu quốc tế.
Trong khuôn khổ sự kiện đã diễn ra 80 cuộc gặp mặt song phương; 15 phiên thuyết trình kỹ thuật./.
Nguồn bài viết : Trực tiếp kết quả xổ số miền Bắc