Năm 2023, quan hệ giữa Việt Nam và Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) đã có những chuyển biến nổi bật về các mặt ngoại giao văn hóa, giáo dục và ngoại giao kinh tế.
Nhân dịp khép lại năm cũ, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Hong Kong Phạm Bình Đàm đã trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Hong Kong, đánh giá lại một năm sôi động trong quan hệ giữa hai bên và đưa ra một số kế hoạch cho năm 2024.
- Xin ông cho biết những thành tựu nổi bật về ngoại giao văn hóa, giáo dục và ngoại giao kinh tế giữa Việt Nam và Hong Kong trong năm 2023 và những công tác trọng tâm sẽ thúc đẩy trong năm 2024?
Tổng lãnh sự Phạm Bình Đàm: Thành tựu ngoại giao quan trọng nhất trong năm 2023 là sau nhiều tháng, nhiều năm, đặc biệt là trong 2 năm qua, dưới sự vận động tích cực của Tổng lãnh sự quán với rất nhiều cấp độ, nhiều hoạt động, nhiều cuộc thảo luận hoặc thư từ trao đổi, đến tháng 10/2023, Hong Kong chính thức dỡ bỏ hạn chế về visa làm việc cho người Việt Nam.
Hạn chế về visa làm việc là một trong những rào cản lớn nhất giữa Việt Nam và Hong Kong.
Vấn đề này đã khiến các doanh nghiệp, người dân Việt Nam không thể tiếp cận, tận dụng được lợi thế trung tâm quốc tế của Hong Kong.
Có thể khẳng định rằng việc dỡ bỏ hạn chế về visa cũng đồng nghĩa với việc mở cửa thị trường Hong Kong cho Việt Nam, nhờ vậy các doanh nghiệp có thể khai thác, tận dụng thế mạnh của Hong Kong với tư cách trung tâm tài chính, trung tâm thương mại, trung tâm logistics, trung tâm hàng không, trung tâm pháp lý quốc tế, đặc biệt Hong Kong còn là cánh cửa quốc tế của Trung Quốc nên việc dỡ bỏ hạn chế về visa cũng giúp cho Việt Nam có thể khai thác thế mạnh đó.
Ngoài ra, năm 2023 là năm có những chuyển biến rất nổi bật trong quan hệ Việt Nam-Hong Kong.
Về mặt trao đổi đoàn, Hong Kong có 5 đoàn cấp cục trưởng sang thăm Việt Nam, về phía Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã thăm Hong Kong.
Đây cũng có thể được đánh giá là kết quả thành công về mặt ngoại giao trong thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và Hong Kong, đồng thời khiến cho quan hệ giữa hai bên trở nên sống động hơn, hoạt động trao đổi đoàn tăng ở mức chưa từng có.
Về phương diện văn hóa, việc triển khai hoạt động ngoại giao văn hóa đòi hỏi nguồn lực rất lớn, mặc dù với nguồn lực khiêm tốn nhưng Tổng lãnh sự quán đã cố gắng thúc đẩy hợp tác như thúc đẩy ký kết thành công về công tác đào tạo giữa Vụ Đào tạo của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Việt Nam với Học viện Biểu diễn nghệ thuật Hong Kong - một trong những học viện hàng đầu trên thế giới.
Hai bên sẽ tiến hành giao lưu trao đổi giảng viên, học viên, học sinh, đào tạo nhạc sỹ, các khóa học về biểu diễn, từ đó thúc đẩy giao lưu và hợp tác văn hóa giữa hai bên, đây cũng được xem là một bước đột phá.
Ngoài ra, Tổng lãnh sự quán cũng đã đưa hai đoàn nghệ thuật sang biểu diễn và tổ chức một triển lãm tranh trong khuôn khổ lễ kỷ niệm Quốc khánh.
Sự kiện Quốc khánh năm 2023 có quy mô gần 600 người tham gia, kết hợp cả văn hóa, ngoại giao, ẩm thực, triển lãm tranh, biểu diễn nghệ thuật.
Đây cũng là thành công rất lớn, tạo dấu ấn cho công chúng, các giới tại Hong Kong và họ rất ấn tượng về văn hóa, con người, nghệ thuật truyền thống của Việt Nam.
Về kinh tế, Tổng lãnh sự quán đã hỗ trợ thúc đẩy đưa 7 đoàn doanh nghiệp Hong Kong sang Việt Nam tìm hiểu khảo sát, từ những đoàn có quy mô hàng chục doanh nghiệp đến gần 100 doanh nghiệp.
Những chuyến đi như vậy đã giúp các nhà đầu tư, doanh nghiệp tiếp xúc, tìm hiểu kinh nghiệm của các nhà đầu tư Hong Kong đã có mặt tại Việt Nam và họ đều muốn mở nhà máy, đầu tư, tăng cường hợp tác làm ăn, sản xuất kinh doanh với Việt Nam.
Ngoài ra, công tác vận động doanh nghiệp, các tập đoàn, giới tài chính, các CEO, các chủ thể, các công ty cấp cao là công tác thường xuyên của Tổng lãnh sự quán.
Về kế hoạch năm 2024, giữa Việt Nam và Hong Kong vẫn còn thiếu những khuôn khổ lớn, do đó trong năm nay, Tổng lãnh sự quán sẽ tiếp tục thúc đẩy, đặc biệt là tăng cường trao đổi đoàn các cấp bộ, ngành, địa phương, trao đổi những chuyến thăm cấp cao giữa Việt Nam và Hong Kong.
Trọng điểm là thúc đẩy kế hoạch sang thăm Việt Nam của lãnh đạo cao nhất của Hong Kong để có thể ký kết các khuôn khổ hợp tác về giáo dục, lao động, đầu tư, tài chính, ngân hàng, đây là những lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh và bổ trợ được cho nhau.
- Theo ông, Việt Nam và Hong Kong cần có những giải pháp cụ thể gì để tăng cường hơn nữa hợp tác văn hóa giáo dục, kinh tế trong thời gian tới?
Tổng lãnh sự Phạm Bình Đàm: Hạn chế về visa đã tạo ra “khoảng trống” thông tin giữa Việt Nam và Hong Kong và điều này tích lũy dần theo thời gian.
Cụ thể là Việt Nam không biết nhiều về Hong Kong và các lợi thế của Hong Kong, trong khi Hong Kong cũng có những hạn chế trong tiếp cận thị trường Việt Nam.
Sau khi vấn đề visa được khai thông, giải pháp quan trọng nhất tiếp theo là tích cực truyền thông, quảng bá, đẩy mạnh trao đổi đoàn và ký kết các khuôn khổ hợp tác giữa hai bên.
Về du lịch, Hong Kong là thị trường du lịch rất tiềm năng đối với Việt Nam, người Hong Kong rất thích Việt Nam vì khoảng cách địa lý gần và tiện lợi. Gần đây, visa điện tử cũng giúp việc đi lại dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần tăng cường quảng bá những sản phẩm du lịch mới bằng các hình thức đa dạng khác nhau để thu hút du khách Hong Kong quay trở lại Việt Nam.
Về giáo dục, trước đây chỉ có một số ít sinh viên xuất sắc của Việt Nam có thể sang Hong Kong du học, nhưng với sự nỗ lực vận động của Tổng lãnh sự quán, năm 2023 vừa qua, Đại học Trung Văn Hong Kong (CUHK) thuộc top 50 thế giới đã nhất trí cấp 96 học bổng cho học sinh Việt Nam.
Đại học Hong Kong (HKU) thuộc Top 30 thế giới nhất trí cấp 26 học bổng cho học sinh, sinh viên Việt Nam trong kỳ tuyển sinh năm 2024.
Có thể hình dung trong tương lai không xa sẽ có hàng nghìn sinh viên Việt Nam sang Hong Kong du học.
Đây là địa điểm du học chất lượng cao với chi phí phải chăng và là một xu thế mới mà Việt Nam cần tận dụng, tiếp tục phát huy, hướng tới ký kết khuôn khổ hợp tác với quy mô lớn hơn giữa ngành giáo dục của Việt Nam và Hong Kong, không chỉ dừng lại ở việc cấp học bổng cho sinh viên mà còn mở rộng sang trao đổi học thuật, nghiên cứu chung, trao đổi giảng viên, đào tạo giảng viên.
Về tài chính, Việt Nam và Hong Kong có thể ký kết những khuôn khổ hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, Việt Nam có thể từng bước khai thác kinh nghiệm liên quan đến vấn đề huy động vốn tại thị trường Hong Kong hoặc sử dụng các dịch vụ sau cùng.
Tổng lãnh sự quán sẽ thúc đẩy các chuyến thăm, trao đổi đoàn, cố gắng thúc đẩy ký kết các văn bản hợp tác.
Hiện tại, Tổng lãnh sự quán đang thúc đẩy văn bản hợp tác về đầu tư giữa cơ quan đầu tư Hong Kong với Cục Đầu tư nước ngoài của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
- Ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa và vai trò của việc thành lập Hiệp hội người Việt Nam tại Hong Kong, đặc biệt là trong việc thúc đẩy ngoại giao nhân dân giữa hai bên trong thời gian tới?
Tổng lãnh sự Phạm Bình Đàm: Người Việt Nam đã đến Hong Kong vào cuối những năm 1970, gần đây có một số tri thức Việt Nam từ các nước khác đến Hong Kong làm việc, cùng với hạn chế visa làm việc được dỡ bỏ thì sẽ có các quản lý tầm trung, cụ thể là các tài năng Việt Nam sang Hong Kong làm việc.
Do đó, việc thành lập Hiệp hội người Việt Nam tại Hong Kong là việc vô cùng cần thiết, hiệp hội sẽ đại diện cho tất cả các nhóm tạo ra những hình ảnh mới tích cực về con người, văn hóa, bản sắc Việt Nam, hình thành cộng đồng chia sẻ, đoàn kết, gắn bó với nhau và hướng về tương lai.
Sau khi hạn chế về visa làm việc được dỡ bỏ sẽ có nhiều trí thức Việt Nam lựa chọn sang Hong Kong làm việc, hằng năm có hàng trăm sinh viên sang học, một số bạn sẽ có thể ở lại sau khi tốt nghiệp để khai thác tiềm năng thị trường lao động này, điều đó sẽ thúc đẩy hình thành một cộng đồng trí thức mới của Việt Nam ở Hong Kong.
Ngoài ra, cùng với cánh cửa rộng mở như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam có thể sang Hong Kong để tận dụng vị thế và các lợi thế trung tâm quốc tế của Hong Kong. Như vậy, ngoài cộng đồng trí thức còn có cộng đồng doanh nghiệp.
Tại Hong Kong hiện đã có các thế hệ người Việt Nam thứ hai và thứ ba nên càng cần thành lập Hiệp hội người Việt Nam tại Hong Kong để kết nối tất cả các nhóm, cùng bảo vệ lợi ích, bảo tồn văn hóa, chia sẻ, đùm bọc lẫn nhau, đóng góp và hướng về quê hương, đất nước.
Sau hơn 2 năm nỗ lực tìm kiếm các khuôn mặt có tính đại diện cao và khả năng gắn kết tất cả các nhóm, Hiệp hội người Việt Nam tại Hong Kong đã được thành lập và sẽ ra mắt cộng đồng vào ngày 10/1 này.
- Trân trọng cảm ơn Tổng lãnh sự./.
Cục trưởng Cục Dịch vụ Tài chính và Kho bạc Hong Kong cho rằng Hong Kong và Việt Nam có nhiều lĩnh vực có thể hợp tác chặt chẽ với nhau, đặc biệt là lĩnh vực dịch vụ tài chính, dịch vụ chuyên nghiệp.
Nguồn bài viết : RTG Game Bài 3d