An ninh mạng - Cần tăng tính nghiêm minh của pháp luật

2025-01-18 20:47:23
Đối tượng Nguyễn Bá Mạnh tại cơ quan công an huyện Thuận Thành. Ảnh: Thái Hùng/TTXVN

Vào lúc cả xã hội đang ở đỉnh điểm lo lắng về thông tin thịt lợn nghi nhiễm sán được tuồn vào  một Trường mầm non ở xã Ngũ Thái (huyện Thuận Thành, tỉnh  Bắc Ninh) khiến hàng nghìn phụ huynh ở huyện Thuận Thành đưa con em đi bệnh viện thì ngày 18/3 Mạnh đã tải hai bức ảnh thịt lợn nhiễm sán trên internet rồi đăng tải lên Facebook cá nhân của Mạnh. Kèm theo đó là dòng trạng thái: “Cần các bậc phụ huynh xã Ngũ Thái lên tiếng, không ngờ xã mình cũng nhận thịt nhiễm sán...”. Tại cơ quan công an Mạnh khai nhận là chủ của nick Côngnông Đầudọc và đã cố tình đưa thông tin bịa đặt nhằm đổ thêm dầu vào lửa.

Đây là ví dụ rõ ràng nhất về chuyện “mạng ảo nhưng trách nhiệm là thật” mà TTXVN đã có bài viết hồi đầu năm 2019. Luật An ninh mạng được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 12 tháng 6 năm 2018 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.

Đời sống mạng ở Việt Nam từ đầu năm đến nay, cùng thời điểm Luật An ninh mạng có hiệu lực, rất sôi động kéo theo những mảng sáng, mảng tối theo quy luật và phù hợp với các dữ liệu được đưa ra trước đó. Theo Chương trình nghiên cứu Internet và xã hội (VPIS) của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, nước ta xếp thứ 7 trong số10 quốc gia có số người sử dụng Facebook nhiều nhất thế giới với nhóm tuổi 25 - 34 chiếm đa số. Trong mảng tối của mạng xã hội ở Việt Nam thì việc nói xấu, phỉ báng (đối với một cơ quan, tập thể hay cá nhân) chiếm 61,7%, vu khống, bịa đặt - 46,6%, kỳ thị dân tộc - 37,01%, kỳ thị giới tính - 29,03%, kỳ thị khuyết tật - 21,76%, kỳ thị tôn giáo - 15,09%…

Chỉ riêng trong tháng 3/2019 đã nổi lên rất rõ ràng những “biểu hiện xấu xí” của mạng xã hội, đặc biệt là ở “hạng mục” nói xấu, phỉ báng và vu khống, bịa đặt.

Ở vụ “cô giáo vào nhà nghỉ với học sinh lớp 10” ở Bình Thuận: Nhân vật “học sinh” được nhắc đến ở đây là em T.A nhưng cư dân mạng lại lôi tấm ảnh em lớp trưởng Trần Công Mẫn chụp chung với cô giáo đăng trên tài khoản Facebook của em Mẫn để bêu riếu, xỉa xói.

Ở vụ “thịt lợn nghi nhiễm sán ở Trường mầm non Thanh Khương (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh): Mạng xã hội đã đẩy câu chuyện đi quá xa, trở thành “cơn hoảng loạn tập thể”, khẳng định như đinh đóng cột rằng hàng trăm trẻ em (và cô giáo) bị nhiễm sán là do ăn phải “thịt lợn bẩn” dù chưa có kết luận của cơ quan chức năng. Khi các cơ quan y tế đưa ra thông tin tỷ lệ nhiễm sán lợn ở Bắc Ninh ở trong mức chung của cả nước và nguồn lây nhiễm rất đa dạng chứ không nhất thiết từ thực phẩm thì cư dân mạng phản đối quyết liệt. Không ít người dùng mạng đã công kích trực diện đối với lãnh đạo địa phương với những lời lẽ chợ búa, dựng lên câu chuyện về mối quan hệ họ hàng giữa lãnh đạo địa phương với giám đốc công ty cung cấp thực phẩm cho Trường mầm non Thanh Khương.

Ở vụ “cưỡng hôn trong thang máy ở Hà Nội”: Thủ phạm trong các bức ảnh, clip được tung lên mạng xã hội có lý lịch, hình ảnh khác với một chiến sỹ cảnh vệ nhưng nhiều cư dân mạng cứ khăng khăng hai người là một. Mục đích của một số người dùng mạng là nhằm bôi xấu lãnh đạo, bôi xấu hình ảnh của đất nước chứ không phải để lên án hành vi quấy rối tình dục phụ nữ.

Ở vụ “cấm xe máy ở đường Lê Văn Lương” (Hà Nội): Mạng xã hội phản ứng quyết liệt như thể “lệnh cấm sẽ có hiệu lực từ ngày mai”, trong khi trên thực tế đây chỉ mới là kiến nghị và vạch ra lộ trình đến năm 2030. Các cư dân mạng còn “lục tung” lý lịch của người đề xuất kiến nghị để công kích cá nhân.

Ở vụ “nữ sinh lớp 10 ở Nam Định mất tích”: Những cư dân mạng quá khích không cần tìm hiểu rõ sự việc và chờ kết luận của cơ quan điều tra mà đã tung ra kết luận “xã hội loạn lạc, toàn cướp với hiếp”, phủ định tất tần tật những tiến bộ của đất nước trong nhiều năm qua. Trong khi đó, theo kết luận ban đầu, nữ sinh ở Nam Định bị tai nạn do “có thể vừa đi xe đạp điện vừa nghe điện thoại”.

Danh sách này có thể kéo rất dài…

Điều đáng nói là những thông tin bịa đặt, nói xấu lại có sức lan tỏa rất mạnh trên mạng xã hội, cụ thể là Facebook. Đây là đặc tính chung, là mặt trái điển hình của mạng xã hội toàn cầu chứ không riêng gì ở Việt Nam – tin giả, tin xuyên tạc, nói xấu có sức hấp dẫn hơn tin thật.

Tạp chí Science (Khoa học) đã đăng tải kết quả nghiên cứu của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) của Mỹ và kết luận: Tin giả được đăng lại trên các mạng xã hội nhiều hơn 70% so với tin thật; tin thật mất thời gian lâu hơn 6 lần so với tin giả để đến với 1.500 người dùng mạng; tin thật ít khi có trên 1.000 lượt chia sẻ, trong khi không ít tin giả có tới 100.000 lượt chia sẻ.

Điều đặc biệt nguy hiểm là không ít lần tin tức giả trên mạng xã hội tiếm quyền lôi kéo dư luận, lấn át các cơ quan báo chí hoặc thậm chí là “dắt mũi” báo chí. Người đọc bị bỏ mặc trong mớ thông tin thật – giả lẫn lộn và không ít người tin vào tin giả hơn tin thật. Theo Bkav (công ty chuyên về  an ninh mạng ở Việt Nam), có tới 63% người dùng mạng thường xuyên đọc tin tức giả mạng trên Facebook và bị chúng tác động.

Do tin giả, tin xuyên tạc, nói xấu có thể gây hại cho an ninh quốc gia, nền kinh tế cũng như an toàn, trật tự xã hội cũng như làm mất danh dự của các tập thể, cá nhân nên các nước trên thế giới đều có cách riêng để kiểm soát an ninh mạng.

Trung Quốc: Nước này cấm sử dụng Google, Facebook, Youtube, Twitter... Tại nước này Baidu thay thế cho Google, WeChat và Weibo thay thế cho Facebook, Youku thay thế cho Youtube…

Liên bang Nga: Nước này có thể cũng sẽ có bước đi tương tự như Trung Quốc. Nga đang thử nghiệm chương trình ngắt kết nối với internet toàn cầu. Theo dự thảo luật đã được trình tại Đuma Quốc gia Nga vào tháng 12/2018 thì các nhà cung cấp dịch vụ Internet của Nga phải đảm bảo tính độc lập của không gian mạng Nga -Runet, nhằm đề phòng trường hợp các nước bên ngoài gây áp lực nhằm ngắt kết nối quốc gia này khỏi phần còn lại của mạng internet. Các nhà cung cấp dịch vụ mạng Nga cũng phải cài đặt "các biện pháp kỹ thuật" nhằm điều hướng toàn bộ lưu lượng internet của Nga đến các điểm trung chuyển được phê chuẩn hoặc quản lý bởi Roskomnazor, cơ quan giám sát các hoạt động viễn thông của Nga. Roskomnazor sẽ giám sát lưu lượng mạng internet để ngăn chặn các nội dung bị cấm và đảm bảo rằng các dữ liệu được truyền tải giữa những người dùng internet ở Nga sẽ chỉ nằm ở tại nước Nga, chứ không bị điều hướng đến các máy chủ ở nước ngoài, nơi chúng có thể bị can thiệp.

Mỹ: Ngày 27/10/2015 Thượng viện Mỹ đã thông qua dự Luật Chia sẻ Thông tin An ninh mạng (CISA) nhằm tạo hệ thống phòng thủ vững chắc trên không gian mạng.

Liên minh châu Âu (EU):  Luật An ninh mạng đầu tiên bắt đầu được áp dụng vào tháng 5/2018. Các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sử dụng mạng bắt buộc phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định của luật này nếu không sẽ bị phạt rất nặng.

Đức: Quốc hội đã thông qua Luật An ninh mạng trong tháng 7/2015 nhằm phòng chống tội phạm trên internet. Luật này hàm chứa những điều khoản cụ thể đối với người sử dụng mạng xã hội, trong đó có việc cấm kích động sử dụng bạo lực xâm hại an ninh quốc gia, cấm kích động những hành vi phạm pháp, truyền bá các tư tưởng cực đoan...

Australia: Khung văn bản pháp lý về an ninh mạng được đánh giá là hoàn thiện, bao gồm Luật về tội phạm mạng, Luật về thư điện tử rác, Luật về viễn thông và Luật bảo mật.

Nhật Bản: Luật cơ sở về ANM đã được ban hành vào tháng 11/2014.

Singapore: Theo Dự Luật An ninh mạng được trình lên Quốc hội mới đây, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân buộc phải hợp tác tức thời với Cơ quan An ninh mạng để chống lại tội phạm mạng. Đối tượng bất hợp tác có thể bị phạt tù tới 10 năm.

Thái Lan: Quốc hội đã thông qua Luật Tội phạm máy tính vào tháng 12/2016. Mức án năm năm tù được dành cho các đối tượng đăng tải lên mạng những thông tin bịa đặt, sai lệch phá hoại an ninh quốc gia, an toàn xã hội, sự ổn định kinh tế quốc dân, hạ tầng cơ sở công cộng hoặc gây hoang mang cho dân chúng. Một ủy ban gồm năm thành viên được thành lập nhằm gỡ bỏ các thông tin trên mạng “vi phạm đạo đức xã hội”. Có thể, 128 triệu baht (tương đương 3 triệu USD) sẽ được chi để trang bị công nghệ theo dõi mạng xã hội…

Các mạng xã hội trên toàn cầu phải chịu trách nhiệm trước xã hội và pháp luật về những gì được đăng tải. Ví dụ mới đây nhất liên quan đến Facebook – mạng xã hội lớn nhất hành tinh. Hơn 1,5 triệu video và nội dung có yếu tố phản cảm liên quan đến vụ xả súng vào ngày 15/3 tại hai đền thờ Hồi giáo ở New Zealand khiến 50 người thiệt mạng, đã bị Facebook gỡ khỏi nền tảng của họ chỉ trong 24 giờ. Tuy vậy, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern vẫn chưa hài lòng trước việc Facebook đã để kẻ sát nhân quay video và phát trực tiếp hành động của hắn trên nền tảng của mạng xã hội này và bà đã lên kế hoạch làm việc với văn phòng Facebook tại New Zealand. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp New Zealand cũng đang cân nhắc rút các quảng cáo khỏi Facebook.

Trở lại với các mạng xã hội ở Việt Nam. Trong Luật An ninh mạng ở nước ta có Chương I - Những quy định chung, Điều 8 - Các hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng, mục d - Thông tin sai sự thật (trên không gian mạng) gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế, xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

Tuy nhiên, trên thực tế các trường hợp vi phạm Luật An ninh mạng ở Việt Nam bị các cơ quan chức năng xử lý chưa nhiều, các cá nhân vi phạm ít khi phải chịu hình phạt nghiêm khắc, tương xứng với hành vi và hậu quả gây ra. Các mạng xã hội, trong đó có Facebook với khoảng 2,3 tỷ người dùng mỗi tháng trên toàn thế giới, vẫn chưa phải gánh chịu trách nhiệm khi đăng tải, phát tán những thông tin bịa đặt, xuyên tạc, bêu xấu hình ảnh đất nước Việt Nam, các cơ quan, tập thể, cá nhân…

Đã đến lúc phải tăng cường tính nghiêm minh của Luật An ninh mạng ở nước ta!

Trần Quang Vinh (TTXVN)
Nga: Phạt tới 22.000 USD nếu phổ biến tin giả mạo gây nguy hại trên internet

Theo hai đạo luật vừa được Tổng thống Nga Vladimir Putin ký ban hành và công bố ngày 18/3, các hành vi phổ biến tin giả mạo và xúc phạm biểu tượng Nhà nước trên mạng (online) sẽ bị phạt nặng.

Nguồn bài viết : Bầu Cua

Top