Lưu học sinh Lào nói tiếng Việt lưu loát hơn sau thời gian sống cùng bố mẹ Việt |
Lưu học sinh Lào, Campuchia hào hứng nghe bố mẹ Việt kể chuyện Vua Hùng |
Một ngày đầu tuần tháng 10/2023, bắt xe khách từ Thái Bình lên Hà Nội dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội hữu nghị Việt Nam - Lào lần thứ V, nhiệm kỳ 2023-2028, Đại tá Nguyễn Đức Hạnh - Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Thái Bình hồ hởi khoe ngày 25/11 tới ông sẽ sang Viêng Chăn (Lào) dự đám cưới của hai con đỡ đầu: Bounpheng Lathamsathith (tên thường gọi là Chia) và Phetsamone Souvanhnalangsee (tên thường gọi là May). Ông xúc động khi tình yêu của Chia và May bắt đầu trên đất Việt Nam và giờ đây hai con sắp về chung một nhà.
Trong nhà Đại tá Nguyễn Đức Hạnh treo nhiều ảnh các con đỡ đầu người Lào trong ngày tốt nghiệp. (Ảnh: Thành Luân) |
Chia 26 tuổi, đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa Hà Nội - Viêng Chăn. Anh là người con đỡ đầu đầu tiên và có nhiều thời gian gắn bó nhất với ông Hạnh.
Khi còn học tập ở Đại học Y Dược Thái Bình, có thời gian Chia suy sụp vì bố qua đời sau tai nạn. Ông Hạnh đã động viên, hỗ trợ Chia tiếp tục học tập.
Nghe lời cha đỡ đầu, Chia phấn đấu học thật tốt. Ngày Chia nhận bằng tốt nghiệp, gia đình anh sang Thái Bình dự lễ tốt nghiệp và đón anh về nước. Ông Hạnh cùng Hội hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Thái Bình đón tiếp gia đình Chia như khách quý, giúp chỗ ăn ở và đưa đi du lịch.
Sau khi về nước, Chia thường xuyên gọi điện hỏi thăm gia đình ông Hạnh. Có Chia làm cầu nối, thi thoảng ông Hạnh cũng trò chuyện với mẹ và người thân của con đỡ đầu. Cuộc trò chuyện vui vẻ, cởi mở bởi như ông Hạnh nói “tất cả đều là người một nhà”.
Đối với ông Phạm Tuyến - nguyên Trưởng đoàn chuyên gia thanh niên Việt Nam làm nghĩa vụ quốc tế giúp cách mạng Campuchia giai đoạn 1979 – 1989, sợi dây tình cảm với các lưu học sinh người Campuchia mà gia đình ông đỡ đầu cũng tiếp tục được nối dài dù các cháu đã tốt nghiệp về nước.
Trong số 9 lưu học sinh Campuchia mà gia đình ông Tuyến nhận đỡ đầu có Pu Thia (cựu sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội), quê ở tỉnh Soài Riêng gắn bó đặc biệt nhất. Sau khi tốt nghiệp, Pu Thia trở thành thầy giáo môn Điện tử - khoa Dạy nghề Trường cấp ba Rota, tỉnh Kandal (Campuchia) và lấy vợ người Việt Nam tên Lê Thị Nhàn, là kỹ sư nông nghiệp quê ở Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy, Phú Thọ.
Năm 2018, ông Tuyến cùng gia đình hai bên tổ chức lễ cưới cho các con. Ông dặn dò đôi trẻ giữ đạo vợ chồng, thủy chung, luôn biết bảo vệ hạnh phúc của mình, đặc biệt cố gắng học tiếng, hiểu rõ văn hóa, tập quán mỗi nước, là rể hiền dâu thảo của Việt Nam và Campuchia. Ông cũng mong gia đình hai bên luôn thuận hòa, gắn bó với nhau, chung tay vun đắp hạnh phúc cho đôi trẻ.
Bức ảnh ông Tuyến chụp cùng vợ con và gia đình nội, ngoại của Pu Thia (Ảnh: Phạm Tuyến). |
Tháng 5/2022, vợ con Pu Thia về nước, đưa bố mẹ hai bên đến thăm nhà ông. Để kỷ niệm dịp đoàn tụ đặc biệt này, các gia đình chụp chung một bức ảnh. Ông Tuyến đã phóng to bức ảnh rồi treo trang trọng trong phòng khách, còn một bức ông lồng khung kính gửi tặng gia đình vợ Pu Thia.
Những "đại gia đình" Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia như trên ngày càng phát triển rộng khắp. Theo Trung tướng Nguyễn Tiến Long, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Lào, việc duy trì kết nối giữa gia đình Việt Nam với gia đình lưu học sinh sau khi các cháu về nước là rất cần thiết.
Trong các cuộc làm việc với Hội hữu nghị Lào – Việt Nam, ông nhiều lần đề xuất Hội nghị nghị hai nước cần tuyên truyền để thế hệ trẻ Lào sang Việt Nam học tập trở thành một phong trào sâu rộng. Khi các cháu sang Việt Nam học tập, Hội hữu nghị Việt Nam - Lào đã phối hợp với các nhà trường nhưng thời gian tới cần làm bài bản hơn ở tất cả những trường có học sinh, sinh viên Lào theo học, từ giới thiệu, động viên các cháu đến kết nối các cháu với các gia đình Việt để làm sâu sắc thêm tình cảm gắn bó.
Đặc biệt, gia đình Việt Nam nhận đỡ đầu các cháu kết nối với gia đình ở Lào để cùng trao đổi, động viên, giáo dục các cháu. Mối liên hệ này vẫn được duy trì sau khi các cháu đã tốt nghiệp, trở về Lào công tác.
“Làm được điều này, chúng ta sẽ có hàng vạn gia đình Việt - Lào kết nối với nhau, qua đó củng cố tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai nước”, Trung tướng Nguyễn Tiến Long nói.
Ngày Tết ấm áp của lưu học sinh ở các ngôi trường hữu nghị |
Lưu học sinh Lào say hương vải Việt |
Nguồn bài viết : Đá Gà